Để thích nghi với tình hình xăng dầu tăng giá, không ít sinh viên phải tiết kiệm ăn uống và thay đổi phương tiện di chuyển.
Giá xăng tăng, nhiều vấn đề bị ảnh hưởng
Bất ngờ, than vãn và xót tiền là những phản ứng của nhiều bạn trẻ khi biết giá xăng dầu tăng. Nguyễn Thượng Hoàng Minh (20 tuổi, sinh viên năm 2, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) vô cùng ngạc nhiên vì mọi khi có 70.000 đồng là đổ đầy bình xăng xe máy, nhưng bây giờ thì phải mất tận 90.000 đồng.
“Tôi có biết đến thông tin giá xăng tăng, nhưng không nghĩ là tăng nhanh và nhiều đến vậy. Lúc đi đổ xăng xe thì mới phát hiện giá xăng là hơn 26.000 đồng/lít. Lúc đó, tôi khá tiếc tiền nhưng vẫn phải đổ thôi”, Minh chia sẻ.
Giá xăng tăng khiến nhiều sinh viên ngại đi xe máy |
TUYẾT RCOM |
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, Trương Mỹ Trâm (21 tuổi, sinh viên năm 4, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho biết việc giá xăng tăng liên tục như hiện nay khiến cô cảm thấy áp lực.
Trâm chia sẻ: “Bên cạnh chi phí đi lại, tôi còn phải chi trả sinh hoạt phí, tiền thuê trọ… Tính chất công việc cũng đòi hỏi mình phải di chuyển nhiều nên chẳng bao lâu lại phải đi đổ xăng. Do đó, số tiền chi cho xăng xe cũng không nhỏ”.
Là sinh viên đang trong kỳ thực tập phải đi lại thường xuyên, giá xăng dầu tăng gây ảnh hưởng đến kế hoạch chi tiêu của Trần Thị Anh Đào (22 tuổi, sinh viên năm 4, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM). Anh Đào cho biết hiện tại cô không dám mua hay đặt hàng trực tuyến để tiết kiệm chi tiêu.
Nữ sinh viên nhận thấy giá xăng tăng kỷ lục kéo theo những vấn đề khác cũng thay đổi, chẳng hạn cô không thể thỏa thích ăn vặt như trước hoặc ngại di chuyển bằng xe máy.
“Trước đây, với 100.000 đồng đổ xăng là tôi có thể đi lại trong một tuần. Bây giờ cũng với số tiền đó, nhưng chỉ được nửa tuần. Một tuần tôi phải trả tới 200.000 đồng tiền xăng”, Anh Đào nói thêm.
Muôn cách tiết kiệm
Để thích ứng với tình hình giá xăng dầu liên tục “nhảy múa”, các bạn trẻ áp dụng nhiều biện pháp “thắt lưng buộc bụng”.
Chẳng hạn, Hoàng Minh cho hay trước kia xăng chưa được liệt kê vào nỗi lo chi tiêu nhưng với tình hình giá cả tăng liên tục như vậy thì Minh phải thay đổi chi tiêu và điều chỉnh việc đi lại.
“Trước mắt là tôi sẽ hạn chế di chuyển bằng xe máy, thay vào đó thì mình có thể đi bộ hoặc chuyển qua đi xe buýt. Bên cạnh đó, tôi cũng phải ăn uống tiết kiệm lại để cân bằng chi tiêu trong tháng”, Minh bày tỏ.
Tương tự, Anh Đào dè xẻn trong ăn uống, hạn chế tiêu tiền vào những mục đích chưa thực sự cần thiết. Đồng thời, đi chung xe với bạn cũng là một phương án được Đào lựa chọn để giảm tiền xăng xe. “Tôi hy vọng giá xăng sẽ giảm ít nhiều trong thời gian tới để việc đi lại của người dân cũng như học sinh, sinh viên được thuận lợi, thoải mái hơn”, Anh Đào chia sẻ.
Còn Mỹ Trâm cho biết sẽ xin thêm một khoản tiền nhỏ từ gia đình, đồng thời chủ động kiếm thêm nguồn thu nhập bằng cách nhận 2 - 3 việc làm thêm ngoài giờ học, tuy không nhiều nhưng cũng trang trải được phần nào chi phí.
Trích một phần tiền tiết kiệm hàng tháng cho xăng xe là cách mà Nguyễn Thị Phương Thảo (23 tuổi, sinh viên năm 4 Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) áp dụng khi giá xăng có dấu hiệu tăng không ngừng trong những ngày qua. Ngoài ra, thay vì một tuần đổ xăng xe một lần như trước thì Thảo quyết định chờ giá xăng hạ nhiệt thì “đổ luôn một thể”.
Dù có công việc làm thêm ổn định nhưng Phạm Hoàng Đức (23 tuổi, sinh viên năm 4 Trường ĐH Y tế công cộng) cho biết nếu giá cả tiếp tục tăng thì anh đề ra giải pháp dự phòng là chỉ ra ngoài khi cần thiết.
Hoàng Đức đồng thời bày tỏ: “Theo mình thì sinh viên năm nhất, năm hai và những bạn không có việc làm bán thời gian sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ việc tăng giá xăng vì các bạn chỉ nhận một khoản tiền nhất định từ gia đình để trang trải sinh hoạt phí”.
Thạc sĩ quản trị kinh doanh Lê Anh Tú, giảng viên Trường Đại học Văn Lang, chia sẻ: “Để thích nghi với tình hình xăng dầu tăng giá thì sinh viên cần có cách chi tiêu hợp lý như tiết giảm di chuyển bằng phương tiện cá nhân, thay vào đó là sử dụng phương tiện công cộng như xe buýt, đồng thời tiết giảm các chi phí sinh hoạt khác như ăn uống, ăn mặc. Sinh viên cũng không nên quá áp lực, lo lắng vì giá xăng có thể sẽ có chiều hướng giảm trong những ngày tới”.
Bình luận (0)