Sinh viên ra trường với CV không nổi trội, có xin việc làm được không?

08/07/2023 16:05 GMT+7

Thiếu sự tự tin, chưa có định hướng sự nghiệp rõ ràng, ngại thử việc và vô vàn những trở ngại về tâm lý khác khiến cho nhiều sinh viên dù sắp ra trường nhưng đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội việc làm.

Sợ làm xấu hình ảnh trước nhà tuyển dụng

Đang rất băn khoăn trong việc tìm kiếm việc làm phù hợp với ngành học kế toán, Võ Ngô Ánh Tuyết, sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết: "Mình là người rất hướng nội nên giao tiếp rất kém và khó diễn đạt được ý trình bày trước người khác nên sợ khi đi phỏng vấn xin việc sẽ không biết làm thế nào. Ngoài ra, các doanh nghiệp đều cần có kinh nghiệm nhưng CV của mình lại không nổi trội thì có được nhận không?". 

Sinh viên ra trường với CV không nổi trội, có xin việc làm được không? - Ảnh 1.

Ngại trình bày, khó chia sẻ là vấn đề tâm lý thường mắc phải khi xin việc của người trẻ

THƯỢNG HẢI

Cũng đang có những rào cản tâm lý trong quá trình tìm việc, Trần Ngọc Hải Ngân, sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM, hiện đang rất ngại chuyện đàm phán lương. Hải Ngân cho rằng việc ứng viên đề cập đến vấn đề nhạy cảm này là đang thể hiện cái tôi và làm xấu đi hình ảnh trước nhà tuyển dụng nên không dám trình bày, dù rất muốn hỏi về điều này. 

Ngoài ra, vẫn còn rất nhiều các vấn đề tâm lý khác mà nhiều sinh viên vẫn còn đang vướng mắc như: "Gửi nhiều CV nhưng mãi không phản hồi có nên đợi nữa không?", "Không có kinh nghiệm làm thêm, xin việc có khó không?", "Có nên thực tập không lương?"...

Thạc sĩ Nguyễn Lê Minh Long, Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp - tư vấn việc làm của Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết: "Trong 1 năm trở lại đây, hầu hết các đầu việc mà doanh nghiệp dành cho sinh viên mới ra trường rất khan hiếm. Xu hướng tuyển dụng bây giờ không phải đưa vào theo số lượng mà là chất lượng làm việc và theo thống kê của phòng đào tạo năm nay, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng ra trường đã chậm hơn, chỉ có 89%".

Theo thạc sĩ Minh Long, sinh viên cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc xác định sự nghiệp của bản thân và xây dựng kỹ năng cho bản thân. "Hãy chịu khó dấn thân, đừng lúc nào bị áp lực rồi cũng "tại, bị, thì, là, mà". Hãy sẵn sàng đón nhận mọi khó khăn của chuyện đi làm, mạnh dạn học hỏi nhiều hơn", ông Minh Long nhấn mạnh.

Nguyên tắc "6T-3S"

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Anh, Phó giám đốc nhân sự - hành chính Saigontourist, cho biết: "Trong phỏng vấn tuyển dụng nhân sự, điều các doanh nghiệp quan tâm chính là thái độ của ứng viên để bước đầu đánh giá họ có phù hợp với văn hóa tổ chức hay đảm bảo được vị trí được tuyển dụng. Nên dù không có nhiều kinh nghiệm nhưng phải thể hiện được tinh thần và sự tôn trọng nhà tuyển dụng".

Sinh viên ra trường với CV không nổi trội, có xin việc làm được không? - Ảnh 3.

THƯỢNG HẢI

Bà Hoàng Anh cho biết ứng viên cứ tự tin trao đổi minh bạch các vấn đề như: thực tập, lương, đãi ngộ... để xác định doanh nghiệp đó có phù hợp với sự cống hiến và nhu cầu của bản thân để không làm mất thời gian, công sức của hai bên. Trước khi đi phỏng vấn, cần tìm hiểu thật kỹ thông tin của doanh nghiệp cần ứng tuyển để có sự trao đổi chuyên nghiệp, chỉn chu và tránh  việc khi được hỏi lại không biết sẽ rất khó xử. 

Sinh viên ra trường với CV không nổi trội, có xin việc làm được không? - Ảnh 4.

Chịu khó dấn thân, tự tin học hỏi sẽ giúp sinh viên dễ dàng tìm kiếm được việc làm

ANH HÙNG

"Ngoài ra, sinh viên phải nắm thật kỹ Bộ luật Lao động trước khi xin việc để đảm bảo quyền lợi của bản thân. Và tránh chuyện "nhảy việc" liên tục trong thời gian ngắn, vì nếu xem CV, người tuyển dụng sẽ đánh giá các bạn không đủ sự nhẫn nại, ngại đương đầu khó khăn và chỉ xem doanh nghiệp là "bến đỗ" tạm thời", bà Anh nhấn mạnh.

Để vượt qua rào cản tâm lý khi xin việc, thạc sĩ Minh Long khuyên sinh viên nên đầu tư "6T-3S", trong đó "6T" là tố chất, thái độ, tác phong, trình bày, trải nghiệm, trưởng thành và "3S" là sức khỏe, sự sẵn sàng, sáng suốt.

"Trước khi xin việc làm phải xác định bản thân có tố chất phù hợp với công việc đó thì mới có nỗ lực. Phải biết trình bày cho nhà tuyển dụng hiểu mình nói cái gì vì thời đại ngày nay việc hiểu nhau rất quan trọng, họ không có nhiều thời gian để nghe điều quá dài dòng và hãy tìm kiếm nhiều trải nghiệm để tránh bị lúng túng khi được hỏi. Khi kỹ năng và thái độ được tích lũy dần trong quá trình học, làm thêm, trải nghiệm, sinh hoạt… chắc chắn sinh viên sẽ tự tin tìm việc", thạc sĩ Long nói. 


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.