Sinh viên học ngành tâm lý có rủi ro mắc các bệnh về tâm lý cao?

13/12/2024 14:25 GMT+7

Áp lực xã hội gia tăng khiến ngành tâm lý học ngày càng trở nên hấp dẫn với nhu cầu nhân lực cao. Thế nhưng, đằng sau sức hút đó, nhiều sinh viên chia sẻ họ phải đối mặt với khối lượng kiến thức chuyên môn nặng và những thách thức tâm lý trong quá trình học.

Tình trạng quá tải, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, dường như là một thực tế khó tránh. Từng là sinh viên ngành tâm lý học, tuy nhiên đã quyết định chuyển ngành chỉ sau 1 năm gắn bó, Hoàng Tú Trinh (21 tuổi), hiện đang sống tại đường Điện Biên Phủ, P.15, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết bản thân đã gặp khó khăn, thậm chí rơi vào khủng hoảng khi theo học ngành tâm lý.

Nhận ra mình không ổn như thường nghĩ

Khi được người viết hỏi về lý do chuyển ngành, Tú Trinh cho biết ban đầu chọn ngành tâm lý với mong muốn khám phá bản thân và hiểu sâu hơn về cảm xúc con người. Tuy nhiên, thực tế đã không như cô nàng tưởng tượng. Quá trình học khiến Trinh cảm thấy choáng ngợp vì khối lượng lý thuyết không chỉ nhiều mà còn trừu tượng và khó hiểu.

Sinh viên học ngành tâm lý có rủi ro mắc các bệnh về tâm lý cao?- Ảnh 1.

Nhiều sinh viên ngành tâm lý cảm thấy quá tải với lượng kiến thức chuyên môn vừa rộng vừa khó hiểu

ẢNH: KIM ANH

"Nhiều đêm, mình ngồi nghiên cứu tài liệu mà đầu óc hoàn toàn trống rỗng, không thể nào hình dung được những kiến thức này sẽ áp dụng vào cuộc sống như thế nào, đặc biệt là ở môn tâm lý học thần kinh. Lên lớp, mình cố gắng tập trung nghe giảng nhưng không thể hiểu. Mình thường xuyên ngủ gật và cảm thấy bất lực. Tình trạng này cứ lặp đi lặp lại trong suốt học kỳ thứ 2, khiến mình cảm thấy bản thân rất kém cỏi và vô dụng", Trinh tâm sự.

Chính vì thế, Trinh đã quyết định chuyển sang ngành truyền thông, nơi nữ sinh này có thể giao tiếp, sáng tạo và cảm thấy thoải mái, được là chính mình hơn.

Khác với Trinh, L.T.M.D, sinh viên năm 3, ngành tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết tuy đôi lúc cảm thấy áp lực về khối lượng kiến thức nhưng sau 3 năm gắn bó với ngành học này đã giúp D. hiểu rõ hơn về bản thân, cảm xúc và hành vi của mình, từ đó dễ dàng kiểm soát và quản lý cảm xúc tốt hơn.

Chia sẻ về những đặc thù trong quá trình học, D. cho biết một số sinh viên khi bước vào ngành tâm lý có thể mang trong mình những tổn thương chưa được giải quyết và họ hy vọng rằng việc học sẽ giúp bản thân "chữa lành". Tuy nhiên, cũng có những bạn học tâm lý xong mới phát hiện là bản thân không ổn như mình vẫn thường nghĩ khi soi chiếu với những lý thuyết, kiến thức được học.

Duyên chia sẻ thông qua quá trình học, các lý thuyết và kiến thức tâm lý có thể kích hoạt những vấn đề, sang chấn trong quá khứ mà người học từng đối diện, khiến cảm xúc bị đè nén bấy lâu bỗng dưng trào ra. "Không ít bạn đã khóc ngay tại lớp hoặc cảm thấy đau đầu, mất ngủ vì những cảm xúc và suy nghĩ dồn nén", D. chia sẻ.

Rủi ro bị vấn đề tâm lý rất cao nếu…

Nói về vấn đề này, tiến sĩ Giang Thiên Vũ, giảng viên tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết về bản chất, tâm lý học không chỉ nghiên cứu hành vi và cảm xúc mà còn đi sâu vào cấu trúc não bộ, các quá trình nhận thức, động lực học tâm lý và cả những yếu tố xã hội, văn hóa tác động đến con người.

Sinh viên học ngành tâm lý có rủi ro mắc các bệnh về tâm lý cao?- Ảnh 2.

Việc học, vận dụng các kiến thức tâm lý đòi hỏi sự cẩn trọng và hướng dẫn chuyên môn

ẢNH: KIM ANH

Tiến sĩ Vũ cho rằng việc nhiều sinh viên cảm thấy kiến thức lớn và trừu tượng xuất phát từ góc nhìn chủ quan của sinh viên. Điều này, bắt nguồn từ việc sinh viên chưa biết cách vận dụng tri thức vào thực tiễn, phương pháp giảng dạy và cách tiếp nhận thông tin của sinh viên. Tuy nhiên, ông Vũ cũng nhấn mạnh đây là một thử thách cần thiết để sinh viên xây dựng nền tảng vững chắc trước khi bước vào thực hành. "Những lý thuyết tưởng chừng khô khan này thực chất là "bản đồ" giúp sinh viên hiểu và phân tích tâm trí con người. Từ đó, áp dụng vào các công việc như tham vấn, trị liệu, nghiên cứu hoặc giáo dục", tiến sĩ Vũ cho hay.

Bên cạnh những thách thức về học thuật, tiến sĩ Vũ cũng cảnh báo về những rủi ro mắc các bệnh tâm lý trong quá trình học và hành nghề. "Việc nhiều sinh viên lựa chọn ngành học này với mong muốn "chữa lành" và "hàn gắn" những tổn thương trong quá khứ để sống hạnh phúc hơn là một quyết định đáng trân trọng. Tuy nhiên, nếu sinh viên áp dụng kiến thức tâm lý mà không có sự giám sát hoặc nhận xét từ các chuyên gia có kinh nghiệm hay chưa từng trải qua một quá trình tham vấn hoặc trị liệu tâm lý cá nhân, thì nguy cơ gặp… vấn đề trong quá trình học và hành nghề là rất cao. Điều này, không chỉ ảnh hưởng đến bản thân sinh viên mà còn tiềm ẩn rủi ro khi họ hỗ trợ người khác", tiến sĩ Vũ phân tích.

Ngoài ra, việc tiếp xúc với những lý thuyết tâm lý sâu sắc có thể gợi lên các ký ức hoặc cảm xúc đau buồn trong quá khứ, làm gia tăng căng thẳng và áp lực tinh thần. Vì thế, để hạn chế những rủi ro này, sinh viên cần trung thực trong việc nhìn nhận vấn đề cá nhân, nỗ lực tự… chữa lành và chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ tâm lý từ các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm hơn. "Để trở thành một nhà tham vấn, trị liệu tâm lý, các bạn sinh viên phải được tham vấn, trị liệu để khỏe mạnh và tỉnh táo khi làm nghề này", tiến sĩ Vũ đặc biệt nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.