Sinh viên Việt Nam thi đua học tập, sáng tạo, tình nguyện, hội nhập, xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh

(Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam khóa IX tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần X)

Dự thảo lần 7
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2018 - 2023 là sự kiện chính trị quan trọng của sinh viên Việt Nam, được tổ chức vào tháng 12.2018 tại Hà Nội. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của đại hội là đánh giá những kết quả thực hiện nghị quyết của nhiệm kỳ vừa qua và xác định mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ mới (2018 - 2023).
Để tiếp thu ý kiến rộng rãi của hội viên, sinh viên và nhân dân, góp phần hoàn thiện dự thảo báo cáo chính trị trước khi trình đại hội, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam công bố Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam khóa IX tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ X.
Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam mong nhận được ý kiến từ hội viên, sinh viên và các tầng lớp nhân dân từ ngày 7.11.2018 đến hết ngày 19.11.2018. Mọi ý kiến xin gửi về Ban Thư ký Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, qua Văn phòng Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, địa chỉ: 64 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội, điện thoại: 024 62631849, email: vanphonghsvvn@gmail.com.
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ X là sự kiện chính trị quan trọng của sinh viên Việt Nam, đánh dấu bước phát triển mới của tổ chức Hội và phong trào sinh viên. Đại hội diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân ta ra sức thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI. Đại hội có nhiệm vụ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2013 - 2018, xác định mục tiêu, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào sinh viên nhiệm kỳ 2018 - 2023, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tạo môi trường góp phần xây dựng lớp sinh viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống văn hóa, thể lực tốt, tích cực học tập, sáng tạo, xung kích, tình nguyện và hội nhập, tham gia tích cực sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
PHẦN THỨ NHẤT
KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC HỘI SINH VIÊN VIỆT NAM LẦN THỨ IX, NHIỆM KỲ 2013 - 2018
Sinh viên Việt Nam là bộ phận thanh niên ưu tú, có tri thức, sáng tạo, sống có ước mơ, hoài bão, có lý tưởng; là lực lượng quan trọng, kế thừa, phát huy những thành quả cách mạng của Đảng, của dân tộc. Phần lớn sinh viên Việt Nam giàu lòng yêu nước, có tinh thần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc; luôn tích cực, chủ động trong học tập, rèn luyện; chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Trong nhiệm kỳ, số lượng sinh viên Việt Nam đang học tập trong và ngoài nước tương đối ổn định với khoảng 2,4 triệu sinh viên1. Những tác động tích cực của nền kinh tế tri thức, sự hội nhập sâu, rộng của đất nước, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra cho sinh viên Việt Nam những điều kiện thuận lợi trong học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học, văn hóa, văn nghệ, thể thao, tình nguyện, hội nhập, tham gia các phong trào, chương trình do Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức. Tuy vậy, một số khó khăn, diễn biến phức tạp trên thế giới, quá trình hội nhập, sự chuyển dịch kinh tế, cơ cấu lao động, sự phân hóa giàu nghèo trong nước, sự chống phá của các thế lực thù địch đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến sinh viên. Nhu cầu sinh hoạt, học tập, rèn luyện thể lực, kỹ năng, tiếp cận thông tin, hưởng thụ văn hóa và vui chơi giải trí, việc làm sau khi ra trường của một bộ phận sinh viên chưa được đáp ứng. Một số ít sinh viên còn thờ ơ về chính trị, sống thiếu lý tưởng, lệch lạc về quan điểm sống, dễ bị ảnh hưởng của những trào lưu không phù hợp với thuần phong mỹ tục, không lành mạnh, mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Không ít sinh viên thiếu ý chí phấn đấu, không tích cực học tập, thiếu kỹ năng thực hành xã hội, không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động sau khi ra trường. Trong bối cảnh đó, các cấp bộ Hội Sinh viên Việt Nam đã chủ động, tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp để tập hợp, phát huy và đồng hành với sinh viên, đạt nhiều kết quả trên các mặt công tác.
I. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI PHONG TRÀO “SINH VIÊN 5 TỐT”
Giai đoạn 2013 - 2018, phong trào “Sinh viên 5 tốt” đã có bước phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả tốt. Phong trào “Sinh viên 5 tốt” không chỉ được sinh viên đón nhận ngày càng tích cực mà còn được cấp ủy, Ban Giám hiệu nhiều trường quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để Hội Sinh viên triển khai, phát triển.
1. Công tác tuyên truyền, triển khai phong trào “Sinh viên 5 tốt”
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam đã chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí xây dựng các chuyên mục, bài viết, phóng sự, diễn đàn nhằm tuyên truyền giới thiệu về phong trào. Trung ương Hội ban hành hướng dẫn triển khai phong trào theo hướng cụ thể từng nội dung rèn luyện (đạo đức tốt, học tập tốt, thể lực tốt, tình nguyện tốt và hội nhập tốt) và kịp thời điều chỉnh nội hàm, tiêu chí đánh giá qua từng năm học.
Các cấp bộ Hội đã chủ động tuyên truyền về phong trào với nhiều hình thức như: diễn đàn trên mạng xã hội, trang tin điện tử, ngày hội “Sinh viên 5 tốt”; thiết kế poster tuyên truyền, các sản phẩm bút, vở, lịch, sổ tay; tuyên truyền thông qua tuần sinh hoạt công dân, chuyên san của nhà trường, các bản tin Hội Sinh viên các cấp và các câu lạc bộ, đội nhóm2. Các hoạt động tạo môi trường để sinh viên phấn đấu đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” được triển khai bám sát với tình hình thực tế tại đơn vị và phù hợp với nhu cầu, điều kiện học tập, rèn luyện của sinh viên3. Trong nhiệm kỳ qua đã có 1.706.011 lượt sinh viên đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” các cấp; 324 sinh viên đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương, 30 tập thể đạt danh hiệu “Tập thể Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương; 5.197 sinh viên đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” tỉnh, thành phố, đại học khu vực; 47.613 sinh viên đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp trường và 3.153 tập thể đạt danh hiệu “Tập thể Sinh viên 5 tốt” cấp tỉnh và cấp trường.
2. Các hoạt động tạo môi trường giúp sinh viên rèn luyện đạo đức, tác phong
Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được các cấp bộ Hội triển khai dưới nhiều hình thức hiện đại, dễ tiếp cận, nội dung cụ thể, gần gũi. Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam ban hành Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho sinh viên, giai đoạn 2015 - 2018”. Trong nhiệm kỳ qua, 100% Hội Sinh viên cấp trường, cấp tỉnh đã tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Đoàn, Hội Sinh viên; tổ chức rộng rãi các hoạt động góp ý văn kiện Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, tuyên truyền bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp giai đoạn 2016 - 2021, góp ý văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI4. Phương thức triển khai các hoạt động tìm hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã có nhiều đổi mới; hình thành nhiều mô hình, giải pháp hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức, bản lĩnh của sinh viên5.
Hoạt động giáo dục truyền thống được chú trọng triển khai, đa dạng về nội dung và hình thức. Nổi bật là các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng của Đảng, của dân tộc và của tổ chức Đoàn, Hội được các cấp bộ Hội quan tâm tuyên truyền, triển khai6. Một số hoạt động cấp Trung ương như chuỗi chương trình “Tuổi trẻ Việt Nam - câu chuyện hòa bình”, cuộc thi video clip hát Quốc ca “Tự hào Tổ quốc Việt Nam” thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo sinh viên, có sức lan tỏa trong xã hội. Các hoạt động tuyên truyền, hướng về biển đảo được các cấp bộ Hội tập trung triển khai, thu hút sự quan tâm đông đảo hội viên, sinh viên, góp phần bồi đắp tình yêu, ý thức bảo vệ chủ quyền và trách nhiệm tham gia phát triển kinh tế biển, đảo của sinh viên7. Chương trình “Sinh viên với biển đảo Tổ quốc”, công trình cột cờ Tổ quốc tại các đảo tiền tiêu, đảo thanh niên nhận được sự đánh giá cao của sinh viên, nhà trường và xã hội8.
