Vừa qua, một giảng viên ĐH đã chia sẻ câu chuyện cô nhiều lần nhắc sinh viên sửa mẫu mặc định "Xin chào, mình tên là... kết bạn với mình nhé" khi muốn kết bạn Zalo, ghi rõ tên, lớp thì cô mới đồng ý, nếu không thì "lơ" luôn. Nữ giảng viên cũng cho rằng thế hệ Z tuy năng động, sáng tạo... nhưng có những hạn chế trong giao tiếp, ứng xử, chẳng hạn như việc nhắn tin, nên phải dũng cảm nhìn thẳng để nhận rõ và điều chỉnh.
Dưới bài viết, không ít độc giả tán thành ý kiến này. Chẳng hạn, bạn đọc Ngân Nguyễn bày tỏ: "Đồng ý với cô giáo. Cũng đề nghị các bạn học sinh, sinh viên bỏ kiểu nhắn tin 'cô ơi' hay 'cô cho em hỏi' xong im ru chờ cô 'ơi' mới trình bày vấn đề chính". Mở rộng ra đời sống nói chung, tài khoản 297084 chia sẻ khi kết bạn với ai trên mạng xã hội cũng cần giới thiệu bản thân đầy đủ, như tên và mục đích làm quen.
Những quan điểm trên phản ánh một khía cạnh không kém phần quan trọng bên cạnh việc học là cách giao tiếp trong môi trường học đường giữa thầy và trò, nhất là khi các cô cậu học trò đã không còn ở độ tuổi vị thành niên. Thực tế, sinh viên thế hệ Z đang ứng xử với giảng viên ra sao, nhất là trên không gian mạng?
Cách giao tiếp tùy theo độ tuổi giảng viên
Nhận xét về đặc điểm giao tiếp của thế hệ Z, Lê Phương Uyên, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đúc kết trong hai từ "cởi mở" và "sáng tạo". "Chúng tôi sẵn sàng nói về bất kỳ chủ đề gì, kể cả những nội dung có phần nhạy cảm như tình dục, bằng những cách thức khác nhau từ chuẩn mực đến 'bắt trend', chẳng hạn gần đây tôi hay dùng đại từ nhân xưng 'bả', 'cô ấy' để chỉ chính mình", Uyên nói.
Tuy nhiên, trong môi trường học đường, cô nhìn nhận phải bổ sung thêm hai từ "phù hợp" và "tôn trọng". Cụ thể, với những giảng viên trẻ tuổi, thân thiện, sinh viên đôi khi có thể pha trò và đùa giỡn, hay dùng cách nói thông dụng với giới trẻ. Nhưng với thầy cô lớn tuổi, điều này lại không nên vì lúc này thầy cô "như bậc cha, chú trong nhà" và nếu hành xử quá thoải mái dễ khiến giảng viên cảm thấy bị xúc phạm.
"Nhưng dù giao tiếp với giảng viên trẻ hay lớn tuổi, đặc biệt là trên mạng xã hội, tôi đều dùng kính ngữ như vâng, dạ, thưa, ạ... và cân nhắc chủ đề nói năng để không biến tướng thành quấy rối hay công kích thầy cô. Khâu kết bạn với giảng viên cũng cần được chú trọng. Như hồi năm nhất, trước khi nhấn nút kết bạn trên Zalo, tôi phải sửa mẫu mặc định 'Xin chào, mình tên là...' thành 'Chào cô, em là... học ngành... có mã số sinh viên... Xin cô kết bạn với em để em có thể trao đổi thêm với cô'", Uyên nhớ lại.
Đồng tình với Phương Uyên, Kiều Minh Hùng, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết sinh viên thời nay luôn giữ chừng mực nhất định với giảng viên của mình. "Có thể đối với một số giảng viên trẻ tuổi hay dễ tính, chúng tôi sẽ ứng xử thoải mái, năng động hơn nhưng căn bản vẫn đảm bảo tinh thần 'tôn sư trọng đạo' trong mọi lời nói, cử chỉ và suy nghĩ", nam sinh viên bộc bạch.
Tuy nhiên, trong thực tế giao tiếp, Hùng thú nhận lắm khi sinh viên không thể "giữ được mình" vì thói quen cá nhân. "Tôi từng chứng kiến một trường hợp hay nhắn tin teencode với bạn bè, đến khi trao đổi với giảng viên thì bị 'lậm' và lỡ viết teencode từ 'có' thành 'cs', khiến giảng viên hiểu nhầm thành chữ 'cơ sở' và ảnh hưởng đến hiệu quả giao tiếp", anh kể.
Giảng viên cũng "xì tin"
Một đặc điểm giao tiếp của giới trẻ hiện nay là thường dùng meme (hình ảnh được lan truyền một cách phổ biến, thịnh hành), teencode và những câu nói "bắt trend" khi nhắn tin trên mạng để cuộc trò chuyện thêm phần sinh động, hài hước. Và theo Phan Hồ Duy Khang, sinh viên Trường ĐH Văn Lang (TP.HCM), yếu tố này cũng hay xuất hiện trong một số nhóm chat Zalo có mặt giảng viên của lớp nam sinh viên.
"Nhìn chung, việc nhắn tin theo hướng 'xì tin' chỉ diễn ra trong những nhóm có giảng viên trẻ tuổi, và có khi chính thầy cô là người 'khởi xướng' dùng meme để thân thiết hơn với học trò. Điều này khiến chúng tôi thoải mái và tự tin trao đổi hơn nhiều vì không gặp áp lực phải chỉn chu trong từng câu chữ. Tuy nhiên, có bạn vì quá thoải mái dẫn đến 'quá trớn', làm mất đi sự tôn trọng", Khang nêu quan điểm.
Cũng theo Khang, trong một số bối cảnh đặc biệt như viết email gửi giảng viên, anh và các bạn thường lưu ý đến sự trang trọng và chuẩn mực, cả ở ngôn từ lẫn hình thức. "Tôi luôn bắt đầu với cụm 'Kính gửi thầy/cô', sau đó giới thiệu bản thân và trình bày nội dung cần trao đổi, rồi kết lại bằng câu 'Trân trọng cảm ơn thầy/cô'. Điều này xuất phát từ quan niệm viết thư phải khác với nhắn tin bình thường", anh chia sẻ.
Thầy cô cũng cần thấu hiểu sinh viên
Theo Phương Uyên, không chỉ sinh viên cần trau dồi cách giao tiếp đúng mực mà giảng viên cũng cần có sự thấu hiểu, cảm thông nếu học trò vô ý ứng xử không phù hợp, đồng thời hạn chế một số "thủ tục giao tiếp" rườm rà. Ngoài ra, thầy và trò cũng cần có những quy ước trước về cách ứng xử phù hợp trong lớp học và trên không gian mạng, tránh "mất bò mới lo làm chuồng".
Góp ý thêm về cách giảng viên trao đổi với sinh viên, Minh Hùng đề xuất hai bên có thể sử dụng tính năng ghi âm giọng nói để tiết kiệm thời gian và thể hiện đúng thái độ bản thân muốn truyền đạt. "Nếu áp dụng, thầy cô nên là người chủ động phổ biến thông tin để sinh viên dám thực hiện, vì nhiều người vẫn xem việc dùng tính năng này là không tôn trọng nhau nếu hai bên chưa thân thiết", anh nói. Mặt khác, Duy Khang mong thầy cô luôn nhắn tin có dấu để sinh viên tránh cảnh "nhìn chữ đoán nghĩa".
Bình luận (0)