Tiết kiệm nhưng sai cách
Mỗi tuần được gia đình chu cấp 500.000 đồng, vậy mỗi tháng có khoảng 2 triệu đồng để chi tiêu. Mặc dù ở ký túc xá, chi phí cho chỗ ở không quá cao so với thuê phòng trọ bên ngoài nhưng với chi phí đắt đỏ, cái gì cũng tăng giá khiến nữ sinh viên này phải vắt óc suy nghĩ để tính toán chi ly từng chút một để tiết kiệm.
"Với số tiền 2 triệu đồng nếu không tiết kiệm sẽ chẳng đủ xoay xở trong vòng một tháng. Một hộp cơm rẻ nhất cũng từ 22.000 đồng đến 25.000 đồng. Nếu một ngày ăn đủ 3 bữa thì ít nhất cũng hết 70.000 đồng. Vậy mỗi tháng đã hơn 2 triệu đồng tiền ăn, chưa kể tiền điện nước, tiền wifi, tiền đi xe buýt, mua giáo trình và các khoản phát sinh khác nữa. Do vậy mình tiết kiệm bằng cách thường xuyên ăn mì gói, sáng nào đi học thì ăn bánh mì còn không thì nhịn luôn tới trưa", Nguyễn Thị Diễm Quỳnh, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM kể lại.
Điều đáng nói là nữ sinh viên này cắt bớt tiền ăn, hạn chế chi phí cho những bữa ăn hết mức có thể và chấp nhận ăn mì gói thường xuyên vì muốn để dành tiền mua hàng trên mạng. "Những khoản chi phí kia là cố định rồi không thể cắt giảm được nên chỉ còn cách là cắt giảm chi phí ăn uống", Quỳnh nói.
Không chỉ Quỳnh mà nhiều sinh viên khác cũng chọn cách ăn uống tạm bợ vì muốn để dành tiền chi tiêu cho những khoản khác. "Trước kia mình chỉ toàn ăn cơm chay 15.000 đồng vì cơm mặn đến 25.000 đồng/phần nên thỉnh thoảng mới ăn. Đợt này mẹ gửi cá khô ở quê vào nên mình chỉ cần mua thêm 5.000 đồng cơm trắng và trứng luộc ăn cùng cho đỡ tốn tiền. Thật ra tiền đi làm thêm cũng đủ để mình ăn uống đầy đủ nhưng vẫn ăn uống tiết kiệm vì để dành tiền cho những lúc bạn bè rủ đi chơi. Mỗi lần như vậy tốn khoảng 200.000 đến 300.000 đồng nên bình thường mình ăn uống khá sơ sài để tiết kiệm tiền", Hoàng Thị Thu Hà, một sinh viên đang ở tại ký túc xá khu B, ĐH Quốc gia TP.HCM cho hay.
Không chỉ thường xuyên ăn mì gói mà nhiều sinh viên còn bỏ bữa, ngủ đến chiều để chỉ tốn tiền ăn một bữa trong ngày. "Ngày nào không đi học mình sẽ ngủ tới chiều và ăn một bữa tối. Sở dĩ mình không đi ăn vì buổi trưa trời nắng lười ra ngoài mua đồ ăn và cũng là cách để tiết kiệm thêm tiền", Đặng Đức Bá, sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM kể.
Tiết kiệm một cách khoa học và đừng coi nhẹ sức khỏe
Rất nhiều sinh viên chọn cách cắt xén chi phí ăn uống để dành tiền chi tiêu cho những khoản khác. Những bạn trẻ này đang xem thường sức khỏe của bản thân vì nếu tình trạng ăn uống không điều độ kéo dài sẽ gây ra nhiều hậu quả về sức khỏe.
Nói về những tác hại nếu ăn uống không khoa học, bác sĩ Trần Duy Quang, Khoa khám bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) chia sẻ: "Người trẻ nói chung và sinh viên nói riêng cần có chế độ ăn uống lành mạnh, hợp lý và khoa học. Không nên nhịn sáng, nhịn trưa, chỉ ăn tối hoặc chỉ ăn một bữa trong ngày. Thay vào đó cần có chế độ ăn uống cân bằng, ít nhất là phải 2 bữa mỗi ngày. Có như vậy mới đủ dưỡng chất cung cấp năng lượng cho cơ thể học tập, làm việc hiệu quả suốt cả ngày. Việc ăn uống đầy đủ bữa cũng sẽ giúp hạn chế mắc phải các vấn đề về sức khỏe".
Bác sĩ Quang cũng chỉ ra những hệ lụy cho những bạn trẻ lạm dụng mì gói trong các bữa ăn. "Việc không chú trọng các bữa ăn đầy đủ chất mà lại lạm dụng mì gói quá nhiều sẽ dẫn đến việc thiếu hụt dưỡng chất cho cơ thể. Khi mì gói trở thành bữa ăn chính một cách thường xuyên có thể dẫn đến những hệ lụy về sức khỏe. Dễ thấy nhất là dẫn đến tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng, suy giảm hệ miễn dịch. Ngoài ra có thể gây nên triệu chứng như đầy hơi, rối loạn chức năng dạ dày, có khả năng gây béo phì, một số bệnh về tiểu đường, tim mạch và đẩy nhanh quá trình lão hóa", bác sĩ Quang cho biết.
Theo bác sĩ Quang, mọi người có thể ăn tối đa từ 2 đến 3 gói mì/tuần và nên ăn mì gói kèm với những loại rau xanh, trứng, thịt... để bổ sung thêm dinh dưỡng. "Sinh viên có thể sống tiết kiệm, nhưng đừng chọn cách dè sẻn tiết kiệm bằng cách ăn mì từ tháng này sang tháng nọ. Việc chỉ ăn mì gói sẽ dẫn đến tình trạng hay thất thần, dễ chóng mặt, mệt mỏi, không có sức sống. Từ đó dẫn đến việc tiếp thu kiến thức không tốt, ảnh hưởng đến việc học", bác sĩ Quang đưa ra lời khuyên.
Tiết kiệm nhưng chỉ nên tiết kiệm một cách khoa học và đừng coi nhẹ sức khỏe của bản thân. Suốt 4 năm đại học, mặc dù mỗi tháng ba mẹ chỉ chu cấp 2,5 triệu đồng nhưng Trần Ngọc Ánh (23 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM vẫn duy trì những bữa ăn đầy đủ chất nhờ những bí kíp tiết kiệm khoa học.
"Vì ở ký túc xá nên mình không lo tiền phòng hàng tháng tuy nhiên bù lại phải ăn ngoài nên chi phí ăn uống khá nhiều. Mình ý thức được tầm quan trọng của những bữa ăn đủ chất nên không dám nhịn ăn hay ăn mì gói mà tiết kiệm bằng cách mua lại giáo trình cũ của các anh chị để dùng; đi xe buýt đi học; chỉ mua những món đồ thật sự cần thiết, không bạ đâu mua đó; sinh viên có thể mua đồ ở chợ đêm vì giá cả rất hợp lý; hạn chế các buổi cà phê tụ tập bạn bè để không bị "cháy túi" rồi những ngày sau đó phải ăn mì gói triền miên", Ngọc Ánh chia sẻ.
Bên cạnh đó, Ánh cũng lập kế hoạch chi tiêu cho một tháng, kiểm soát những khoản tiền bằng cách ghi chú lại hàng ngày. Một tháng chỉ tiêu tiền mà ba mẹ chu cấp còn tiền đi làm thêm mỗi tháng cô nàng gen Z này sẽ để dành cho những tình huống phát sinh khác.
Bình luận (0)