Họ bao gồm cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu, cựu Thủ tướng Goh Chok Tong, cựu Phó thủ tướng Wong Kan Seng, hai cựu Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lim Boon Heng, Lim Hwee Hua và cựu Ngoại trưởng George Yeo. Ông Lý Quang Diệu chính là người đồng sáng lập đảng Nhân dân hành động (PAP) vào năm 1954 và trở thành Thủ tướng Singapore khi PAP giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử năm 1959.
Từ đó đến nay, PAP liên tục nắm quyền lãnh đạo với số ghế áp đảo trong Quốc hội. Ông Lý, rồi đến ông Goh Chok Tong, và hiện tại là con trai ông Lý - Thủ tướng Lý Hiển Long - nối tiếp nắm vị trí Tổng thư ký PAP, gắn với các nhiệm kỳ thủ tướng của họ.
Cuộc bầu cử sóng gió
Sau hơn nửa thế kỷ cầm quyền tuyệt đối, PAP bất ngờ nếm cay đắng trong cuộc tổng tuyển cử ngày 7.5.2011. Đảng này giành 81/87 ghế trong Quốc hội với số phiếu ủng hộ thấp nhất từ trước tới nay là 60,1%. Cũng lần đầu tiên trong lịch sử, PAP đánh mất một khu vực đa nghị viên (khu vực được đại diện bởi nhiều nghị sĩ) gồm 5 nghị sĩ vào tay đảng Lao động đối lập, khiến hai gương mặt sáng giá là ông George Yeo và bà Lim Hwee Hua phải ra đi. Người được PAP chọn sẽ trở thành Chủ tịch Quốc hội sau bầu cử là Zainul Abidin Rasheed cũng phải lặng lẽ rời cơ quan lập pháp quốc gia.
Dù vẫn chiến thắng chung cuộc, PAP đã thừa nhận tổn thất và ngay lập tức có hành động sửa đổi chính sách và con người. Đầu tiên, Bộ trưởng Cố vấn Lý Quang Diệu và Bộ trưởng Cao cấp Goh Chok Tong, từng bị một số người cho là “tham quyền cố vị”, từ chức vào ngày 14.5. Theo sau là việc thay thế người đứng đầu Bộ Giao thông và Bộ Phát triển quốc gia. Từ lâu, sự quá tải các phương tiện công cộng trong giờ cao điểm và thực trạng giá nhà đất tăng cao được cho là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự bất bình của công chúng. Cùng lúc, chính phủ cũng thành lập một ủy ban cao cấp xem xét lại mức lương của bộ trưởng và nghị sĩ, vốn bị đánh giá là “cao một cách không cần thiết” gây khó chịu trong công chúng.
Sóng gió từ cuộc tổng tuyển cử tháng 5 cũng tác động mạnh đến cuộc chạy đua vào ghế tổng thống, một vị trí mang nặng tính lễ nghi và biểu tượng, hồi cuối tháng 8. Lần đầu tiên trong lịch sử Singapore, cuộc bầu cử tổng thống có đến 4 ứng viên chung cuộc. Người dân đã có một đêm 27.8 nín thở chờ đợi 2,1 triệu phiếu bầu được đếm lại, sau khi đợt kiểm phiếu đầu tiên cho thấy số phiếu của hai ứng viên về đầu chênh nhau không quá 2%. Chiến thắng sát nút với số phiếu ủng hộ chỉ 35,2% của cựu Phó thủ tướng Tony Tan, người được cho là thân chính phủ, tiếp tục là một lời nhắc nhở về sự tín nhiệm của nhân dân đối với PAP.
Thay đổi lãnh đạo
Báo Straits Times gọi việc rút lui khỏi Ban Chấp hành trung ương vào ngày 5.10 của 6 thành viên kỳ cựu trong đảng cầm quyền PAP “đánh dấu kết thúc một kỷ nguyên chính trị” ở Singapore. Nghị sĩ đối lập trong Quốc hội Singapore giai đoạn 1984 - 2011 Chiam See Tong cũng nhận định: “Họ (6 người vừa từ chức - NV) từng là những bộ trưởng rất cao cấp. Việc họ từ chức đánh dấu kết thúc kỷ nguyên Lý Quang Diệu”.
Tuy vậy, cũng có một số ý kiến cho rằng ngày nào ông Lý, 88 tuổi, còn là thành viên của PAP, ảnh hưởng của ông đối với đảng cầm quyền vẫn còn lớn. Bởi, ông ấy là một “nhân tố thay đổi mạnh mẽ”, một nghị sĩ nhận xét, “Ông ấy luôn nhìn lại những chính sách do mình ban hành trong quá khứ và đề nghị phải sửa đổi quyết liệt khi nhận ra bối cảnh đã đổi thay”. Cùng nhận định này, nhà quan sát Chin Kah Chong nói với Thanh Niên: “Mọi việc sẽ chỉ thay đổi từng bước, từng bước một”. Ông cho rằng việc các chính trị gia kỳ cựu ra đi là “một tất yếu”. Riêng về nhà lãnh đạo Lý Quang Diệu, ông Chin nhận định thêm rằng: “Việc ông ấy ra đi là tốt, tránh những phiền toái cho con trai mình”, ngầm ý rằng dư luận luôn so sánh giữa ông Lý với đương kim Thủ tướng Lý Hiển Long.
Trong thông cáo về việc từ chức của 6 chính khách nói trên đăng tại website của PAP, Thủ tướng Lý Hiển Long nói: “Đổi mới ban lãnh đạo trong đảng đi liền với việc tự đổi mới trong các nghị sĩ và bộ trưởng”. Ông cũng nói thêm rằng sự thay đổi này cho phép PAP kết nạp những thành viên trẻ hơn vào ban chấp hành, lập nên một nhóm lãnh đạo mới và dẫn dắt đảng trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo vào năm 2016.
Dư luận đã nhắc đến một số nghị sĩ, bộ trưởng rất trẻ - như tân Bộ trưởng Giáo dục Heng Swee Keat, quyền Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Chan Chun Sing - có thể được cơ cấu thay thế những nhân vật kỳ cựu vừa ra đi.
Thục Minh
(VP Singapore)
Bình luận (0)