Các hoạt động định hướng giá trị, đạo đức, lối sống, nâng cao ý thức công dân, chấp hành pháp luật cho hội viên, sinh viên được tổ chức thường xuyên, rộng khắp. Các chương trình văn hóa, văn nghệ, hội thi nét đẹp sinh viên, được duy trì, đổi mới hình thức tổ chức, thu hút đông sinh viên tham gia9. Cuộc thi viết và sáng tác ca khúc “Sinh viên Việt Nam những câu chuyện đẹp” do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp với Báo Sinh viên Việt Nam tổ chức đã tuyên truyền, giới thiệu đến sinh viên và xã hội những hành động đẹp, những tấm gương tiêu biểu trong lối sống, học tập, rèn luyện của sinh viên Việt Nam10. Cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” đạt những kết quả bước đầu, góp phần định hướng sử dụng mạng xã hội tích cực cho sinh viên. Hoạt động phát huy và rèn luyện thói quen tốt trong sinh viên được triển khai và đạt hiệu quả thiết thực. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật được duy trì thực hiện11.
Công tác nắm bắt tình hình tư tưởng sinh viên được các cơ sở Hội quan tâm triển khai, bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng ngày càng hiệu quả các diễn đàn, mạng xã hội, trang thông tin điện tử để kịp thời nắm bắt và định hướng tình hình sinh viên. Việc đổi mới phương thức triển khai đã góp phần kiểm soát, xử lý các luồng thông tin độc hại; phản bác các nội dung tuyên truyền kích động, đi ngược lại với chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước12; kịp thời ghi nhận và giải đáp, kiến nghị các vướng mắc, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của sinh viên.
3. Các hoạt động tạo môi trường cho sinh viên học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học
Các hoạt động tạo môi trường cho sinh viên học tập, nghiên cứu khoa học được triển khai hiệu quả, phần nào đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của sinh viên, giúp sinh viên thích ứng với phương thức đào tạo mới. Việc phát triển các câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm, tập thể sinh viên tự học, nghiên cứu khoa học được các cơ sở Hội xác định là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm tập hợp sinh viên, thúc đẩy tinh thần thi đua học tập và nghiên cứu, tạo không gian để sinh viên trao đổi kiến thức, giáo trình, tài liệu học tập13. Các cuộc thi Olympic môn học chuyên ngành được phối hợp tổ chức thường xuyên dưới nhiều hình thức đa dạng, quy mô mở rộng, thu hút được sự quan tâm của sinh viên14.
Sinh viên các trường tại đại hội giữa nhiệm kỳ của Hội SV TP.HCM ảnh: lê thanh
Sinh viên các trường tại đại hội giữa nhiệm kỳ của Hội SV TP.HCM Ảnh: Lê Thanh

Trong nhiệm kỳ, các hoạt động sáng tạo, nghiên cứu khoa học trong sinh viên đã có những biến chuyển tích cực. Các cấp bộ Hội thường xuyên tổ chức các hoạt động hỗ trợ sinh viên trang bị kiến thức, phương pháp, kỹ năng nghiên cứu khoa học, kiến tập, thực tập; tham quan thực tế gắn với chuyên ngành đào tạo của sinh viên. Các cấp bộ Hội đã quan tâm hơn đến việc hỗ trợ triển khai ứng dụng sản phẩm sáng tạo, sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên15.
Các quỹ học bổng, khuyến học được các cấp bộ Hội quan tâm phát triển, góp phần tạo động lực để sinh viên phấn đấu học tập và rèn luyện. Quỹ Hỗ trợ và phát triển sinh viên Việt Nam và các cấp bộ Hội trao tặng hơn 227 tỉ đồng học bổng cho hơn 203.000 tân sinh viên, sinh viên có thành tích tốt trong học tập, nghiên cứu khoa học và sinh viên nghèo vượt khó16. Các cấp bộ Hội đã chủ động tìm kiếm, vận động các nguồn lực xã hội để thực hiện công tác khuyến học, tham mưu cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành có cơ chế bồi dưỡng sinh viên tài năng, có các hình thức ưu đãi cho sinh viên khi sử dụng các dịch vụ đào tạo và hỗ trợ đào tạo. Bên cạnh đó, các cấp bộ Hội cũng tiếp tục duy trì và phát triển các hoạt động chào tân sinh viên, các chương trình tư vấn, hỗ trợ sinh viên cung cấp những điều kiện tốt nhất phục vụ quá trình học tập và đảm bảo đời sống sinh viên17.
4. Các hoạt động tạo môi trường cho sinh viên rèn luyện thể chất
Nhiệm kỳ qua, các cấp bộ Hội đã tích cực phát động phong trào tập luyện thể dục thể thao trong sinh viên18. Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vòng chung kết giải bóng đá sinh viên toàn quốc; tổ chức Giải thể thao sinh Việt Nam VUG thường niên thu hút được sự quan tâm và ủng hộ của đông đảo sinh viên19. Các cấp bộ Hội đẩy mạnh vận động mỗi hội viên, sinh viên tập luyện thường xuyên một môn thể thao. Nhiều câu lạc bộ thể thao được thành lập, hoạt động hiệu quả; các hoạt động liên kết, giao lưu thể dục thể thao được tăng cường20. Các giải thể thao quần chúng, các “Ngày hội sinh viên khỏe”, “Ngày hội thể thao” đã dần trở thành những sân chơi quen thuộc giúp sinh viên tăng cường thể chất21.
Hội Sinh viên các trường đã quan tâm tổ chức các buổi gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ để nắm bắt tâm tư, tình cảm, tâm lý của sinh viên, đặc biệt là tân sinh viên, giúp sinh viên có kỹ năng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Điểm mới trong nhiệm kỳ là xuất hiện ngày càng nhiều câu lạc bộ, đội, nhóm chăm sóc sức khỏe do các cơ sở Hội thành lập, tổ chức định kỳ các hoạt động giáo dục giới tính, tư vấn tâm lý, sức khỏe sinh sản cho sinh viên22.
5. Các hoạt động tạo môi trường để sinh viên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng
Trong nhiệm kỳ vừa qua, sinh viên tiếp tục là lực lượng nòng cốt trong các phong trào thanh niên tình nguyện với nội dung phong phú: xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, vì đàn em thân yêu, các hoạt động chăm sóc, khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí, bảo vệ môi trường, tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu, giải quyết hậu quả sau thiên tai. Phương thức tổ chức hoạt động tình nguyện có nhiều đổi mới, đa dạng hơn.
Chương trình “Tiếp sức mùa thi” tiếp tục được triển khai hiệu quả, được xã hội đánh giá cao về ý nghĩa cũng như tính thiết thực, góp phần vào việc thực hiện thành công các kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng, thi trung học phổ thông quốc gia hằng năm. Hội Sinh viên các cấp đã chủ động đổi mới phương thức tổ chức đội hình, nội dung hỗ trợ, phù hợp với công tác tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia23. Chương trình “Tiếp sức đến trường” được triển khai tốt ở các trường thông qua các học bổng, phần quà hỗ trợ tân sinh viên, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Hội sinh viên cấp trường cũng chủ động thành lập các đội hình sinh viên tình nguyện hướng dẫn thủ tục nhập học, tư vấn, tìm kiếm nhà trọ hỗ trợ tân sinh viên.
