Sinh viên rảnh từ 2 đến 4 giờ mỗi ngày: Do chưa biết quản lý thời gian?

21/10/2024 12:51 GMT+7

Kết quả khảo sát cho thấy phần lớn sinh viên có từ 2 - 4 giờ đồng hồ rảnh mỗi ngày, nhưng lại không sử dụng thời gian này hiệu quả. Thay vì dành thời gian cho phát triển bản thân, nhiều bạn trẻ vẫn bị cuốn vào những hoạt động giải trí hay lối sống thiếu khoa học.

Cách sắp xếp chưa khoa học

Mới đây, kết quả khảo sát từ Đề án nghiên cứu mối quan hệ giữa việc sử dụng thời gian rảnh rỗi với hiệu quả học tập và sự hài lòng về cuộc sống đại học của sinh viên tại ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, thu được hơn 21.655 câu trả lời.

Khảo sát cho thấy đa số sinh viên (66,7%) có từ 2 đến 4 giờ rảnh mỗi ngày, 22,9% rảnh 1, 2 giờ và 10% có dưới 1 giờ rảnh. Họ thường dành phần lớn thời gian này cho giải trí thay vì phát triển bản thân.

Sinh viên rảnh từ 2 đến 4 giờ mỗi ngày: Do chưa biết quản lý thời gian?- Ảnh 1.

Bạn trẻ học bài tại quán cà phê vào lúc... 23 giờ tối

ẢNH: PHƯƠNG VY

Dù đang trong giai đoạn nước rút để hoàn thành đồ án tốt nghiệp, Lê Trọng Tâm, sinh viên năm cuối Khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM vẫn phải dành 2 giờ đồng hồ mỗi ngày để chơi game.

Tâm cho rằng áp lực deadline khiến nhiều sinh viên như Tâm rơi vào guồng quay "ngủ ngày cày đêm". Thay vì lập kế hoạch khoa học, Tâm thường chọn cách thức khuya để hoàn thành bài tập, sau đó ngủ bù vào ban ngày. Quỹ thời gian của nam sinh viên càng ngày càng trở nên khan hiếm. “Mặc dù mình có thể sắp xếp công việc hợp lý hơn, nhưng chơi game vẫn là cách dễ nhất để thư giãn trong thời gian ngắn”, Tâm nói.

Tương tự, Hà Tố Phương, sinh viên Khoa Quan hệ quốc tế, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết thời gian gần như không bao giờ đủ cho những công việc mà cô nàng phải làm.

"Mình không có kế hoạch cụ thể và thường làm việc theo cảm hứng. Có lúc, nhiều công việc đến cùng một lúc khiến mình không còn chút thời gian rảnh nào", Phương bộc bạch.

Việc không có kế hoạch cụ thể khiến Phương nhiều khi rơi vào tình trạng "nước đến chân mới nhảy", gây khó khăn cho việc cân bằng giữa học tập, các hoạt động ngoại khóa, làm thêm, học nhóm... Đôi khi, cô gái phải thức trắng đêm ôn bài vì ban ngày quá bận và sáng hôm sau lại phải ngủ bù.

z5950619120809_edb3f2c4748c2f93cc7d457def69cbff.jpg

Nhiều sinh viên học tập, làm việc rất khuya tại các quán cà phê

ẢNH: PHƯƠNG VY

Tình trạng của Trọng Tâm và Tố Phương rất phổ biến ở nhiều sinh viên. Họ không có thời gian rảnh không chỉ vì bận rộn, mà do cách sắp xếp chưa khoa học.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy mặc dù sinh viên nhận thức được tầm quan trọng của việc quản lý thời gian, nhưng vẫn chưa chú trọng vào các hoạt động như lập kế hoạch hoặc phát triển bản thân.

Thay vào đó, thời gian rảnh hiếm hoi của các bạn trẻ thường bị lãng phí vào việc giải trí như xem phim, nghe nhạc hay lướt mạng xã hội, dẫn đến cảm giác không đủ thời gian để hoàn thành mọi việc.

Giải pháp nào giúp cho sinh viên quản lý thời gian hiệu quả?

Lê Nguyễn Hoàng, sinh viên Khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết: "Với mình, việc di chuyển rất tốn thời gian. Vì thế, mình thường xếp việc học và di chuyển một cách hợp lý, tránh đi lại quá nhiều. Khoảng thời gian còn lại, mình sẽ tham gia các hoạt động xã hội, câu lạc bộ, tìm thêm sở thích. Mình luôn tâm niệm không nên quá tập trung vào một việc mà bỏ quên những thứ xung quanh", Hoàng nói.

Sinh viên rảnh từ 2 đến 4 giờ mỗi ngày: Do chưa biết quản lý thời gian?- Ảnh 3.

