Vượt qua trở ngại vì mang tiếng làm nghề “ô sin”, nhiều sinh viên ở Hà Nội đã chọn làm giúp việc theo giờ để có thêm thu nhập.
Làm giúp việc gia đình giúp sinh viên có thêm thu nhập - Ảnh: Phạm Nga
|
Mua xe máy nhờ làm giúp việc
Giúp việc theo giờ đã trở thành một công việc làm thêm cho nhiều bạn trẻ, vì đây là công việc tương đối nhẹ nhàng nhưng thu nhập cao hơn hẳn so với các công việc khác. Tô Thị Th., sinh viên năm 3, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết: “Tôi đã đi làm thêm từ năm thứ nhất, với nhiều công việc khác nhau như: bưng bê, bán quần áo ở các shop thời trang... nhưng lương chỉ dao động trong khoảng 1-1,2 triệu đồng, lại không được nghỉ chủ nhật. Trong khi đó, giúp việc ở các hộ gia đình vừa có thu nhập cao, lại vừa mất ít thời gian hơn”. Th. cho hay, đa số các chủ nhà đều trả lương rất sòng phẳng. Nhiều bạn còn được chủ thưởng thêm vào cuối tháng nhờ chăm chỉ, thật thà và chịu khó.
Chỉ học ngày một buổi nên Hồ Thị Nh., sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền tranh thủ đi làm giúp việc theo giờ. Công việc chủ yếu của cô là chăm sóc bé trai 3 tuổi và rửa bát sau bữa tối. Chỉ làm việc khoảng 4 tiếng 1 ngày (từ 17-21 giờ), Nh. có được khoảng hơn 2 triệu đồng tiền lương 1 tháng. Sau một đợt làm thêm, Nh. có tiền chi tiêu, khám bệnh và còn có thể mua quà về cho gia đình...
Nhiều bạn nhờ chăm chỉ làm thêm nên có những tháng không phải xin tiền bố mẹ để nộp tiền học và chi tiêu. Bùi Thị Y., sinh viên năm cuối, Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ còn tích góp được tiền để mua xe máy.
Không ít “chông gai”
Dù được xem là công việc làm thêm khá đơn giản, nhưng nhiều nữ sinh cũng gặp phải không ít khó khăn. H. - một sinh viên Trường ĐH Thương Mại cho biết, cô đã phải nghỉ làm chỉ sau nửa tháng vì thường xuyên phải đi làm về muộn, khi các điểm xe buýt khá vắng người. H. liên tục bị trêu ghẹo nên rất hoảng sợ.
Đáng nói là công việc làm thêm này đòi hỏi thời gian cố định và không thể làm thất thường nên có những bạn phải bỏ cả học để làm thêm. Bùi Thị Y. tâm sự: “Do lịch học không ổn định nên thỉnh thoảng mình phải xin nghỉ làm để đi học. Có khi lại nghỉ học để đi làm, sợ kỳ này không được thi 2 - 3 môn. Nếu phải học lại, chắc tiền làm thêm không đủ trả tiền học”.
Sự khắt khe của chủ nhà là một trong những khó khăn mà các bạn trẻ gặp phải khi họ làm giúp việc. Theo Nh., chủ nhà khá khó tính với việc chăm sóc con của họ. Mặc dù là người cẩn thận và chăm chỉ nhưng Nh. cũng thường xuyên bị “trách khéo” khi em bé khóc.
Với đa số sinh viên đi làm giúp việc, khó nhất là phải vượt qua sự dè bỉu của người khác. Bởi không ít người vẫn quan niệm, làm giúp việc là công việc rất tầm thường. Tuy nhiên, theo Hồ Thị Nh, công việc này giúp bạn bớt phụ thuộc vào gia đình, học được sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và đặc biệt là thấy trân trọng những đồng tiền bố mẹ làm ra, nên “chẳng có gì phải ngại cả”, Nh. quả quyết.
Đáng nói là xã hội ngày càng có cái nhìn mới mẻ hơn với công việc này. Đặc biệt là người sử dụng thích thuê sinh viên hơn là các đối tượng khác. Chị Nguyễn Thị Hiền (31 tuổi) ở chung cư Green Park Tower, Yên Hòa, Cầu Giấy cho biết, vợ chồng chị đi làm cả ngày nên lúc nào cũng cần người giúp việc. Từ khi có dịch vụ sinh viên làm giúp việc, chị rất hài lòng. Chị Hiền chia sẻ: "Sinh viên thường nhanh nhẹn, dễ nói chuyện, các em ấy lại chịu khó, thật thà. Cứ xong việc và đến giờ là có thể về, đỡ bất tiện cho cả người thuê và người làm".
Bình luận (0)