Chiến dịch sinh viên tình nguyện “Mùa hè xanh” trong nhiệm kỳ được các cấp bộ Hội tập trung chỉ đạo và có bước phát triển mạnh mẽ về quy mô, chất lượng24. Cách thức tổ chức chiến dịch có nhiều sáng tạo, thiết thực. Địa bàn được mở rộng đến các đảo tiền tiêu của Tổ quốc, tăng cường phát huy các đội hình tình nguyện gắn với chuyên môn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật. Nhiều tỉnh, thành duy trì tốt đội hình tình nguyện tại địa bàn và tổ chức đội hình hỗ trợ các địa bàn khó khăn ngoài địa phương. Một số đơn vị xây dựng đề án hỗ trợ, giúp đỡ giải quyết các vấn đề của địa phương trong một khoảng thời gian dài hạn. Chương trình “Tình nguyện mùa đông”, “Xuân tình nguyện” với các hoạt động đa dạng, thiết thực, ý nghĩa và phù hợp với nhu cầu của từng địa phương, đối tượng của các chương trình. Chương trình đã góp phần hỗ trợ học sinh, thiếu nhi vùng cao, vùng khó khăn có thêm điều kiện sinh hoạt, học tập; chia sẻ với những người khó khăn, neo đơn trong những ngày giáp tết25.
Các hoạt động tình nguyện thường xuyên, tại chỗ được các cấp bộ Hội quan tâm tổ chức thực hiện bằng những công việc cụ thể gắn với điều kiện học tập, rèn luyện của sinh viên. Các hoạt động bảo vệ và xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp được thường xuyên tổ chức; trong đó, chú trọng các hoạt động giữ gìn cảnh quan môi trường giảng đường, ký túc xá, khu nhà trọ, địa bàn trường trú đóng thông qua các “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”... Hội sinh viên các trường đã chủ động phối hợp thành lập các đội sinh viên tình nguyện xung kích an ninh tham gia tuần tra, tuyên truyền, vận động giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các khu dân cư tập trung đông sinh viên thuê trọ. Các hoạt động tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông được duy trì và thực hiện hiệu quả như: tuyên truyền về văn hóa giao thông; thành lập các đội sinh viên tình nguyện tham gia điều tiết giao thông tại các giờ cao điểm, các ngã ba, ngã tư trọng điểm, thực hiện mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”26. Hoạt động hiến máu tình nguyện thu hút đông đảo sinh viên tham gia. Mô hình ngày hội hiến máu tình nguyện, các câu lạc bộ tuyên truyền hiến máu tình nguyện, “ngân hàng máu sống, máu hiếm”, “ngân hàng máu di động” tiếp tục được duy trì, mang lại hiệu quả thiết thực27.
Hoạt động tình nguyện quốc tế đã có bước phát triển, ngày càng có nhiều đội hình thanh niên tình nguyện của các nước đến tham gia hoạt động ở Việt Nam và các đội hình tình nguyện của sinh viên Việt Nam tại các địa bàn ngoài nước. Trong 5 năm qua, các cấp bộ Hội đã tiếp nhận hàng trăm thanh niên tình nguyện quốc tế đến từ Canada, Hàn Quốc, Mỹ, Malaysia... tham gia hoạt động tình nguyện tại Việt Nam. Ngoài ra, Hội Sinh viên một số tỉnh, thành tiếp tục duy trì hoạt động tình nguyện tại Lào như: làm đường giao thông nông thôn, sửa chữa nhà, tổ chức khám chữa bệnh, nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ cho thanh thiếu niên28.
6. Các hoạt động tạo môi trường giúp sinh viên hội nhập quốc tế
Trong nhiệm kỳ, các hoạt động hỗ trợ nâng cao nhận thức về hội nhập, giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng, chủ động hội nhập quốc tế được các cấp bộ Hội triển khai theo nhiều hình thức. Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức Hội thi Olympic tiếng Anh sinh viên toàn quốc lần thứ I, II năm 2017, 2018, Liên hoan các câu lạc bộ, đội, nhóm tiếng Anh toàn quốc lần thứ I, năm 2017, Chương trình giao lưu “Gặp gỡ Việt Nam” năm 201829; thường niên phối hợp tổ chức chương trình Kỹ năng quản lý tài chính cá nhân.Các cấp bộ Hội thành lập, củng cố các câu lạc bộ tin học, ngoại ngữ giúp sinh viên có nhiều cơ hội trao đổi kiến thức, phương pháp học tập, nâng cao trình độ30. Các diễn đàn, hội thảo tuyên truyền cho sinh viên về cộng đồng ASEAN, APEC được quan tâm, tổ chức với nhiều nội dung thiết thực31.
Các hoạt động giao lưu quốc tế giữa sinh viên Việt Nam với sinh viên nước ngoài được Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài thực hiện hiệu quả, góp phần giới thiệu, quảng bá về văn hóa, con người Việt Nam32. Nhiều diễn đàn trên mạng internet do Hội tổ chức đã trở thành nơi giao lưu, trao đổi văn hóa, tri thức của sinh viên Việt Nam và sinh viên quốc tế. Các đoàn giao lưu quốc tế được tổ chức định kỳ đã tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các hoạt động giao lưu với sinh viên các nước. Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tăng cường quan tâm đến hoạt động của Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức nhiều đoàn công tác, tham gia các hội trại, các hoạt động của sinh viên Việt Nam ở nước ngoài33.
Các hoạt động trang bị, huấn luyện kỹ năng thực hành xã hội, các kỹ năng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động... cho sinh viên được nhiều cơ sở Hội chú trọng, bước đầu triển khai có hiệu quả thông qua việc bồi dưỡng các kỹ năng cần thiết trong quá trình học tập và làm việc sau khi tốt nghiệp34. Các hoạt động tập thể đã và đang tạo môi trường tốt cho sinh viên rèn luyện kỹ năng thực hành xã hội. Hội Sinh viên các cấp đã chủ động phối hợp với các trung tâm đào tạo kỹ năng, doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng để tổ chức các lớp, khóa huấn luyện kỹ năng cho sinh viên.
II. XÂY DỰNG HỘI SINH VIÊN VIỆT NAM VỮNG MẠNH
1. Công tác hội viên
Công tác tuyên truyền giới thiệu về Hội Sinh viên Việt Nam được các cấp bộ Hội quan tâm triển khai thông qua sinh hoạt đầu năm, đầu khóa; qua các chương trình, hoạt động phong trào, nhất là thông qua mạng xã hội và các sản phẩm tuyên truyền trực quan như: bảng tin, pano, áp phích. Trong nhiệm kỳ, các cấp bộ Hội đã kết nạp được 1.478.369 hội viên. Hiện nay, cả nước có 1.367.544 hội viên. Việc bồi dưỡng nâng cao chất lượng hội viên để giới thiệu kết nạp Đoàn được các cấp bộ Hội quan tâm thực hiện. Công tác theo dõi, quản lý hội viên được các cấp bộ Hội tiếp tục đổi mới theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu hội viên35. Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam đã tích cực tìm kiếm nguồn lực, phối hợp với các đối tác để triển khai thí điểm việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý hội viên, đổi mới thẻ hội viên theo hướng thẻ hội viên tích hợp tiện ích.
