Nhiều sinh viên, giáo viên người nước ngoài cho biết ấn tượng mạnh nhất về Tết Việt với họ là không khí sum họp gia đình ấm áp.
Mégane (thứ 2, từ phải sang) dự bữa cơm Tết với gia đình chị Thảo - Ảnh: Gia Huy
|
Trải nghiệm những cuộc gặp gia đình ấm áp
Mùa xuân năm nay, Mégane Chopin, sinh viên Trường Telecom Ecole de Management (Pháp) có một trải nghiệm tuyệt vời, đó là được đón Tết cổ truyền của người Việt ngay tại Việt Nam.
Mégane cho biết, cô sang Hà Nội theo một chương trình trao đổi sinh viên giữa trường mình và Trường ĐH FPT. Khóa học của cô ở FPT kéo dài 4 tháng, bắt đầu từ tháng 1 đến hết tháng 4.2016. Khi biết trong thời gian này sẽ có 2 tuần nghỉ để đón Tết “mặt trăng” (cách người nước ngoài vẫn gọi về lịch đón năm mới của một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam), Mégane rất hào hứng vì cho rằng đây sẽ là một trải nghiệm văn hóa tuyệt vời có một không hai trong cuộc đời sinh viên của mình.
Mégane kể: “Khi nhà trường thông báo ai có nhu cầu nghỉ homestay thì đăng ký, em đã đăng ký ngay, mặc dù hầu hết các bạn Pháp của em đều muốn đặt vé đi Phú Quốc. Em nghĩ em có thể đi Phú Quốc trong một dịp nghỉ học ngắn ngày khác, còn nghỉ homestay để trải nghiệm đón Tết cùng một gia đình Việt Nam thì đây là cơ hội duy nhất”.
Gia đình mà Mégane nghỉ homestay là nhà chị Thảo, một cán bộ văn phòng của Trường Cao đẳng FPT. Chị Thảo có một cậu con trai lớn tên là Huy, hiện đang học lớp 12 Trường THPT FPT. Huy nói tiếng Anh khá tốt, nên hai chị em dễ dàng kết thân được với nhau. Mégane ở nhà chị Thảo từ thứ hai (23 tháng Chạp) cho đến thứ bảy (29 tháng Chạp).
Sáng mồng Một, Mégane và mấy người bạn nữa sẽ “bay” vào TP.HCM chơi xuân ở trong đó đến hết Tết thì quay lại trường học. Ngày đầu tiên đến ở nhà chị Thảo, Mégane được mời sang nhà bố mẹ chồng chị Thảo dự “sự kiện” cúng ông Táo, thưởng thức một bữa tiệc ngập tràn hương vị các món ăn Việt Nam. “Em đã từng ăn món nem Việt Nam ở Pháp, thấy rất thích, nhưng đúng là vị ngon của nó không thể nào so sánh được với nem mà em được ăn tại gia đình ông bà nội em Huy”, Mégane nhận xét.
Trong suốt một tuần ở nhà chị Thảo, Mégane không chỉ được dẫn đi chơi phố sắm Tết liên miên, thưởng thức nhiều món ăn đường phố mà còn gặp gỡ, ăn uống với rất nhiều gia đình họ hàng nội ngoại của chị, thậm chí cô còn được trải nghiệm làm món nem.
“Dịp đón năm mới ở Pháp, người dân cũng được nghỉ dài ngày. Họ cũng mua sắm rất nhiều để về trang hoàng nhà cửa và đặc biệt là mua rất nhiều quà cho trẻ con. Người Việt Nam cũng mua sắm, soạn sửa rất nhiều cho dịp Tết, trẻ con cũng được tặng quà, được lì xì. Nhưng điều em rất ấn tượng nhất ở Việt Nam thì đây là dịp mà không khí sum họp gia đình rất ấm áp”, Mégane so sánh.
