Sinh viên sáng tạo hệ thống xử lý nước mặn

23/11/2023 09:00 GMT+7

Mong muốn góp phần giải quyết thực trạng xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL, 3 sinh viên Trường ĐH Cần Thơ đã nghiên cứu sáng tạo hệ thống xử lý nước mặn sử dụng pin sinh học.

Ba sinh viên đó là Nguyễn Trần Thái Dương (ngành tài chính ngân hàng), Lê Lư Huyền Trân (ngành kỹ thuật phần mềm) và Nguyễn Quang Minh (ngành công nghệ sinh học).

Minh chia sẻ những năm gần đây hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL diễn biến phức tạp, tác động lớn đến sản xuất và đời sống người dân. Là những người con sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, cả ba mong muốn tìm ra giải pháp góp phần giải quyết thực trạng xâm nhập mặn.

Sinh viên sáng tạo hệ thống xử lý nước mặn - Ảnh 1.

Hệ thống xử lý nước mặn sử dụng pin sinh học được 3 sinh viên giới thiệu trong cuộc thi Vietnam AquaVenture 2023

Duy Tân

Sau một thời gian tìm hiểu, đi thực tế và nghiên cứu, nhóm tìm ra giải pháp sử dụng vi sinh vật, cụ thể là pin sinh học, để tạo ra nguồn điện. Tư liệu được tìm hiểu từ những trang mạng uy tín và tham khảo tại Trung tâm học liệu của Trường ĐH Cần Thơ rồi chọn lọc để ứng dụng vào mô hình nghiên cứu.

Theo Minh, cấu tạo và cách vận hành hệ thống khá đơn giản, gồm: hệ thống lọc thô đảm bảo nguồn nước đầu vào không lẫn tạp chất gây tắc nghẽn màng lọc; sử dụng điện phân, nguồn điện từ vi sinh vật để tạo ra dòng điện; hệ thống lọc nano để đảm bảo nước thành phẩm hoàn toàn sạch, có thể sử dụng ngay. Ưu điểm của hệ thống này là sử dụng vi sinh vật tạo ra nguồn điện để khử muối nên vừa giữ được vi chất, vừa tiết kiệm được nguồn điện và hạn chế lượng chất thải.

Hiện dự án chỉ mới triển khai mô hình minh họa, được làm bằng các chất liệu như mica, gỗ, ván ép… Nhóm sử dụng bùn trong chế phẩm nông nghiệp, ruộng đất, bùn đáy ao để nuôi dưỡng vi sinh vật tạo ra điện.

Huyền Trân cho biết do không phải dân chuyên ngành kỹ thuật nên nhóm đã khá khó khăn để tìm số liệu, kỹ thuật đưa máy áp dụng vào thực tế. Dự kiến mức giá sản phẩm khi đưa ra thị trường sẽ dao động từ 16 - 17 triệu đồng. Nhóm muốn hướng đến đối tượng tiềm năng là nông dân đang canh tác ở những vùng bị nhiễm mặn. Sắp tới, nhóm dự định nâng cấp thiết bị và dùng chất liệu bằng thép, cũng như thay đổi kích thước, tăng hiệu suất lọc nước để khi ứng dụng vào thực tế đạt hiệu quả cao.

Vừa qua, dự án "Hệ thống xử lý nước mặn sử dụng pin sinh học" đã xuất sắc đạt giải nhất tại cuộc thi Vietnam AquaVenture 2023. Chị Võ Nguyễn Minh Thùy (Ban tổ chức cuộc thi Vietnam AquaVenture 2023) cho biết dự án của nhóm góp phần giải quyết vấn đề xâm nhập mặn đang rất nóng hiện nay ở vùng ĐBSCL. Đây là dự án tiềm năng, có thể phát triển và ứng dụng vào thực tế, đem lại lợi ích cho xã hội, tạo sinh kế cho người dân ở vùng xâm nhập mặn và có thể trụ vững được với mô hình nông nghiệp đang làm.

Vietnam AquaVenture là cuộc thi nhằm phát triển và hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp về các giải pháp công nghệ sáng tạo cho vấn đề nước trong hai lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp. Năm 2023, cuộc thi có 450 doanh nghiệp đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, như: Anh, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Israel…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.