Du lịch là một trong những ngành ở Đà Nẵng chịu tác động nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19. Phần lớn các khách sạn, homestay, nhà nghỉ… tạm thời đóng cửa hoặc chỉ phục vụ lượng nhỏ khách đang lưu trú. Cơ sở lưu trú phục vụ chỉ khoảng 1,17 triệu lượt khách sau hơn 4 tháng, trong đó khách quốc tế ước đạt hơn 471.000 lượt (giảm 45%), khách trong nước ước đạt hơn 705.000 lượt (giảm 48%). Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt hơn 3.711 tỉ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ năm 2019. Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP cũng gặp nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ngưng trệ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 4 tháng ước giảm gần 4% so với cùng kỳ. Khó khăn chủ yếu là do sự đứt gãy của các chuỗi cung, cầu hàng hóa trên thị trường cả trong và ngoài nước; sản xuất và lưu thông, tiêu thụ hàng hóa bị đình trệ…
Cần nghị quyết sau “Bão dịch”
Theo phân tích của Sở KH-ĐT, dịch Covid-19 tác động mạnh và nhiều chiều, trong đó 3 tác động chính vào tăng trưởng: đầu tư và thương mại; gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất quan trọng; suy giảm tiêu dùng ảnh hưởng đến dịch vụ và du lịch. DN công nghiệp gặp khó khi tìm kiếm nguồn hàng hóa đầu vào thay thế trong thời gian ngắn, tình trạng thất nghiệp hoặc nghỉ việc tạm thời do thiếu nguyên liệu sản xuất là không thể tránh khỏi.
Để lấy lại “sinh khí” cho các DN, việc hỗ trợ thông qua các chính sách, cơ chế đã được lãnh đạo HĐND TP.Đà Nẵng đặt ra tại nhiều cuộc họp, nhất là cần có một nghị quyết để hỗ trợ sau “bão Covid-19”. Sở KH-ĐT nghiên cứu và đã thông báo các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN của T.Ư và Đà Nẵng. Phòng Doanh nghiệp, kinh tế tập thể và tư nhân (Sở KH-ĐT) cho biết danh mục này đảm bảo cho các DN được tiếp cận đầy đủ thông tin về cơ chế, chính sách ưu đãi, văn bản quy phạm, đơn vị làm đầu mối tiếp nhận và xử lý…
Theo ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở KH-ĐT, để đẩy nhanh tiến độ các dự án sau dịch Covid-19, các ban quản lý lập kế hoạch và phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát, đôn đốc nhà thầu tăng cường nhân lực, máy móc, thiết bị, tổ chức tăng ca…, nhất là các công trình trọng điểm. Ông Sơn cho rằng cần có cam kết tiến độ giải ngân của từng dự án. Các đơn vị phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà thầu (về hồ sơ quyết toán, tạm ứng, nghiệm thu thanh toán, lựa chọn nhà thầu tư vấn, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, đấu thầu, khởi công…). Giám đốc Sở KH-ĐT cũng kiến nghị cần tập trung triển khai và giải ngân nguồn vốn ngân sách T.Ư hỗ trợ gồm vốn trong nước và nước ngoài đảm bảo đến tháng 9.2020 đạt trên 60% (cả số giao năm 2020 và kéo dài từ các năm trước sang năm 2020). Nếu không đạt tỷ lệ này, trung ương sẽ thu hồi kế hoạch vốn đã giao, trong đó cần tập trung các dự án phát triển bền vững, cải thiện hạ tầng giao thông… “Cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Lấy kết quả giải ngân làm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020”, ông Sơn nhấn mạnh.
Thường trực HĐND TP.Đà Nẵng cũng đã cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng đối với 8 dự án đầu tư công và đề nghị UBND TP chỉ đạo các ngành chức năng rà soát cân nhắc kỹ lưỡng, lựa chọn những dự án thực sự thiết yếu, tính toán nguồn lực để đầu tư hiệu quả.
Theo Cục Thống kê TP.Đà Nẵng, có 89,9% số lượng DN được khảo sát trả lời có chịu tác động của dịch Covid-19 với các khó khăn chủ yếu: không sản xuất kinh doanh (SXKD) (hơn 58%), nguồn thu không đủ để bù đắp cho các chi phí phát sinh (gần 46%), thị trường tiêu thụ trong nước bị thu hẹp (hơn 44%), hàng hóa không xuất khẩu được (gần 40%), thiếu hụt nguồn nguyên liệu từ nhập khẩu (31%), không tuyển được hoặc phải cắt giảm lao động (27%)…
|
|
Thông qua chủ trương đầu tư, cải tạo Bệnh viện Phụ sản - Nhi
Tại kỳ họp thứ 14 hôm 22.5, HĐND TP.Đà Nẵng khóa 9 đã thông qua chủ trương đầu tư dự án cải tạo và bổ sung trang thiết bị Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng với tổng mức đầu tư 790 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP. Dự án nhằm mục tiêu cải thiện điều kiện cơ sở vật chất và môi trường khám, chữa bệnh; sắp xếp, tổ chức lại một số chức năng trong khối nhà hiện trạng, đảm bảo an toàn PCCC, hướng tới đáp ứng việc tổ chức phân khu chức năng cho bệnh viện quy mô 2.000 giường bệnh. Quy mô đầu tư dự án gồm: cải tạo các khối nhà hiện trạng (diện tích sàn gần 70.000m2); đầu tư xây dựng mới khối khoa Truyền nhiễm (quy mô 200 giường). Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng làm chủ đầu tư, thực hiện từ năm 2020-2022.
|
Đầu tư 4 dự án khu đô thị mới trên đường Hoàng Văn Thái
UBND TP.Đà Nẵng vừa chấp thuận chủ trương đầu tư 4 dự án: khu biệt thự sinh thái hồ Trước Đông, khu biệt thự sinh thái phía tây đường tránh nam hầm Hải Vân, khu biệt thự sinh thái phía đông đường tránh nam hầm Hải Vân, khu biệt thự sinh thái phía bắc đường Hoàng Văn Thái. UBND TP.Đà Nẵng yêu cầu chủ đầu tư ngoài việc tuân thủ đúng quy hoạch chi tiết và tiến độ dự án được phê duyệt còn phải đảm bảo việc hoàn chỉnh hạ tầng xã hội trong phạm vi dự án, bố trí diện tích đất xây dựng nhà ở xã hội theo đúng quy định.
180 tỉ đồng xây dựng công trình Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt
Theo quyết định của UBND TP.Đà Nẵng về việc phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt TP.Đà Nẵng (tại Q.Thanh Khê), tổng mức đầu tư của dự án sau khi điều chỉnh là 180,5 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách. Nội dung điều chỉnh dự án bao gồm: bổ sung các trang thiết bị cho công trình (gồm thiết bị y tế chuyên dùng, thiết bị thông thường như giường bệnh, trang bị hành chính…); thiết bị xây lắp công trình. Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng là chủ đầu tư kiêm đơn vị quản lý dự án. Trước đó, năm 2017, dự án đã được UBND TP phê duyệt.
Bình luận (0)