Tranh thủ Tết Việt để đi du lịch
Với những sinh viên hoặc giáo viên người nước ngoài có đã nhiều năm học tập và làm việc ở Việt Nam thì cách lựa chọn để thưởng ngoạn Tết Việt của họ khá đa dạng, phong phú. Thông thường thì họ thường đi du lịch hoặc đến nhà một bạn học cùng lớp nào đó ở tỉnh xa, gần Tết thì quay về Hà Nội đón giao thừa. Chẳng hạn vừa rồi, Ranawaka Dinuka Ravimal, người Srilanca, sinh viên năm 2 Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã có chuyến du xuân lên nhà bạn học người Việt ở Phú Thọ. Vì ngày 4.2 (26 tháng Chạp) là quốc khánh Srilanca nên cậu đã phải trở về Hà Nội để cùng bạn bè đến sứ quán để dự quốc lễ.
Đồng hương Srilanca với Dinuka (cũng học tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) có khá nhiều người ở lại Hà Nội trong dịp Tết này nên họ đang tính tối giao thừa đi bộ ra hồ Hoàn Kiếm ngắm cảnh bắn pháo hoa. Sau mồng Một, tùy mối quan hệ của mỗi người mà họ sẽ tản đi Thái Nguyên hay Quảng Ninh… chơi nhà bạn học người Việt cùng lớp.
“Thực lòng mà nói chúng em không thích món ăn Việt Nam lắm, chẳng hạn như bánh chưng, vì nó rất nhạt trong khi chúng em ăn rất cay nên cũng không hào hứng “ăn” Tết. Chỉ thích đi chơi, dự các lễ hội và chứng kiến cảnh sum họp gia đình của các bạn người Việt thôi. À, riêng món nem của Việt Nam thì very good!”, Dinuka cười.
Suleiman Al-Jamal, người Palestin, là sinh viên năm năm thứ 3 Trường ĐH Ngoại thương, đã ở Hà Nội 4 năm nay (kể cả một năm học tiếng) nên rất thành thạo đường phố Hà Nội. Những năm trước, mỗi dịp nghỉ Tết cậu thường đi du lịch Đà Nẵng, Nha Trang… nhưng năm nay vì hơi “mến” một bạn gái Hà Nội nên cậu quyết định ở lại Hà Nội đón Tết. Suleiman thuê một chiếc xe máy để tự khám phá các điểm chơi Tết ở Hà Nội.
“Em cũng định tranh thủ nghỉ ngơi thư giãn một mình trong ký túc xá vào dịp này nhưng rồi bận liên miên do các bạn người Việt biết mình ở lại cứ rủ đi café, chơi Tết. Cùng phòng với em có một bạn đồng hương nữa nhưng bạn ấy cũng đi vắng liên mien”, Suleiman chia sẻ.
Dù được nghỉ Tết nhưng Jet Tonogbama, giáo viên dạy tiếng Anh của Trường ĐH FPT, còn bận rộn hơn ngày thường vì kín mít lịch… đi chơi. Dù từ Hà Nội bay Manila (Philippin) cũng gần, nhưng vì còn độc thân nên từ 3 năm nay, chẳng bao giờ Jet về quê dù được nghỉ Tết tới 2 tuần.
Nhờ “quan hệ xã hội” rộng (nói tiếng Việt giỏi, thân với nhiều học trò) nên Jet nhận được rất nhiều lời mời đón Tết tại các gia đình Việt. Vì thích khám phá nét đặc trưng văn hóa các vùng miền nên Jet luôn luôn ưu tiên nhận lời đi tỉnh, nơi có các lễ hội đặc sắc. “Philippin đón năm mới theo lịch mặt trời, tuy cũng được nghỉ dài ngày, nhưng người Philippin thường tổ chức đi chơi trong mấy ngày đó. Còn người Việt Nam thường tổ chức Tết ngay tại cộng đồng, không khí sum vầy trong mấy ngày Tết rất đặc biệt, nhất là với những gia đình có con cái đi làm, đi học xa nhà”, anh Jet nhận xét.
Bình luận (0)