Sinh viên trong vòng xoáy đa cấp

01/01/2008 22:09 GMT+7

Sau vụ "tập đoàn Colony", chúng tôi đã thâm nhập vào các công ty kinh doanh đa cấp, để chứng kiến hàng ngàn sinh viên (SV) đã bị cuốn vào "vòng xoáy ma thuật" như thế nào...

Đi học 

Nhờ một anh bạn SV, tôi đã tiếp cận với Công ty Lô Hội trên đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình, TP.HCM). 

Một người tên T. đeo "lon" giám sát đưa tôi đến ngồi chung bàn với một nhóm, bắt đầu bài học vỡ lòng về mô hình kinh doanh đa cấp. Quanh chiếc bàn tròn có 7 người, đa số là SV còn lại là giới lao động phổ thông. Tuy gật đầu liên tục nhưng có lẽ không ai trong số họ hiểu tường tận công việc, mà chỉ bị hút theo các con số phần trăm hoa hồng hấp dẫn. Phía sau 2 SV ngồi cạnh tôi là một cô gái trẻ đang mở nút chai nước khoáng mời giám sát T. Đó là người đã giới thiệu 2 SV vào công ty. Nếu 2 SV này trở thành nhà phân phối của công ty thì cô gái ấy sẽ được hưởng một khoản hoa hồng kha khá. 


... Đến "giảng đường" trên nắp cống - ảnh: Trí Quang

Theo T., muốn trở thành nhà phân phối chính thức, mỗi người phải hoàn thành chỉ tiêu phân phối 2 cc sản phẩm của công ty (2 cc sản phẩm = 6,3 triệu đồng). Sau đó, nếu giới thiệu thêm người khác trở thành nhà phân phối (tức tiêu thụ 2 cc hàng) sẽ được hưởng hoa hồng 400.000 đồng/người. Cho đến khi hoàn thành 25 cc trong 2 tháng liền thì nhà phân phối sẽ được thăng cấp lên "giám sát" với thu nhập từ 3 - 9 triệu đồng/tháng.  "Nếu hoàn thành chỉ tiêu 75 cc sẽ trở thành trợ lý quản lý với thu nhập trên 1.000 USD, còn nếu lên chức quản lý thì khoảng 24 triệu đồng/tháng. Bạn hoàn toàn có thể đạt được mức thu nhập này trong 1 năm" - T. tuyên bố chắc nịch. Sau bài giảng, anh này đưa ra những tờ kê khai thu nhập và không quên tự quảng cáo về mình: "Lúc trước tôi học hai, ba trường ĐH, từng làm công ty nhà nước nhưng lương làm gì được như bây giờ. Nhà tôi còn có mấy xưởng sản xuất ở Mỹ, Séc, có dịp mời mọi người ghé thăm". "Anh tốt nghiệp trường nào thế?", tôi hỏi. T. hơi ngập ngừng: "À, ừ... học thì có học nhưng không có nhu cầu tốt nghiệp" (?).

Mấy ngày sau, theo thông báo của T., tôi đến một lớp học tổ chức vào thứ sáu hằng tuần để các bậc "đàn anh" chia sẻ kinh nghiệm làm giàu. Buổi học diễn ra tại một trường học trên đường Trần Quốc Toản (Q.3). Để được vào trong hội trường chật hẹp, hàng trăm người (trong đó đông nhất là SV) phải rồng rắn xếp hàng hơn 1 tiếng đồng hồ. Không khí căng thẳng, ngột ngạt chẳng khác gì cảnh mua vé tàu Tết. Bên ngoài lớp học, gần 200 người do đến trễ phải ngồi ghế "xúp" ngay trên hệ thống cống thoát nước của trường. "Xin giới thiệu một gương mặt thành công tiếp theo: Tân giám sát L.H.N!". Sau giới thiệu của MC, một cô nàng khá xinh xắn xuất hiện, sải bước tự tin và nở nụ cười thật tươi. Một nhóm nam nữ ăn mặc lịch sự đứng phắt dậy vỗ tay đồng loạt như cách CLB người hâm mộ chào đón thần tượng của mình. Không chút giữ kẽ, một người trong nhóm nói to: "Mỗi đêm mà có chừng 4 người bước ra là tụi mình ngon lành rồi!". Hỏi ra mới biết, cứ mỗi lần đứng lên tung hô và vỗ tay cổ vũ cho các "ngôi sao", mỗi người sẽ được nhận 50.000 đồng. Sau đó, lớp học lại rôm rả với những lời rót mật vào tai người nghe... 

"HTTT" là đại học gì ?


Chiếc thẻ có ghi "ĐH HTTT" - ảnh: Trí Quang

Nghe quảng cáo rằng, ai đến làm việc tại công ty đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy (Q.4, TP.HCM) cũng có thể trở thành SV của trường ĐH "HTTT", tôi liền tìm đến...