2. Công tác cán bộ Hội
Công tác cán bộ Hội được đổi mới, chú trọng lựa chọn đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội kế cận, đảm bảo tính kế thừa trong chỉ đạo và tổ chức hoạt động Hội. Nhiều trường phát huy tốt chủ tịch Hội Sinh viên cấp trường là sinh viên, đặc biệt ở các trường đại học tại các tỉnh, thành phố lớn. Công tác tập huấn cán bộ Hội được đầu tư, triển khai theo đối tượng, chức danh, chuyên đề, sự kiện, đợt hoạt động lớn với các nội dung, phương thức phong phú: kỹ năng nghiệp vụ, trang bị tài liệu, tập huấn kỹ năng thực hành xã hội, kỹ năng tổ chức hoạt động, quản lý, điều hành tổ chức Hội36. Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức Hội thi “Thủ lĩnh sinh viên” lần thứ I năm 2016 và lần thứ II năm 2018 với hình thức hấp dẫn, nhận được sự quan tâm hưởng ứng của cán bộ Hội các cấp. Công tác tham mưu thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ hội theo Quyết định số 13/2013/QĐ-TTg ngày 06/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ được quan tâm thực hiện.
Công tác chỉ đạo, hiệp thương kiện toàn nhân sự tham gia Ban chấp hành, Ban thư ký, Ban kiểm tra và chủ chốt Hội Sinh viên các cấp được thực hiện đúng quy định và kịp thời, tạo điều kiện để các cấp bộ Hội có đầy đủ bộ máy, năng lực thực hiện nhiệm vụ.
3. Công tác cơ sở Hội
Công tác xây dựng tổ chức Hội tiếp tục có sự nỗ lực, cố gắng. Trong nhiệm kỳ đã thành lập mới 5 Hội Sinh viên Việt Nam cấp tỉnh, 7 tổ chức Hội Sinh viên cấp trường trực thuộc trung ương; 3 tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam ở ngoài nước37. Hiện nay, có 28 Hội Sinh viên cấp tỉnh, 44 tổ chức Hội Sinh viên cấp trường trực thuộc Trung ương38; 8 Hội Sinh viên Việt Nam ở ngoài nước39.
Hội Sinh viên các cấp quan tâm đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi hội phù hợp với phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ. Thành lập mới, duy trì, phát huy tốt hoạt động của các câu lạc bộ, đội, nhóm. Công tác Hội Sinh viên Việt Nam ngoài nước được Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tăng cường chỉ đạo, xây dựng cơ chế quản lý, hướng dẫn tổ chức phù hợp với điều kiện đặc thù của Hội Sinh viên Việt Nam ở ngoài nước40. Hoạt động thăm, làm việc, công tác thông tin, liên lạc, chỉ đạo việc thành lập Hội Sinh viên Việt Nam tại nước ngoài được tăng cường thông qua các đoàn công tác thăm và làm việc với Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp, Anh, Đức, Hungary, Bỉ, Séc. Hằng năm, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức giao ban trực tuyến với Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài, chỉ đạo ký kết, kết nghĩa các Hội Sinh viên trong và ngoài nước để liên kết, chia sẻ, hỗ trợ hoạt động.
4. Công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và thi đua, khen thưởng
Việc hướng dẫn tổ chức, hoạt động được thực hiện thường xuyên, công tác chỉ đạo thực hiện kịp thời, thống nhất; cấp, phạm vi và nội dung chỉ đạo được xác định rõ. Cấp trung ương tổ chức tốt các chương trình, hoạt động điểm, tạo mẫu cho cơ sở triển khai. Các mô hình hay, cách làm sáng tạo được phát hiện, tổng kết hằng năm để nhân rộng tại các cơ sở Hội. Công tác tổng kết chuyên đề được Trung ương Hội quan tâm thực hiện, làm cơ sở trong đánh giá, chỉ đạo công tác Hội và phong trào sinh viên. Các đoàn làm việc với các cơ sở Hội trong nước, giao ban trực tuyến cán bộ Hội ở ngoài nước, biên soạn tài liệu phục vụ triển khai phong trào được quan tâm thực hiện. Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam đã ban hành Hướng dẫn số 02-HD/TWHSV ngày 31.3.2017 về việc hướng dẫn thực hiện điều lệ Hội Sinh viên Việt Nam (sửa đổi, bổ sung) và định kỳ hằng năm xây dựng quy định, hướng dẫn đánh giá, xếp loại các tổ chức cơ sở Hội. Các cấp bộ Hội thường xuyên tổ chức các buổi làm việc với cơ sở Hội hoạt động yếu để trực tiếp hỗ trợ, tìm giải pháp khắc phục.
Công tác kiểm tra của Hội được tăng cường và có nhiều đổi mới. Hệ thống tổ chức kiểm tra của Hội được thành lập từ trung ương đến cấp trường. Ban Kiểm tra các cấp đã tham mưu cho Ban Chấp hành, Ban Thư ký Hội Sinh viên trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện điều lệ, nghị quyết, chương trình công tác Hội và phong trào sinh viên mỗi năm học. Lề lối làm việc, công tác thông tin báo cáo, thi đua khen thưởng được cải tiến41. Hoạt động kiểm tra theo chuyên đề, kịp thời phát hiện nhân rộng mô hình điển hình và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở được thực hiện nghiêm túc42. Công tác chỉ đạo, thông tin giữa Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam với các cơ sở Hội được thường xuyên hơn, từng bước phát huy ứng dụng công nghệ thông tin. Hoạt động của Ban kiểm tra các cấp từng bước được quan tâm, đi vào nề nếp43.
Công tác thi đua, khen thưởng được các cấp bộ Hội nghiêm túc thực hiện theo Quy chế thi đua, khen thưởng của Hội Sinh viên Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2013 - 2018. Tiêu chuẩn và các hình thức khen thưởng đã tạo động lực phấn đấu cho các cấp bộ Hội, cán bộ, hội viên. Công tác tuyên dương và nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong công tác Hội và phong trào sinh viên được Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam chú trọng triển khai thông qua giải thưởng 9/1 và khen thưởng năm học; sửa đổi và cập nhật quy chế các giải thưởng, danh hiệu thi đua nhằm phù hợp với tình hình sinh viên và điều kiện triển khai phong trào44.
III. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHỈ TIÊU NHIỆM KỲ VÀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN
Trong nhiệm kỳ vừa qua, các cấp bộ Hội đã tích cực triển khai nhiều giải pháp trong công tác Hội và phong trào sinh viên nhằm thực hiện 08 chỉ tiêu của nhiệm kỳ. Kết quả có 2 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức, 2 chỉ tiêu đạt, 4 chỉ tiêu chưa đạt. Đánh giá chi tiết kết quả thực hiện, nguyên nhân thành công và hạn chế của các chỉ tiêu được thể hiện cụ thể trong phụ lục kèm theo.
Trung ương Hội Sinh viên đã triển khai 2 đề án, 2 chương trình; 1 đề án chưa được ban hành. Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho sinh viên giai đoạn 2015 - 2018” đã được các cấp bộ Hội tích cực triển khai, góp phần giáo dục và định hướng sinh viên tham gia thực hiện tốt chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đề án “Phát triển Quỹ hỗ trợ và phát triển sinh viên Việt Nam” đã vận động đạt 8,7 tỉ đồng vốn điều lệ; trao 2,52 tỉ đồng học bổng cho sinh viên. Đề án “Chung cư thủ khoa” chưa thể triển khai thực hiện do có sự thay đổi về các điều kiện khách quan. Chương trình “Tư vấn, hỗ trợ sinh viên” và chương trình “Huấn luyện kỹ năng cho cán bộ Hội Sinh viên các cấp” được triển khai hiệu quả.
IV. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Những mặt thành công
Các cấp bộ Hội đã bám sát, cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. Phương thức và hình thức tổ chức hoạt động của Hội ngày càng đa dạng, sáng tạo, thiết thực, nội dung từng bước sát với nhu cầu của sinh viên và tình hình thực tiễn cơ sở.
