Singapore “ngán” tách trẻ song sinh dính nhau

22/04/2009 23:01 GMT+7

Đảo quốc có nền y học tiên tiến từng là nơi để những trẻ song sinh dính nhau được tách rời nay đang muốn từ bỏ vinh dự này.

Bộ trưởng Y tế Singapore Khaw Boon Wan khi tiếp xúc với cử tri hôm 19.4 lặp lại cảnh báo rằng các bác sĩ nên cân nhắc việc phẫu thuật tách rời một cặp song sinh người Ấn Độ dự kiến diễn ra vào tháng 8 tới.

Hai bé gái Vani và Veena sinh ngày 15.10.2003 với phần đầu dính nhau và khỏe mạnh. Cha mẹ các cháu là một cặp vợ chồng nghèo không có lấy mảnh đất cắm dùi ở làng Guntur, quận Warangal, bang Andhra Pradesh thuộc miền đông nam Ấn Độ. Từ lúc chào đời, các cháu bị cha mẹ bỏ rơi, sống trong sự bảo bọc của chính phủ.

Những năm qua, các bệnh viện ở Ấn Độ mong muốn được tách đôi cặp song sinh này, nhưng kẹt chuyện tiền nong. Người ta cũng giới thiệu đến các bệnh viện ở Mỹ. Phía Mỹ ước tính chi phí phẫu thuật với một đội ngũ y bác sĩ có thể lên đến 50 người trong thời gian vài tháng phải mất đến 2 triệu USD. Đến tháng 3.2009, chính quyền bang Andhra Pradesh chấp nhận cho đôi song sinh này được phẫu thuật với toàn bộ chi phí, kể cả chi phí hậu phẫu, do nhà nước lo. Cuộc họp báo diễn ra tại Hyderabad hôm 22.3 đem lại cảm xúc lẫn lộn cho nhiều người. Bác sĩ Keith Goh của Singapore, người được phía Ấn Độ mời thực hiện cuộc phẫu thuật tại một bệnh viện của Singapore vào tháng 8 tới, cho biết hai bé có não bộ riêng, nhưng cùng chung mạch máu, và khả năng phẫu thuật thành công là 60 - 70%.

Sống chung hay là chết?

Bác sĩ Goh là người đã phẫu thuật cho cặp bé gái 11 tháng tuổi người Nepal, Ganga và Jamuna, tại Bệnh viện đa khoa Singapore vào tháng 4.2001. Ganga và Jamuna cũng dính nhau ở phần đầu như cặp Vani - Veena. Thành công trong cuộc phẫu thuật kéo dài 97 giờ của bác sĩ Goh gây tiếng vang lớn và ghi một điểm vàng chói lọi cho nền y tế Singapore.

Dù vậy, ngày 29.7.2008, Ganga qua đời; còn Jamuna thì sống trong tình trạng chậm phát triển bởi một phần hộp sọ bị khuyết chỉ được che bằng da, khiến áp suất không khí tác động trực tiếp lên não. Đầu năm nay, Jamura được đưa trở lại Singapore để bác sĩ “đậy” phần hộp sọ bị khuyết bằng một loại vật liệu cứng nhân tạo. Tuy vậy, việc này chưa thực hiện được do Jamura còn bị một tắc nghẽn ở cột sống có thể gây tử vong hoặc bại liệt hoàn toàn.

Mặc dù các trẻ song sinh dính nhau phải sống một cách vất vả, nhưng có những cặp vẫn trưởng thành tốt. Trong một số trường hợp, can thiệp vào đời sống tự nhiên chỉ có hại - Bộ trưởng Y tế Singapore Khaw Boon Wan

Cũng chính bác sĩ Goh đã phẫu thuật tách một cặp song sinh 29 tuổi người Iran vào tháng 7.2003. Hai chị em Ladan và Laleh Bijani đều là cử nhân luật, họ có não bộ riêng biệt nhưng chung nhau những mạch máu. Nhiều bác sĩ đã khuyên hai cô không nên phẫu thuật vì rủi ro quá lớn do tuổi tác, nhưng hai cô chấp nhận để mong có được cuộc sống riêng biệt. Cuộc phẫu thuật lịch sử kéo dài 50 giờ đã kết liễu cuộc sống của cả hai cô cử nhân thông minh cách nhau 90 phút do mất máu quá nhiều. Trước đó, các bác sĩ ở Đức đã từ chối ca phẫu thuật này.

Những điều cân nhắc

Lật lại lịch sử các cuộc phẫu thuật tách những cặp song sinh dính nhau ở đầu tại Singapore và thế giới, Bộ trưởng Khaw cảnh báo: “Các bác sĩ phẫu thuật, trong một chừng mực nào đó, buộc lòng phải hy sinh một để cứu một. Dù vậy, bệnh nhân sống sót thường chịu những tổn thương ở bộ não. Vậy thì đó có phải là cải thiện chất lượng cuộc sống bệnh nhân không?”.

Ông Khaw cho biết theo thống kê 40 ca phẫu thuật dính nhau ở đầu trên cả thế giới, tỷ lệ trẻ sống qua được quá trình phẫu thuật là 50%. Còn tỷ lệ 75% bệnh nhân được phẫu thuật ở Singapore đã qua đời là “một con số tệ hại”.

Tại hội nghị y tế hôm 17.4, ông Khaw đã phát biểu trước các bác sĩ: “Mặc dù các trẻ song sinh dính nhau phải sống một cách vất vả, nhưng có những cặp vẫn trưởng thành tốt. Trong một số trường hợp, can thiệp vào đời sống tự nhiên chỉ có hại”.

Bà Lee Wei Ling, Giám đốc Viện thần kinh quốc gia (NNI), em gái Thủ tướng Singapore, thì không tiếc lời chỉ trích cuộc phẫu thuật hai bé gái Nepal là “sai lầm”. “Tôi đã khuyên ông ấy (bác sĩ Goh) đừng phẫu thuật, dù đó là một thành công về kỹ thuật và mang lại danh tiếng trên khắp thế giới. Nhưng trách nhiệm của bác sĩ là cuộc sống an lành của bệnh nhân”, bà Lee viết trên một diễn đàn của báo Straits Times năm 2005. Người phụ nữ này còn chỉ trích động cơ của gia đình hai bé gái này là muốn kiếm tiền từ thiện của người Singapore vì, theo bà, cuộc phẫu thuật có thể thực hiện ở thủ đô Kathmandu của Nepal với chi phí thấp hơn nhiều.

Sau ánh hào quang đi kèm với những lời chỉ trích, có vẻ bác sĩ Goh đã hơi nhụt chí khi ông trả lời báo Straits Times qua e-mail gần đây rằng ông chưa quyết định có thực hiện cuộc phẫu thuật cho Vani và Veena hay không.

Thục Minh
(VP Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.