Một cô gái tên N. khá dễ nhìn cài chiếc thẻ khách mời rồi khoác tay tôi cùng bước lên tầng trên. Theo lời N. thì Thiên Ngọc Minh Uy chính là Công ty Sinh Lợi trước đây. Trong hội trường, hơn 500 người đang xem những đoạn video clip về các kỳ đại hội phân phát thù lao. Những đoạn phim này cứ chiếu đi chiếu lại mãi hình ảnh các gương mặt "cộm cán" nhận từng cọc tiền lớn từ công ty. "Làm việc cho công ty, trong một tháng bạn có thể kiếm 10 đến 60 triệu đồng. Nhưng đó là xưa rồi, mới đây có người kiếm được trên cả trăm triệu đồng cơ đấy!", một thuyết trình viên lại bắt đầu thao thao bất tuyệt...

Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về sự tồn tại của "ĐH Hợp tác tiêu thụ", ông Đỗ Quốc Anh - Giám đốc Văn phòng phía Nam, Bộ Giáo dục-Đào tạo, khẳng định: "Ở Việt Nam chỉ có một ĐH quốc tế duy nhất là ĐH RMIT, còn lại là hình thức các trường ĐH trong nước liên kết với trường nước ngoài. Trong đó không có trường ĐH nào tên là ĐH Hợp tác tiêu thụ cả!".

M.L, một cô gái chừng 24 tuổi, đeo "lon" chủ nhiệm nhanh nhảu nói với hàng chục SV đang ngồi xung quanh: "Muốn trở thành người của công ty, các bạn phải hoàn thành 3 điều kiện: Một là trên 18 tuổi, hai là phải có người bảo trợ (giới thiệu vào công ty) và ba là phải trở thành người tiêu dùng". "Trở thành người tiêu dùng là sao vậy chị?" - một SV tên P. hỏi. Chủ nhiệm M.L đáp: "Tức là em phải mua hàng của công ty. Vì khi xài hàng em mới có thể biết chất lượng thế nào để còn mời bạn bè, người thân mua hàng chứ. Mỗi người phải mua 2 triệu pv sản phẩm, tương đương 3 triệu đồng thì mới có thể trở thành người của công ty và hưởng các quyền lợi chính thức của công ty". Một SV khác: "Nhưng nếu không có tiền thì làm sao chị?". M.L: "Chị sẽ chỉ các em cách dùng tiền ít kiếm tiền nhiều. Trong vòng 12 tiếng đồng hồ sẽ kiếm được 3 triệu đồng để đầu tư trước đã. Và trong 1 tháng chị sẽ giúp em lấy lại vốn và thậm chí có lời". Chủ nhiệm vừa dứt lời, hàng loạt nhân viên của công ty đứng vây quanh đồng loạt vỗ tay tung hô. 

M.L hào hứng nói tiếp: "Lúc trước chị cũng như tụi em, trong túi có mấy đồng thôi. Nhưng chị đã không sĩ diện, mà ngửa tay mượn tiền từng đứa bạn, người thân để có đủ tiền xin vào công ty. Và bây giờ chị ngồi đây với một vị trí hơn hẳn ngày xưa. Chị cũng biết nhiều bạn trẻ khác còn sẵn sàng cầm cố xe để có tiền mua hàng và trở thành người của công ty đấy!". 

“Nhà nước nghiêm cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; yêu cầu người muốn tham gia phải mua một số lượng hàng hóa ban đầu để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; yêu cầu người muốn tham gia phải trả tiền hoặc trả bất kỳ khoản phí nào dưới hình thức khóa học, khóa đào tạo, hội thảo, hoạt động xã hội hay các hoạt động tương tự khác để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp...". Trích Nghị định số 110/2005/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp của Chính phủ ban hành ngày 24.8.2005

Theo lời chủ nhiệm M.L, sau khi chính thức trở thành người của công ty, nếu giới thiệu được 1 người vào thì sẽ được hưởng hoa hồng từ 400.000 đến 800.000 đồng. Không những thế, trong một thời gian nhất định sẽ được công ty cấp thẻ SV và học từ 8 tháng đến 4 năm tại trường ĐH "HTTT" (viết tắt của cụm từ ĐH "Hợp tác tiêu thụ" - PV)  do nước ngoài đào tạo (?). Trong quá trình học tập, SV sẽ được đào tạo các khóa về tâm lý học, kinh doanh và sẽ được cấp bằng quốc tế hẳn hoi! "Nếu cầm tấm bằng do công ty cấp, chị bảo đảm ai cũng có thể có việc làm tại bất kỳ công ty hợp tác tiêu thụ hoặc công ty bán bảo hiểm nào với mức lương không dưới 10 triệu đồng/tháng" - M.L hùng hồn khẳng định. "Trường này có được Bộ Giáo dục-Đào tạo công nhận không chị?", tôi hỏi. M.L trả lời: "Trường này sẽ do nhiều giáo sư, tiến sĩ trong và ngoài nước mấy chục năm kinh nghiệm giảng dạy đàng hoàng chứ không phải chơi". 

Nhìn qua các nhân viên đứng sau M.L, tôi thấy mỗi người đều đeo thẻ có dòng chữ "ĐH HTTT" to tướng. Tôi hỏi một nữ nhân viên về gốc gác của cái trường có cái tên lạ tai này và được trả lời: "Trường này liên thông với ĐH Quốc gia đàng hoàng đó, mình cũng học được mấy buổi rồi. Hay lắm! Bạn ráng vào làm đi rồi cũng sẽ được học như mình thôi"...

Phóng sự của Trí Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.