Phong trào “Sinh viên 5 tốt” đã có sự phát triển mạnh mẽ, tạo môi trường phấn đấu, rèn luyện cho đông đảo sinh viên, được dư luận xã hội đánh giá cao, góp phần xây dựng lớp sinh viên toàn diện. Hội Sinh viên các cấp ngày càng chủ động trong tổ chức các hoạt động tạo môi trường để sinh viên tham gia phong trào, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả thiết thực. Hoạt động tư vấn, hỗ trợ đời sống vật chất và tinh thần cho sinh viên được quan tâm, có những bước phát triển rõ rệt.
Công tác phát hiện mô hình, nhân rộng điển hình được quan tâm thực hiện ở các cấp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng phổ biến, mang lại nhiều giá trị tích cực cho công tác tuyên truyền và tổ chức hoạt động. Hội Sinh viên các cấp đã chú trọng phát huy mặt tích cực của mạng xã hội trong thúc đẩy phong trào, tăng tính hiệu quả trong tiếp cận sinh viên. Việc tổ chức các hoạt động điểm, các chương trình tạo mẫu được thực hiện tốt ở cấp trung ương và một số tỉnh, thành phố lớn.
Công tác xây dựng tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam vững mạnh tiếp tục có bước phát triển cả về quy mô và chất lượng. Công tác tập huấn cán bộ Hội được đầu tư, đạt kết quả tốt. Trung tâm hỗ trợ và phát triển sinh viên Việt Nam, Báo Sinh viên Việt Nam tiếp tục phát huy chức năng nhiệm vụ, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ sinh viên. Tổ chức Hội ở nước ngoài ngày càng phát triển cả về chất lượng và số lượng, trở thành hạt nhân tập hợp, đoàn kết sinh viên ở ngoài nước, đóng góp không nhỏ vào sự lớn mạnh chung của tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam.
2. Hạn chế, nguyên nhân
2.1. Hạn chế
Tại một số trường cao đẳng, việc triển khai phong trào “Sinh viên 5 tốt” chưa hiệu quả. Công tác tuyên truyền, giới thiệu phong trào chưa thu hút, hấp dẫn ở nhiều đơn vị. Một số cơ sở Hội chỉ tổ chức thực hiện tốt công tác bình chọn, tuyên dương “Sinh viên 5 tốt”, chưa có giải pháp thường xuyên triển khai các hoạt động tạo môi trường để sinh viên tham gia phong trào. Công tác nắm bắt, định hướng dư luận sinh viên ở một số thời điểm, một số đơn vị chưa được quan tâm; phản ứng trước các tình huống mới, phát sinh còn chậm, lúng túng. Các hoạt động tạo môi trường để sinh viên học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học chưa có nhiều đột phá, chưa tận dụng được nguồn lực và tiềm năng của sinh viên. Công tác kết nối, phát huy các gương “Sinh viên 5 tốt” sau tuyên dương chưa được cơ sở quan tâm đầu tư.
Một số đơn vị Hội cấp tỉnh, cấp trường chưa thực hiện tốt vai trò đại diện sinh viên trong một số vụ việc cụ thể. Phương thức hoạt động tại một số đơn vị thiếu sáng tạo, còn theo lối mòn, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của sinh viên. Chất lượng hoạt động của Hội Sinh viên các trường cao đẳng trực thuộc trung ương chưa cao. Công tác chuẩn bị, tạo nguồn cán bộ Hội ở một số đơn vị chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Một số đơn vị chưa dành sự quan tâm cho công tác phát hiện, bồi dưỡng sinh viên đảm nhận các vị trí chủ chốt. Công tác sinh hoạt chi hội còn gặp nhiều khó khăn trong điều kiện học chế tín chỉ. Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hội viên tại các cấp bộ Hội còn chậm. Hiệu quả của việc tham mưu thực hiện Quyết định số 13/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trong các cơ sở giáo dục và cơ sở dạy nghề cho cán bộ Hội còn chưa đồng đều ở các cơ sở Hội. Việc tham mưu tháo gỡ khó khăn trong công tác thành lập mới tổ chức, trong cơ cấu tổ chức Hội liên quan tới Nghị định 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội tiến triển chậm.
Công tác kiểm tra ở một số đơn vị chưa hiệu quả, vai trò của Ban Kiểm tra ở một số đơn vị chưa được phát huy. Công tác thông tin báo cáo chưa được thực hiện nghiêm túc. Chất lượng báo cáo của một số đơn vị còn thấp, số liệu báo cáo của một số đơn vị còn thiếu chính xác.
Một số chỉ tiêu của nhiệm kỳ IX chưa hoàn thành. Một số hoạt động điểm, quy mô toàn quốc xác định trong chương trình hằng năm chưa thực hiện được. Đề án “Chung cư Thủ khoa” chưa được triển khai.
2.2. Nguyên nhân
Các hạn chế trên có nguyên nhân khách quan do tác động từ mặt trái của sự phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, sự chống phá của các thế lực phản động, thù địch đã ảnh hưởng tiêu cực tới tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận sinh viên; sự phân hóa tâm lý và sự đa dạng trong nhu cầu của sinh viên ngày càng cao, điều kiện để tổ chức hoạt động Hội và phong trào sinh viên còn hạn chế, công tác xã hội hóa nguồn lực còn gặp nhiều khó khăn; việc sửa đổi Nghị định 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội của các ngành chức năng còn chậm.
Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là các nguyên nhân chủ quan:
- Việc thiết kế, xây dựng một số hoạt động phong trào tại địa phương, đơn vị chưa dựa trên các kết quả khảo sát, đánh giá tình hình và nhu cầu của sinh viên.
- Công tác chỉ đạo triển khai phong trào ở một số Hội Sinh viên các tỉnh thành phố, Hội Sinh viên các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng chưa quyết liệt và bài bản, chưa bám sát yêu cầu và chủ trương của Hội cấp trên; công tác triển khai, đôn đốc chưa kịp thời. Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam trong một số thời điểm thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, một số hoạt động triển khai gấp, gây khó khăn cho cơ sở.
- Một bộ phận cán bộ Hội cấp cơ sở có thời gian đảm nhiệm chức vụ ngắn, thiếu kinh nghiệm, dẫn tới chưa đủ năng lực để cụ thể hóa phong trào, chưa làm tốt công tác thu hút, tập hợp và định hướng cho sinh viên.
- Tổ chức Hội tại một số địa phương, đơn vị chưa chủ động trong việc phát huy tốt vai trò nòng cốt chính trị của Đoàn Thanh niên; chưa chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện triển khai phong trào.
3. Bài học kinh nghiệm
Thứ nhất, chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện cho công tác Hội và phong trào sinh viên; tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt chính trị của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đối với tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phong trào “Sinh viên 5 tốt” và có các biện pháp nâng cao giá trị của danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” đối với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà trường, cộng đồng và xã hội. Chú trọng thực hiện các hoạt động tạo môi trường để sinh viên phấn đấu đạt danh hiệu. Tích cực giới thiệu hội viên, sinh viên tiêu biểu, “Sinh viên 5 tốt”, sinh viên đạt giải thưởng “Sao Tháng Giêng” đến các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động.
Thứ ba, đa dạng hóa hình thức nắm bắt nhu cầu, tư tưởng, dư luận sinh viên. Chủ động điều chỉnh nội dung, phương thức hoạt động để đa dạng hóa các hoạt động của Hội, đáp ứng tối đa nhu cầu chính đáng của sinh viên. Thực hiện thật tốt vai trò cầu nối giữa sinh viên với nhà trường, vai trò đại diện quyền lợi hợp pháp chính đáng của sinh viên trước nhà trường, xã hội.
