Sinh viên sáng chế thiết bị thay nước nuôi lươn tự động

06/12/2024 07:00 GMT+7

Nhằm giảm thời gian thay nước nuôi lươn, một nhóm sinh viên Trường ĐH Cần Thơ đã sáng chế thiết bị quản lý cấp nước - xả nước tự động, điều khiển bằng điện thoại.

Nhóm sinh viên gồm: Nguyễn Lục Vy, Đặng Thị Thúy Vy, Nguyễn Đoàn Gia Nghi, Đặng Lê Hoài Nam, Lâm Kim Phát, Võ Trọng Nghĩa. Mỗi người học một ngành khác nhau nhưng có chung đam mê nghiên cứu, sáng tạo.

Sinh viên sáng chế thiết bị thay nước nuôi lươn tự động- Ảnh 1.

Mỗi sinh viên học ngành khác nhau nhưng đã cùng làm ra thiết bị thay nước nuôi lươn tự động

ẢNH: THANH DUY

Lục Vy cho biết nghề nuôi lươn không bùn ngày càng phổ biến ở ĐBSCL. Loài thủy sản này có tiềm năng kinh tế cao nhưng không phải dễ nuôi, nhất là khâu xử lý nguồn nước. Bởi lươn được nuôi mật độ dày, thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao, nguồn nước không chuẩn rất dễ bị hao hụt.

Thị trường hiện có nhiều thiết bị hỗ trợ quy trình nuôi lươn, nhưng phần lớn là sản phẩm áp dụng cho trang trại quy mô lớn. Trong khi đó, những hộ nuôi nhỏ lẻ thường thay nước thủ công lần lượt từng bể. "Lươn được ví là loài ăn tạp, ở sạch nên mỗi ngày phải thay nước 2 - 3 lần. Nếu có công nghệ hỗ trợ thì nông dân đỡ vất vả hơn nhiều", Lục Vy nói về lý do sáng chế thiết bị.

Ý tưởng có từ tháng 5, nhưng đến tháng 10 nhóm sinh viên mới có sản phẩm hoàn chỉnh. Cấu tạo của thiết bị gồm bộ điều khiển, van cấp nước - xả nước, cảm biến mực nước, cảm biến kiểm soát chất lượng nước. Thiết bị kết nối trực tiếp với nguồn điện để hoạt động, nhưng khi mất điện thì có phương án dự phòng bằng pin. Với mục tiêu cho nông dân dễ tiếp cận, nhóm hạn chế chi phí sản xuất bằng cách mua từng linh kiện nhỏ về tự lắp ráp mạch điện, tự viết app trên điện thoại.

Ưu điểm của thiết bị là nông dân có thể theo dõi qua điện thoại các chỉ số nguồn nước trong bể nuôi lươn (ô xy hòa tan, pH, nồng độ các chất rắn và kim loại nặng trong nước). Nếu chất lượng nước nằm ngoài vùng an toàn, giao diện app sẽ chuyển màu đỏ, nghĩa là cảnh báo cần thay nước. Người sử dụng có thể hẹn giờ để mở các van thay nước tự động, hoặc cấp bách có thể điều chỉnh thay nước ngay.

Mẫu mã thiết bị được thiết kế dạng hộp, hướng đến tính an toàn và hạn chế tác động môi trường để kéo dài thời gian sử dụng. Qua lập trình, một bộ thiết bị có thể liên kết cấp nước - xả nước cho 12 bể nuôi lươn, công suất hiệu quả nhất đối với bể khoảng 4 m2. Nông dân có thể chọn thay nước đồng loạt hoặc từng bể, từng khung giờ khác nhau (tùy ý) để phù hợp với các mức độ sinh trưởng của lươn.

Thiết bị có giá 12 triệu đồng, đã được nông dân sử dụng tại Sóc Trăng và Hậu Giang. Ông Nguyễn Văn Huấn (41 tuổi, ngụ xã Thạnh Tân, H.Thạnh Trị, Sóc Trăng) đang dùng thiết bị này trong hồ nuôi 5.500 con lươn, nhận xét: "Nuôi lươn nhiều, thay nước chậm rất nguy hiểm. Có thiết bị này thì tiện lợi hơn, chỉ cần bấm điện thoại là tự động cấp nước - xả nước nhanh chóng. Thấy hiệu quả nên đến tháng 2.2025, tôi sẽ lắp nhiều thiết bị hơn vì tôi nuôi tới 60.000 con lươn".

Vừa qua, thiết bị thay nước nuôi lươn tự động đoạt giải 3 cuộc thi "Tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp thanh niên Cần Thơ năm 2024", do Thành đoàn Cần Thơ tổ chức.

Anh Trần Việt Tuấn, Phó bí thư Thành đoàn Cần Thơ, cho biết thiết bị này mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân. Thành đoàn sẽ kết nối với doanh nghiệp, nhà cung cấp để hỗ trợ các bạn hướng đi cho ý tưởng, đầu ra. Nếu cần, nhóm sẽ được một số đơn vị, chuyên gia tư vấn cải tiến về mặt kỹ thuật, công nghệ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.