Sinh viên Lào ở nhà gia đình Việt: Khoái món ăn mẹ nuôi nấu và ẩm thực Việt Nam

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
24/02/2024 05:06 GMT+7

Bạn Sounanthalath Loungtavan (sinh viên năm cuối Trường đại học Nguyễn Tất Thành), kể mình khoái vô cùng các món ăn của mẹ Hằng nấu và ẩm thực Việt Nam.

Chiều 23.2, tại vườn Minh Trân (Q.Tân Bình, TP.HCM), Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức buổi tổng kết đánh giá kết quả thực hiện công tác đối ngoại nhân dân - kiều bào năm 2023. Đây cũng là dịp gặp gỡ, động viên kiều bào, các bạn sinh viên Lào, Campuchia và các gia đình tham gia chương trình "Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TP.HCM" dịp năm mới.

Sinh viên Lào ở nhà gia đình Việt: Khoái món ăn mẹ nuôi nấu và ẩm thực Việt Nam- Ảnh 1.

Bạn Sounanthalath Loungtavan (trái) tại chương trình họp mặt xuân Giáp Thìn do MTTQ TP.HCM tổ chức

THU NGÂN

Bạn Sounanthalath Loungtavan (sinh viên năm cuối Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) kể mình yêu và khoái vô cùng các món ăn của mẹ nuôi Nguyễn Thị Hằng nấu.

Do quá yêu thích đất nước Việt Nam nên Sounanthalath Loungtavan xin ba mẹ mình (hiện đang sống ở thủ đô Viêng Chăn, Lào) đến TP.HCM theo đuổi ngành y. Sounanthalath Loungtavan cho hay, còn một em gái nữa, hiện vẫn sống ở Lào để học thêm chuyên ngành cảnh sát.

Sounanthalath Loungtavan nói rành tiếng Việt: "Qua Việt Nam học một thời gian thì trường thông báo có chương trình Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia. Mới đầu, tôi chần chừ nhưng sau đó quyết định đăng ký tham gia. Nhờ vậy tôi có được trải nghiệm rất tuyệt vời. Qúa trình giao lưu văn hóa, tôi ở nhà mẹ Hằng suốt, mẹ nấu ăn rất ngon, mẹ đổi mỗi ngày cho các con. Tôi cũng rất yêu thích ẩm thực Việt Nam. Cứ rảnh là tôi cùng bạn bè người Việt Nam đi ăn, uống nhiều nơi ở TP.HCM".

Còn bạn Tanh Bunterm là một trong số những sinh viên Campuchia đến TP.HCM học tập trong năm 2023. Hiện Tanh Bunterm đang là sinh viên trường Đại học Nông Lâm TP.HCM và sinh sống cùng gia đình Việt ở TP.Thủ Đức. Nói tiếng Việt rõ ràng, Tanh Bunterm xúc động: "Nhờ chương trình, tôi có được ba, mẹ, gia đình nuôi của mình ở Việt Nam. Đây đã trở thành ngôi nhà thứ hai của tôi, nơi đã cho em đầy đủ tình yêu thương như gia đình ruột thịt".

Tanh Bunterm cho hay, trong suốt thời gian sinh sống, học tập ở một đất nước xa lạ, nhiều sinh viên Lào, Campuchia gặp nhiều khó khăn. Nhưng sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền (về vật chất lẫn tinh thần) đã giúp các sinh viên có thêm động lực phấn đấu, học tập.

"Chương trình đã giúp tôi cảm nhận rõ hơn về sự quan tâm yêu thương của người dân Việt Nam với sinh viên Lào, Campuchia. Đây cũng là cơ hội để tôi được tìm hiểu thêm về văn hóa và đất nước con người Việt Nam", Tanh Bunterm nói và kỳ vọng chương trình sẽ được tổ chức thêm nhiều năm nữa để cho nhiều bạn trẻ có cơ hội đến Việt Nam học tập, giao lưu.

Sinh viên Lào ở nhà gia đình Việt: Khoái món ăn mẹ nuôi nấu và ẩm thực Việt Nam- Ảnh 2.

Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TP.HCM họp mặt dịp năm mới

THU NGÂN

"Hai con cũng giúp tôi hiểu thêm về văn hóa của nước Lào"

Lần đầu tiên nhận nuôi sinh viên Lào, bà Đoàn Thị Xuân Thảo (ngụ TP.Thủ Đức) không khỏi xúc động khi nhớ về những ngày sinh sống như một gia đình với 2 người con nuôi (sinh viên Lào) trong suốt năm 2023.

"Chúng tôi thường xuyên quây quần bên mâm cơm, cùng nhau tham gia các lễ hội và giúp các con hiểu thêm về giá trị của gia đình Việt. Qua các buổi trò chuyện, hai con cũng giúp tôi hiểu thêm về văn hóa của nước Lào", bà Thảo chia sẻ.

Bà Thảo cho biết, bên cạnh những buổi sinh hoạt tại gia đình, bà thường vận động các con hoạt động thêm các hoạt động của địa phương, hiểu thêm các phong tục tập quán của miền Nam và Việt Nam. Đối với bà, những ngày sống cùng các con nuôi là một kỷ niệm khó quên.

Bà Mai Thị Hoàng Nga (ngụ ở Q.Phú Nhuận) cũng cho hay, năm 2023, bà nhận nuôi 2 sinh viên người nước Lào, đang theo học Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.

Sinh viên Lào ở nhà gia đình Việt: Khoái món ăn mẹ nuôi nấu và ẩm thực Việt Nam- Ảnh 3.

Bà Nga chụp hình lưu niệm cùng các con (sinh viên Lào) đang học Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

THU NGÂN

Gương mặt hồ hởi, bà Nga í ới gọi các con mình chụp hình tại vườn Minh Trân. "Mấy đứa con tôi vừa rồi ăn tết với gia đình tôi, cùng gói bánh tét, mặc áo dài. Mấy đứa học trong tuần, nên cuối tuần gia đình gặp nhau, đi ăn uống, có hoạt động ở phường thì tham gia. Cá nhân tôi sẽ hỗ trợ nhiều cách cho các con để an tâm học tập. Mới vừa rồi, tôi lì xì mỗi đứa 2 triệu đồng, như học bổng vậy. Năm 2022, tôi nuôi 2 đứa sinh viên nam. Giờ tụi nó vẫn giữ liên lạc, điện thoại tôi hoài".

Ông Ngô Thanh Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, cho biết năm 2023 có 67 gia đình Việt, 91 sinh viên Lào và 14 sinh viên Campuchia tham gia chương trình "Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TP.HCM".

Các gia đình sinh viên Lào, Campuchia cũng đã sang thăm, giao lưu tại TP.HCM, giao lưu với các gia đình nuôi, được nghe giới thiệu về chương trình đào tạo bậc đại học, tham quan khu vực học tập, thực hành, sinh hoạt của sinh viên tại trường…

Nhà nước cũng hỗ trợ 67 gia đình nhận đỡ đầu 105 sinh viên Lào, Campuchia với tổng kinh phí hơn 470 triệu đồng. Với sự yêu thương, quan tâm chăm sóc của các thành viên trong gia đình Việt, các sinh viên Lào, Campuchia được trải nghiệm, sinh hoạt hằng ngày với các món ăn truyền thống của gia đình Việt Nam; được học tiếng Việt trong giao tiếp với gia đình; cùng gia đình tham quan, nghỉ mát...

Các hoạt động này cũng nhằm tăng cường mối quan hệ truyền thống, đoàn kết, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào - Campuchia.

Sinh viên Lào ở nhà gia đình Việt: Khoái món ăn mẹ nuôi nấu và ẩm thực Việt Nam- Ảnh 4.

Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM

THUẬN VĂN

Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã gửi lời chúc tết đến các gia đình Việt và sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TP.HCM.

"Các cha, mẹ người Việt đã mang đến cho các em tình cảm thân thương, ấm cúng của một gia đình, giúp các em vơi đi nỗi nhớ quê hương. Tôi mong đó cũng là động lực để các sinh viên học tập tốt hơn, mai sau sẽ cống hiến cho mối quan hệ hữu nghị giữa các nước", bà Yến kỳ vọng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.