Sinh viên năm nhất từng gửi hơn 30 đơn ứng tuyển thực tập đều bị từ chối...

10/10/2023 11:12 GMT+7

Từ năm nhất đại học, nhiều sinh viên đã mong muốn đi thực tập để có kinh nghiệm, sau này ra trường dễ xin việc, thế nhưng khi vốn kiến thức chuyên ngành còn hạn chế thì làm sao thực tập?

Sự cố gắng của sinh viên năm thứ nhất

Chọn thực tập từ năm nhất đại học, Thân Nguyễn Tấn Sơn (24 tuổi), điều phối viên dự án của Công ty TNHH dịch vụ thương mại YES4ALL (TP.HCM), cho biết vì bản thân muốn tiếp xúc với môi trường công việc sớm để dạn dĩ hơn.

Sinh viên thực tập từ năm nhất đại học: Thiếu chuyên môn, sao dám trải nghiệm? - Ảnh 1.

Nhiều sinh viên bắt đầu thực tập từ năm nhất để có thêm kinh nghiệm tìm việc làm

THU HÀ

Tấn Sơn kể: “Thời gian đầu mình khá chật vật, gửi đơn ứng tuyển hơn 30 doanh nghiệp nhưng đều bị từ chối vì họ không nhận sinh viên năm nhất. Mãi đến khi có 1 công ty thiếu nhân sự mảng bán hàng và yêu cầu tuyển dụng không quá cao, mình mới được nhận vào thực tập”.

Để đơn xin việc không bị trống, Sơn trình bày kết quả học tập, hoạt động câu lạc bộ và cả mong muốn, khả năng có thể cống hiến. “Vì thiếu kinh nghiệm nên mình làm việc rất kỹ tính, đầu tư nhiều thời gian và công sức để vừa học, vừa làm. Do đó, đến tháng thứ 2, mình được nhận làm chính thức và có nhiều lợi thế ứng tuyển các công việc sau này”, Sơn chia sẻ.

Sinh viên thực tập từ năm nhất đại học: Thiếu chuyên môn, sao dám trải nghiệm? - Ảnh 2.

Tinh thần cầu thị học hỏi là tiêu chí mà nhiều doanh nghiệp chú ý ở sinh viên năm nhất

THU HÀ

Cũng từng thực tập từ năm nhất, Vũ Thị Thu Hà (23 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đã từng bối rối không biết cách giao tiếp với khách hàng vì thiếu kinh nghiệm, khiến họ không hài lòng và ảnh hưởng đến doanh nghiệp. 

“Sau sự cố đó, mình tập thói quen hỏi cách giải quyết vấn đề từ mọi người và chịu khó lắng nghe. Vì thế, dù "khá non" nhưng nhà tuyển dụng vẫn đánh giá mình có thái độ tốt trong công việc”, Thu Hà cho biết.

Không chỉ vậy, trong suốt quá trình học đại học, cô nàng này còn thực tập ở 3 doanh nghiệp khác vì biết cân bằng giữa học và làm. “Trên lớp, mình sẽ cố gắng nghe hiểu bài học ngày hôm đó, có thắc mắc phải hỏi giảng viên và đi làm thì tập trung giải quyết công việc”, Hà cho hay.

Vừa trở thành nhân viên chính thức của Ngân hàng số Timo (TP.HCM), Đinh Văn Tiến, sinh viên năm cuối Trường ĐH Văn Lang, cho biết: “Mình thực tập từ những năm nhất đại học vì muốn va chạm thực tế càng sớm càng tốt, đồng thời khi thấy các bạn đồng trang lứa đã làm được nên cũng không muốn bỏ lỡ xu hướng. Để tránh gặp áp lực và ảnh hưởng chuyện học, ngay từ đầu mình phải xác định rõ mục đích thực tập và chấp nhận đánh đổi nhiều thứ”.

Để nhà tuyển dụng chú ý, Tiến lập 1 trang Facebook để làm thương hiệu cá nhân và rèn luyện kỹ năng viết nội dung, quản trị kênh truyền thông. Đồng thời, Tiến ưu tiên chọn doanh nghiệp vừa và nhỏ với nhu cầu không quá khắt khe.

Một xu hướng tích cực

Là doanh nghiệp có tuyển dụng sinh viên năm nhất, bà Nguyễn Thị Thùy Minh, Giám đốc điều hành Trung tâm giáo dục STEM vườn ươm tài năng Việt (TP.HCM), cho biết: “Thông thường các doanh nghiệp sẽ ít tuyển dụng sinh viên năm nhất ngoại trừ những trường hợp đặc biệt vì hoàn cảnh gia đình, có tinh thần ham học hỏi hay tự tin về khả năng của bản thân. Khi chấp nhận cho các bạn thực tập, tôi thường đánh giá vào thái độ nghiêm túc, lễ phép và sự chăm chỉ, qua đó sẽ có hướng hỗ trợ, đào tạo phù hợp”.

Sinh viên thực tập từ năm nhất đại học: Thiếu chuyên môn, sao dám trải nghiệm? - Ảnh 3.

THƯỢNG HẢI

Nhận xét về việc thực tập sớm, bà Võ Duy Phương Thanh, Phó giám đốc điều hành Công ty cổ phần công nghệ HR1JOBS (TP.HCM), chia sẻ đây là 1 xu hướng tích cực khi sinh viên có cơ hội tiếp xúc thực tế công việc và xây dựng mối quan hệ trong xã hội từ sớm.

“Tình yêu cho học hỏi và mong muốn tích lũy kinh nghiệm là động cơ chính thúc đẩy sinh viên tham gia vào chương trình thực tập sớm để trang bị những kinh nghiệm, chiến lược cho sự cạnh tranh khi ra trường. Đây cũng là nhu cầu thực tế từ thị trường lao động khi các doanh nghiệp đang tìm kiếm nhân sự có kỹ năng và kiến thức thực tế cao”, bà Thanh nói.

Sinh viên thực tập từ năm nhất đại học: Thiếu chuyên môn, sao dám trải nghiệm? - Ảnh 4.

Cần có định hướng cụ thể trước khi quyết định thực tập sớm

VĂN TIẾN

Bà Thanh cũng nhấn mạnh sinh viên cần cân bằng giữa việc học và thực tập, tránh ảnh hưởng đến tiến độ chính trong việc tiếp thu kiến thức ở trường. “Khi nhận nhân sự là sinh viên năm nhất, doanh nghiệp hiểu rằng các bạn chưa có nhiều kiến thức chuyên ngành và bước đầu sẽ giao những công việc vừa sức. Do đó, điều quan trọng nhất là các bạn phải thể hiện được tinh thần cầu thị, làm việc chăm chỉ và sẵn sàng học những kiến thức, kỹ năng mới có thể đạt mục tiêu tìm kiếm công việc về sau”, chuyên gia này cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.