Thứ tư, kiên trì thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức Hội. Tập trung thực hiện tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ Hội. Kiên trì mô hình Chủ tịch Hội Sinh viên trường là sinh viên. Làm tốt công tác tổng kết, rút kinh nghiệm, tôn vinh và nhân rộng các mô hình và điển hình tiên tiến. Phát huy vai trò của Hội Sinh viên các tỉnh, thành phố lớn, các đại học vùng trong việc tổ chức hoạt động cụm, hỗ trợ các đơn vị yếu và tạo động lực phát triển phong trào.
Thứ năm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên mọi mặt của công tác Hội và phong trào sinh viên, trong đó tập trung triển khai xây dựng và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu hội viên; tận dụng tối đa các yếu tố tích cực của mạng xã hội trong tuyên truyền, giới thiệu hoạt động Hội và vận động sinh viên tham gia phong trào.
PHẦN THỨ HAI
MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CÔNG TÁC HỘI VÀ PHONG TRÀO SINH VIÊN VIỆT NAM NHIỆM KỲ X (2018 - 2023)
I. BỐI CẢNH CHUNG VÀ TÌNH HÌNH SINH VIÊN
1. Bối cảnh chung
Trong những năm tới, hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn của thế giới và khu vực. Kinh tế tri thức và cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo cơ hội vươn lên, bứt phá của nhiều nước trên thế giới. Tại các quốc gia, khoa học công nghệ cùng với khởi nghiệp sáng tạo sẽ tạo ra nhiều mô hình kinh tế, loại hình sản xuất, nghề nghiệp và việc làm mới. Công nghệ thông tin, mạng xã hội đã xóa bỏ khoảng cách địa lý, không gian và thời gian. Sinh viên đứng trước cơ hội đồng thời cũng là thách thức trước việc tiếp nhận tri thức, thành tựu tinh hoa của thế giới, từ đó thấy rõ trách nhiệm trong việc học tập, vươn lên làm chủ khoa học, công nghệ, sáng tạo, khởi nghiệp dựng xây đất nước. Trong nước, toàn Đảng, toàn dân đang ra sức đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Kinh tế từng bước tăng trưởng. Trong lĩnh vực giáo dục, Nghị quyết 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã tạo môi trường thuận lợi cho sinh viên trong học tập và nghiên cứu khoa học, phấn đấu, rèn luyện trở thành những công dân tốt, nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước.
Tuy nhiên, tình hình thế giới và khu vực trong thời gian tới dự báo còn nhiều phức tạp. Chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chủ nghĩa dân túy, vấn đề an ninh chủ quyền, tôn giáo cực đoan và xung đột kinh tế sẽ tiếp tục tác động tới các quốc gia trên thế giới. Trong nước, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ “diễn biến hòa bình” của thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta. Bảo vệ chủ quyền biển, đảo đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn. Trong lĩnh vực giáo dục, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ tác động lớn tới ngành giáo dục, đòi hỏi các trường đại học, cao đẳng phải tăng tính tự chủ trong hoạt động và tài chính. Sự thay đổi chức năng quản lý nhà nước đối với các trường cao đẳng; công tác quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng trên cả nước có sự thay đổi sẽ tác động trực tiếp tới công tác Hội và phong trào sinh viên.
2. Tình hình sinh viên
Sinh viên là bộ phận thanh niên ưu tú, có lòng yêu nước nồng nàn, giàu tri thức, năng động, sáng tạo, có khả năng thích ứng, có khát vọng vươn lên. Đại bộ phận sinh viên quan tâm đến những vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước; xác định động cơ học tập đúng đắn, có năng lực sáng tạo, có lối sống đẹp; ứng xử văn minh, có ý thức gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, cơ hội học tập, việc làm cho sinh viên cũng được mở rộng, sinh viên có nhiều lựa chọn hơn trong học tập, không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn vươn xa ra toàn thế giới. Khả năng thích ứng và thích nghi với sự năng động và yêu cầu ngày càng cao của thị trường cũng sẽ là một trong những đặc điểm nổi trội của sinh viên trong những năm tới. Xu thế khởi nghiệp đang ngày càng trở lên phổ biến. Thể chất của sinh viên được dự báo là sẽ ngày càng được cải thiện. Điều kiện sống của sinh viên ngày càng được tăng lên, cơ hội được chăm sóc sức khỏe và thăm khám định kỳ được thực hiện thường xuyên và thuận lợi hơn. Dự báo trong những năm tới, sinh viên vẫn tiếp tục là lực lượng nòng cốt trong tham gia các hoạt động xã hội, cộng đồng và là đối tượng tích cực trong tham gia đóng góp tiếng nói, ý tưởng vào các quyết định, chính sách quan trọng của đất nước.
Trước tác động của các yếu tố tiêu cực của quá trình hội nhập, không tránh khỏi việc vẫn còn một bộ phận nhỏ sinh viên thiếu ý chí, bản lĩnh, không làm chủ được bản thân, chạy theo lối sống thực dụng, lai căng, tôn thờ giá trị vật chất và lối sống hưởng thụ, thờ ơ với tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của đất nước và vô cảm với những hiện tượng xã hội diễn ra trong cuộc sống. Sinh viên sẽ tiếp tục là đối tượng mà các thế lực thù địch quan tâm, kích động, lôi kéo vào các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và gây rối trật tự, an ninh xã hội. Trong học tập, việc làm sẽ còn nhiều thách thức: kỹ năng tự nghiên cứu, tự học còn hạn chế; điều kiện vật chất phục vụ học tập và thực hành nghề còn thiếu thốn, khó khăn và chưa đồng bộ; trình độ ngoại ngữ, tin học dù được cải thiện song vẫn còn khoảng cách khá xa với các nước trong khu vực. Điều kiện học tập, cơ hội nghề nghiệp của sinh viên tại các khu vực, vùng miền trong cả nước vẫn sẽ tồn tại nhiều khoảng cách, chênh lệch. Tình trạng một bộ phận nhỏ sinh viên vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội vẫn tiếp diễn.
Bối cảnh và tình hình sinh viên năm 5 tới đòi hỏi Hội Sinh viên Việt Nam cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để định hướng, dẫn dắt, đồng hành với sinh viên trong thi đua rèn đức, luyện tài, xung kích tình nguyện, sáng tạo, hội nhập, tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh.
II. MỤC TIÊU
Xây dựng lớp sinh viên thời kỳ mới có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, có trách nhiệm với Tổ quốc; chủ động học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới; có đạo đức, lối sống văn hóa, ứng xử văn minh; có tri thức, sức khỏe, kỹ năng thực hành xã hội, khát vọng vươn lên; tích cực tham gia các hoạt động thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội và hội nhập quốc tế.
Xây dựng Hội Sinh viên Việt Nam thực sự vững mạnh, thực hiện tốt vai trò đồng hành với sinh viên, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, sinh viên; tập hợp, đoàn kết rộng rãi sinh viên Việt Nam trong và ngoài nước tham gia tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
III. KHẨU HIỆU HÀNH ĐỘNG
“Sinh viên Việt Nam bản lĩnh, học tập, sáng tạo, tình nguyện, hội nhập, phát triển”.
IV. MỘT SỐ CHỈ TIÊU TRỌNG TÂM
1.100% cán bộ, hội viên được quán triệt và học tập về các nghị quyết của Đảng, Đoàn và Hội.
2. 100% Hội sinh viên cấp trường hàng năm tổ chức ít nhất 02 hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, văn hóa cho hội viên, sinh viên.
3. 1.000 sinh viên đạt Danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương; 10.000 sinh viên đạt Danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp tỉnh; 200.000 sinh viên đạt Danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp trường.
4. 100% Hội Sinh viên cấp trường hằng năm tổ chức ít nhất 2 hoạt động hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học.
