Sinh viên phải viết bản tường trình nếu học kém

26/09/2018 08:21 GMT+7

Những sinh viên có kết quả học tập không tốt phải viết bản tường trình có kèm ý kiến của phụ huynh. Đây là một trong số những cách quản lý của trường ĐH với người học hiện nay.

Ngay đầu năm học mới, Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã có thông báo yêu cầu sinh viên (SV) phải làm bản tường trình nếu có kết quả học tập không tốt. Thông báo này cho biết trường đã có kết quả xử lý học vụ học kỳ 1 năm học 2018 - 2019 với các SV chính quy có kết quả học tập không đạt yêu cầu đồng thời danh sách SV bị nhắc nhở về kết quả học tập không tốt. Cụ thể đợt này có 189 người thuộc diện bị nhắc nhở, 21 người bị cảnh cáo. Trường đề nghị SV thuộc danh sách này phải nộp bản tường trình có ý kiến của phụ huynh và cố vấn học tập, nêu rõ lý do vì sao có kết quả học tập không tốt hoặc còn nợ học phí.
Trước đó, Trường ĐH Công nghệ đã ra thông báo tương tự với 211 SV ở học kỳ 2 năm học 2017 - 2018 và 156 SV trong học kỳ 2 năm học 2016 - 2017.

Trong khi đó, Trường ĐH Tôn Đức Thắng thực hiện thông báo điểm tích lũy học kỳ 1 năm học 2017 - 2018 cho phụ huynh của từng SV theo học tại trường. Bên cạnh thông báo mức điểm, tin nhắn còn có thêm số điện thoại của trường để phụ huynh liên hệ khi cần thiết.
Tương tự, Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải cũng thực hiện thông tin tình hình học tập và kết quả rèn luyện SV đến gia đình SV. Còn Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên) cũng gửi mẫu phiếu báo kết quả học tập của SV về gia đình theo từng học kỳ.
GS-TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng cách làm của Trường ĐH Công nghệ là giải pháp quản lý tốt người học. Ông Đức nói: “Trước đây khoảng chục năm, khi tôi còn công tác tại trường này, tỷ lệ SV tốt nghiệp đúng hạn khá thấp, chỉ khoảng 50 - 60% mỗi khóa và nguyên nhân chủ yếu do nợ môn. Hiện nay tỷ lệ SV tốt nghiệp đúng hạn ở toàn ĐH Quốc gia Hà Nội đã tăng lên nhiều, như năm nay đợt gần nhất trên 86%”.
“Có những SV mải chơi nên dù bị cảnh báo học vụ nhưng không nắm. Vì vậy sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình nếu tốt sẽ giúp tỷ lệ ra trường tốt hơn. Tuy nhiên việc này không dễ thực hiện vì số lượng SV ở các trường ĐH rất đông, nhiều gia đình SV ở xa và còn đòi hỏi cán bộ quản lý SV phải rất tận tâm mới làm được”, ông Đức nhìn nhận.
Trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết trường đã thực hiện việc gửi kết quả học tập SV về gia đình cả chục năm nay và thấy việc này mang lại hiệu quả.
Trong khi đó, một số trường ĐH không chọn cách làm này vì cho rằng SV đã đủ lớn. Thạc sĩ Trần Thiện Duy, Chánh văn phòng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết trước đây trường từng lấy ý kiến toàn trường về cách thức quản lý SV sao cho hiệu quả. Trong đó có đề xuất cung cấp tài khoản và mật khẩu SV cho phụ huynh. Tuy nhiên một số ý kiến phản đối vì cho rằng SV đã lớn, cách làm này sẽ vi phạm quyền SV nên trường đã không thực hiện. Chỉ trong trường hợp phụ huynh yêu cầu, trường mới cung cấp thông tin.
PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, thì cho rằng: “Thực tế SV đều từ 18 tuổi trở lên. Không hẳn vì SV đủ lớn nên hoàn toàn bỏ mặc và trường không cần tương tác với gia đình. Trường sẽ liên hệ với gia đình ở mức độ vừa phải và trong trường hợp cần thiết”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.