Sinh viên sư phạm trăn trở

Thúy Hằng
Thúy Hằng
24/11/2018 09:01 GMT+7

Được chuẩn bị kỹ kiến thức và kỹ năng để khi ra trường tìm được việc làm, nhưng sinh viên ngành sư phạm vẫn còn những trăn trở về lương, về những cái nhìn tiêu cực của xã hội với giáo dục.

Muốn áp dụng được những điều đã học
Lê Thị Huyền Nhung, sinh viên ngành sư phạm ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết lý do cô quyết định chọn sư phạm giữa nhiều cơ hội khác là muốn truyền cảm hứng cho học sinh (HS) thông qua những tiết dạy văn, giống như cô giáo của mình tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP.Vũng Tàu, Bà Rịa-Vũng Tàu).

“Mỗi giờ học, cô mang tới một bầu không khí đầy sức sống mới. Cô cho cả lớp thảo luận, phản biện hay tổ chức các chuyên đề khác nhau, mời cả những nhân vật đời thường tới lớp cùng chúng tôi nói chuyện… Tôi học sư phạm và tiếp thu nhiều phương thức giảng dạy mới, ở đó cho HS làm chủ, mình chỉ là người gợi mở, hướng dẫn. Tôi luôn mong muốn khi ra trường mình sẽ được áp dụng những gì đã học”, Huyền Nhung chia sẻ.
Nguyễn An Khang, 21 tuổi, ngành sư phạm hóa học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết anh đến với ngành sư phạm từ sự ngưỡng mộ giáo viên dạy hóa thời THPT. 4 năm ĐH, Khang cũng học được những cách giảng dạy mới mẻ, sáng tạo, khơi gợi niềm đam mê môn học cho HS, như chú trọng vào ứng dụng.
Bớt cách nhìn tiêu cực với giáo dục
Vũ Ngọc Mai, 20 tuổi, sinh viên ngành sư phạm ngữ văn, Phó chủ tịch Hội SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, dẫn một số ví dụ buồn của giáo dục nước nhà thời gian qua như cô đánh trò, cô bắt trò uống nước giẻ lau bảng… và cho hay cô cảm thấy rất buồn khi mọi người thường chú ý vào những điểm xấu này và đánh đồng những người đang làm sư phạm.
“Tôi mong mọi người có niềm tin nhất định cho giáo dục. Giáo dục sẽ thay đổi, sẽ làm cho mọi thứ tốt đẹp hơn. Đừng chỉ nhìn vào một vài trường hợp tiêu cực rồi kết luận tất cả đều xấu. Tôi có niềm tin vào thế hệ những nhà giáo trẻ trong tương lai”, Mai nhìn nhận.
Theo Mai, còn một tồn tại hiện nay là đào tạo sư phạm quá đại trà, chất lượng đầu vào nhiều trường thấp, ảnh hưởng tới việc tiếp thu kiến thức, dung nạp phương thức giảng dạy mới để sau này áp dụng cho HS. “Sinh viên nói chung, sinh viên sư phạm nói riêng cần chủ động hơn trong học ngoại ngữ, tham gia hoạt động ngoại khóa để phát triển kỹ năng xã hội, làm thêm những công việc có đầu tư chất xám, phục vụ công việc sau này của mình”, Mai cho hay.
Lương và việc làm sau khi ra trường
Trong khi đó Nguyễn Minh Hạnh, 22 tuổi, sinh viên Khoa Sư phạm, Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng vấn đề đang được sinh viên sư phạm quan tâm là tiền lương giáo viên. “Cần tăng chế độ, tiền lương cho giáo viên, đảm bảo giáo viên dạy trường công hay tư đều lo được cho cuộc sống của họ để có thể tâm huyết gắn bó hơn với nghề”, Hạnh nói.
Theo chị Nguyễn Thị Thu Hà, 27 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đang là giáo viên dạy kỹ năng sống một trường quốc tế tại TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương, cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm hiện nay rất lớn khi ngày càng nhiều trường tư thục, quốc tế, tổ chức giáo dục được thành lập, với điều kiện sinh viên nắm vững kiến thức chuyên môn, tiếp cận phương pháp giảng dạy mới, giỏi tiếng Anh, tham gia nhiều hoạt động Đoàn, Hội, có kinh nghiệm đi dạy từ khi chưa tốt nghiệp…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.