5. Hội viên, sinh viên đề xuất ít nhất 1,5 triệu ý tưởng, sáng kiến.
6. 100% Hội Sinh viên cấp trường hằng năm tổ chức ít nhất 2 hoạt động trang bị kiến thức khởi nghiệp cho sinh viên.
7. Giới thiệu việc làm cho 1 triệu sinh viên, trong đó ít nhất 50.000 sinh viên được giới thiệu việc làm ổn định.
8. Trong mỗi năm học, mỗi hội viên tham gia ít nhất 5 ngày tình nguyện.
9. Hội Sinh viên các cấp vận động 250 tỉ đồng trao học bổng, giải thưởng cho sinh viên.
10. Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ có 1.500.000 hội viên.
V. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CÔNG TÁC HỘI VÀ PHONG TRÀO SINH VIÊN NHIỆM KỲ 2018 - 2023
1. Phong trào “Sinh viên 5 tốt” (đạo đức tốt, học tập tốt, thể lực tốt, tình nguyện tốt, hội nhập tốt).
1.1. Công tác tuyên truyền, triển khai phong trào “Sinh viên 5 tốt”.
- Quán triệt nhận thức về vị trí, vai trò chủ đạo của phong trào “Sinh viên 5 tốt” trong phong trào sinh viên Việt Nam của các cấp bộ Hội, xác định mục tiêu là sự chủ động rèn luyện, phấn đấu tham gia phong trào của đông đảo sinh viên. Đẩy mạnh công tác giới thiệu, tuyên truyền phong trào, giá trị danh hiệu và các tấm gương “Sinh viên 5 tốt”, cựu sinh viên đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” thành đạt tới sinh viên, cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà trường, các ngành có liên quan và các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng lao động thông qua nhiều hình thức truyên truyền, đặc biệt là mạng xã hội.
- Hướng dẫn triển khai phong trào, kịp thời sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” phù hợp với tình hình mới. Tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ nhóm sinh viên tiệm cận tiêu chuẩn danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”. Chú trọng tổng kết và nhân rộng các mô hình, giải pháp hiệu quả trong triển khai phong trào. Quan tâm thực hiện các giải pháp hỗ trợ đơn vị triển khai phong tràochưa tốt.
- Thực hiện tốt các khâu triển khai phong trào, từ đăng ký, đánh giá, bình xét, tuyên dương và phát huy “Sinh viên 5 tốt”. Tổ chức đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu ngay từ đầu năm học; thực hiện nghiêm túc, bài bản công tác theo dõi, đánh giá, bình xét và tuyên dương danh hiệu“Sinh viên 5 tốt”; có giải pháp cụ thể phát huy “Sinh viên 5 tốt” làm động lực phát triển phong trào thông qua các diễn đàn, chương trình giao lưu “Sinh viên 5 tốt”, câu lạc bộ “Sinh viên 5 tốt”.
- Tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà trường, phối hợp với các ban, ngành quan tâm, tạo cơ chế, điều kiện trong việc tổ chức, triển khai phong trào “Sinh viên 5 tốt”, xác định phong trào là một giải pháp tham gia thực hiện nhiệm vụ của địa phương, đơn vị.
- Thực hiện các hoạt động kết nối “Sinh viên 5 tốt” với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để hỗ trợ việc làm, kiến tập, thực tập, học bổng; phát huy gương “Sinh viên 5 tốt” trong việc hỗ trợ triển khai phong trào thông qua các hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm.
- Phát huy vai trò của Báo Sinh viên Việt Nam và các đơn vị truyền thông thuộc Hội Sinh viên các cấp trong tuyên truyền, tổ chức các hoạt động tạo điều kiện cho sinh viên rèn luyện các tiêu chí của danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”.
1.2. Sinh viên vun đắp lý tưởng, rèn luyện đạo đức
- Triển khai hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015 - 2030”; Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020” của Thủ tướng Chính phủ.
- Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua các nội dung: tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, tuyên truyền, giới thiệu các nội dung cốt lõi tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
- Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong sinh viên. Chú trọng công tác tuyên truyền, học tập và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng vào thực tiễn công tác và đời sống sinh viên. Đổi mới cách thức tuyên truyền, học tập, quán triệt và triển khai các Nghị quyết của Đảng, Đoàn, Hội. Vận động sinh viên tham gia tích cực Hội thi “Ánh sáng soi đường”. Mở rộng phạm vi các hoạt động tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng tới sinh viên Việt Nam đang học tập tại nước ngoài.
- Tổ chức đa dạng các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc, các hoạt động về nguồn, hành trình đến địa chỉ đỏ, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc, tôn tạo và phát huy địa danh lịch sử, văn hóa của dân tộc, phối hợp tổ chức “Thắp nến tri ân” vào dịp 27.7 hằng năm. Tổ chức các chương trình giáo dục nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của Đảng, của dân tộc và của Đoàn, Hội. Tổ chức các hoạt động giáo dục về truyền thống học sinh, sinh viên và tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam, các tấm gương cán bộ Hội, hội viên, sinh viên tiêu biểu qua các thời kỳ, các kết quả công tác Hội và phong trào sinh viên Việt Nam.
- Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho sinh viên. Tập trung giáo dục về lòng nhân ái, tính trung thực, tinh thần trách nhiệm, tinh thần hiếu học, yêu lao động, ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường. Phát huy vai trò, ảnh hưởng xã hội tích cực của những tấm gương “Sinh viên 5 tốt”, “Sao Tháng Giêng”, người nổi tiếng, người của công chúng đối với hội viên, sinh viên. Tuyên truyền về những tấm gương, hành động đẹp trên các kênh truyền thông và mạng xã hội. Tiếp tục triển khai cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên mạng xã hội; Cuộc vận động “Hình thành thói quen tốt trong sinh viên”; Chương trình “Sinh viên Việt Nam - Những câu chuyện đẹp”; Chương trình “Tuổi trẻ Việt Nam - Câu chuyện hòa bình”, Chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam”. Chủ động phê bình, đấu tranh với các biểu hiện sai trái, hành vi lệch chuẩn của sinh viên, tích cực bài trừ các tệ nạn xã hội trong và ngoài nhà trường. Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các hoạt động lan tỏa những giá trị tốt đẹp của đất nước đến bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt tại nước ngoài.
- Chú trọng tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng an ninh, nâng cao trách nhiệm của sinh viên với Tổ quốc, với chế độ Xã hội chủ nghĩa, ý thức bảo vệ chủ quyền đất nước, lợi ích quốc gia, dân tộc trong sinh viên.
- Tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền và phổ biến pháp luật trong sinh viên, hướng sinh viên phấn đấu trở thành công dân gương mẫu. Lựa chọn nội dung, đổi mới hình thức tuyên truyền về pháp luật, các chính sách liên quan đến sinh viên. Tổ chức các “Ngày pháp luật”, chương trình “Quốc hội trẻ”. Thành lập và duy trì hoạt động các câu lạc bộ, đội, nhóm tuyên truyền pháp luật, câu lạc bộ Luật gia tương lai trong sinh viên.
- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phát huy ý tưởng, chuyên môn trong việc phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ biên giới, biển, đảo, chủ quyền quốc gia. Đổi mới hình thức tổ chức chương trình “Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc”.
- Đẩy mạnh công tác nắm bắt tình hình, tư tưởng và định hướng dư luận trong sinh viên. Xây dựng tài liệu hướng dẫn phương pháp, kỹ năng nắm bắt, xử lý thông tin tiêu cực, kỹ năng tự phòng ngừa cho đội ngũ cán bộ Hội và sinh viên trong việc đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, bóp méo thông tin của các thế lực thù địch. Phối hợp tổ chức các tổ nắm bắt dư luận sinh viên, đội sinh viên xung kích.