Lê Nguyễn Hoàng thường xếp việc học và di chuyển một cách khoa học, tránh việc đi lại quá nhiều để tiết kiệm thời gian

ẢNH: NVCC

Hoàng cho rằng nhiều sinh viên có cách sống độc hại ngủ ngày, cày đêm. Ngủ thiếu giấc dẫn đến ngày hôm sau các bạn trẻ đến trường trong tình trạng vật vờ, lâu dần dẫn đến những vấn đề sức khỏe. "Mình đã thay đổi đồng hồ sinh học ngủ lúc 22 giờ và dậy lúc 4 giờ 30 thay vì ngủ sau 0 giờ đêm như ngày xưa. Thời điểm sáng sớm khiến mình thấy minh mẫn, học tập tốt hơn", Hoàng chia sẻ.

Phạm Kim Ngân, sinh viên Khoa Đông phương học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho biết mọi người nên tìm thêm cách sắp xếp thời gian hợp lý.

"Thay vì viết ra giấy, mình thường linh động lập kế hoạch trong đầu rồi thực hiện. Mình sẽ đưa ra thời gian cụ thể, công việc ấy sẽ kéo dài trong bao lâu... Bên cạnh đó, mình không trì hoãn dù là trong bất cứ việc gì. Nhờ vậy, mình tiết kiệm được một khoảng thời gian kha khá để đọc sách và học tiếng Anh", Ngân nói.

Sau những hôm thức khuya và dậy muộn, Hà Tố Phương đã thay đổi cách quản lý thời gian. Thay vì làm việc theo cảm hứng, cô gái chuyển sang sử dụng ứng dụng để theo dõi công việc theo giờ và ghi chép tiến độ học tập.

Sinh viên rảnh từ 2 đến 4 giờ mỗi ngày: Do chưa biết quản lý thời gian?- Ảnh 4.

Nhờ sắp xếp thời gian hợp lý, Hà Tố Phương cảm thấy nhẹ nhàng hơn và có thêm thời gian rảnh để chăm sóc bản thân

ẢNH: NVCC

"Nếu trường không sắp xếp lịch học dày đặc, sinh viên có thể có từ 6-7 giờ đồng hồ rảnh mỗi ngày để tham gia các hoạt động ngoại khóa, giao lưu và nghiên cứu. Mỗi người có khung giờ sinh hoạt khác nhau, nên việc hiểu rõ đặc điểm cá nhân sẽ giúp sắp xếp lịch học và công việc một cách hiệu quả, đồng thời duy trì sức khỏe tinh thần", Phương chia sẻ.

Quản lý thời gian chưa hiệu quả gây ảnh hưởng gì đến sinh viên?

Thạc sĩ Võ Minh Thành, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng sinh viên chưa có thói quen lập kế hoạch và đặt mục tiêu cũng như quản lý thời gian là do các bạn chưa ý thức được vai trò và tầm quan trọng của việc này.

Sinh viên thường nghĩ rằng họ có thể kiểm soát và ghi nhớ toàn bộ công việc. Nhưng trên thực tế, nhiều việc phát sinh đột ngột mà không phải ai cũng có thể quản lý tốt. Ngoài ra, do các bạn chưa xác định được mục đích quan trọng là học xong làm gì, chưa biết rõ nghề nghiệp cụ thể nên chưa có động lực để chuẩn bị nghề.

Kỹ năng quản lý thời gian là một trong những kỹ năng quan trọng cần có ở tất cả chúng ta, đặc biệt là sinh viên. Nếu thiếu kỹ năng này thì sẽ dẫn tới nhiều hậu quả.

Không quản lý được thời gian, lúc nào các bạn cũng cảm thấy bận rộn, nhiều việc phải làm dẫn tới căng thẳng, mệt mỏi và học tập không có hiệu quả.

"Căng thẳng kéo dài có thể dẫn tới trầm cảm do các bạn không theo kịp việc học. Không biết cách cân bằng các công việc, rồi cảm thấy mình không làm được gì, hết tự tin về bản thân... Không biết quản lý thời gian, sẽ không rèn được tính kỷ luật, phẩm chất quan trọng nhất để thành công", thạc sĩ Võ Minh Thành chia sẻ.

Theo thạc sĩ Võ Minh Thành, để vượt qua được sự trì hoãn mà nhiều sinh viên đang gặp phải, bạn phải xác định được mục tiêu cụ thể mình theo đuổi là gì, sau đó lập kế hoạch chi tiết để đáp ứng mục tiêu, những việc cần phải làm.

Bạn cần chuẩn bị cả về chuyên môn, kỹ năng cần thiết... Đặc biệt là rèn tính kỷ luật thông qua những thói quen, hành vi mỗi ngày. Bạn cần làm việc theo kế hoạch, thời gian biểu, giờ nào việc đó, luôn gò bản thân vào những việc cần làm trong ngày. Làm xong việc nhỏ sẽ có động lực để hoàn thành các mục tiêu lớn hơn. Khi lặp đi lặp lại nhiều lần các thói quen đúng giờ, bạn sẽ có được kỹ năng quản lý thời gian.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.