- Đổi mới phương thức giáo dục của Hội theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền, các công cụ nắm bắt và định hướng thông tin cho sinh viên trên internet và mạng xã hội.
1.3. Sinh viên học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học
- Tổ chức các diễn đàn, tọa đàm định hướng ý thức, trách nhiệm và động cơ học tập đúng đắn cho sinh viên; hướng dẫn sinh viên về phương pháp học tập, nghiên cứu khoa học;tư duy độc lập, sáng tạo, nâng cao khả năng tự học, tự nghiên cứu mọi lúc, mọi nơi; nâng cao tính chủ động sinh viên trong tham gia nghiên cứu khoa học.
- Tăng cường tổ chức các cuộc thi học thuật, olympic các môn chuyên ngành; hội nghị nghiên cứu khoa học ở cấp trường, liên trường, liên ngành với sự tham gia của sinh viên, nhà khoa học, giảng viên trẻ và các doanh nghiệp. Tạo môi trường cho sinh viên tham gia các diễn đàn, công bố các kết quả nghiên cứu khoa học.
- Tổ chức các hoạt động khuyến khích sinh viên đọc sách góp phần xây dựng “văn hóa đọc” trong sinh viên. Xây dựng các kênh thông tin hỗ trợ sinh viên quảng bá, giới thiệu các kết quả nghiên cứu khoa học và trao đổi, tham khảo các tài liệu trong và ngoài nước thông qua các thư viện, ngân hàng tư liệu, đề tài trực tuyến. Tiếp tục thực hiện dự án đưa sách từ nước ngoài về Việt Nam. Phát huy vai trò của Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài trong hỗ trợ sinh viên học tập nghiên cứu khoa học.
- Chú trọng phát triển câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm học thuật, phát huy vai trò của đội ngũ giáo viên, giảng viên trẻ trong tư vấn, hỗ trợ hoạt động của các câu lạc bộ, đội, nhóm học thuật. Tổ chức thường xuyên các buổi nói chuyện với các nhà khoa học nổi tiếng, chuyên gia đầu ngành, lãnh đạo địa phương; tổ chức các hoạt động tham quan, kiến tập, thực tập, trải nghiệm thực tế. Tổ chức “Diễn đàn khoa học sinh viên Việt Nam toàn cầu”. Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài tổ chức diễn đàn nghiên cứu khoa học sinh viên quốc tế.
- Tiếp nhận và tập hợp các nguồn lực hỗ trợ sinh viên học tập, nghiên cứu. Phối hợp với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm phát triển, ứng dụng các công trình nghiên cứu của sinh viên vào thực tiễn, tăng cơ hội khởi nghiệp cho sinh viên. Tổ chức các đợt tham quan học tập trao đổi kinh nghiệm với các cơ sở giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh thông qua mô hình “Học tập từ thực tiễn”, “Học kỳ doanh nghiệp”…
- Biểu dương, tôn vinh sinh viên đạt kết quả cao trong các kỳ thi Olympic, nghiên cứu khoa học, trong các cuộc thi học thuật của trường, khu vực, toàn quốc và quốc tế. Tham mưu cơ chế, chính sách hỗ trợ sinh viên học tập, tham gia việc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục đào tạo. Tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành chính sách bồi dưỡng, hỗ trợ và phát huy tài năng trẻ, ý tưởng khởi nghiệp trong sinh viên.
- Tổ chức thường niên các cuộc thi sáng kiến, sản phẩm sáng tạo, các “Ngày hội sinh viên sáng tạo” theo hướng ứng dụng khoa học, công nghệ mới vào giải quyết các vấn đề mới trong thực tiễn. Triển khai cuộc vận động “Mỗi sinh viên một ý tưởng tạo” thông qua việc chia sẻ, trao đổi ý tưởng sáng tạo trên ứng dụng di động “Sáng tạo trẻ”.
1.4. Sinh viên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng
- Tuyên truyền rộng rãi về hoạt động tình nguyện đến hội viên, sinh viên. Nội dung tuyên truyền tập trung vào mục đích, ý nghĩa của các hoạt động tình nguyện, các mô hình cách làm hay, các công trình, tấm gương sinh viên tình nguyện tiêu biểu.
- Tiếp tục triển khai các mô hình “Ngày Thứ bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”; các chiến dịch sinh viên tình nguyện “Mùa hè xanh”, “Tình nguyện Mùa đông”, “Xuân tình nguyện”; chương trình “Tiếp sức mùa thi”, “Tiếp sức đến trường”. Duy trì hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ, đội, nhóm vận động hiến máu tình nguyện, phối hợp tổ chức thực hiện “Ngày hội hiến máu tình nguyện”, xây dựng “Ngân hàng máu sống”, “Ngân hàng máu hiếm” trong sinh viên. Mở rộng, duy trì các hoạt động tình nguyện quốc tế tại Lào, Campuchia; tiếp nhận và điều phối các hoạt động sinh viên quốc tế tình nguyện tại Việt Nam. Tăng cường các hoạt động hướng về Tổ quốc của Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài. Tổ chức tốt các đội hình sinh viên tình nguyện dạy ngoại ngữ. Phấn đấu 100% Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài có hoạt động tình nguyện tại nước sở tại.
- Khuyến khích các cấp bộ Hội tổ chức các chương trình, dự án tình nguyện theo hướng dài hạn, bền vững tại một địa phương. Tổ chức cuộc thi dự án tình nguyện để tăng tính sáng tạo, hiệu quả trong các hoạt động tình nguyện. Tăng cường phối hợp, kết nối giữa các cấp bộ Hội nhằm đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, an toàn trong các hoạt động tình nguyện. Tham mưu các cấp có hình thức ghi nhận, khuyến khích hỗ trợ sinh viên tham gia các hoạt động tình nguyện. Tập trung vào các hoạt động hướng với nhu cầu thực tế, giải quyết các vấn đề cấp bách của địa phương, đơn vị, các địa bàn khó khăn, biên giới hải đảo. Chú trọng thành lập các đội hình chuyên môn của sinh viên tham gia phát triển kinh tế xã hội, tham gia xây dựng nông thôn mới; đô thị văn minh; an toàn giao thông; bảo vệ môi trường, ứng phó với biển đổi khí hậu và an sinh xã hội... Vận động nguồn lực từ sinh viên Việt Namvà xã hội xây dựng 1 công trình tại quần đảo Trường Sa.
- Đẩy mạnh xây dựng, ứng dụng các phần mềm, diễn đàn mạng xã hội kết nối các thông tin, nhu cầu để hoạt động tình nguyện triển khai kịp thời, hiệu quả; phát huy và định hướng các đội nhóm tình nguyện chưa thuộc tổ chức Hội. Cung cấp tài liệu, tổ chức các buổi tập huấn về kỹ năng tổ chức và thực hiện các hoạt động tình nguyện.
1.5. Sinh viên rèn luyện thể chất
- Tuyên truyền rộng rãi trong sinh viên việc học tập và làm theo tấm gương của Bác về rèn luyện thể dục, thể thao, xây dựng ý thức tự giác tập luyện thể dục, thể thao trong sinh viên. Đẩy mạnh triển khai cuộc vận động “Mỗi sinh viên tập luyện một môn thể thao”.
- Tổ chức các hoạt động thể thao phong trào nhằm thu hút sinh viên tham gia tập luyện, thi đấu, rèn luyện sức khỏe, trong đó quan tâm tổ chức các hoạt động thể thao dành cho sinh viên nữ. Hằng năm, các cấp bộ Hội tổ chức “Ngày hội sinh viên khỏe”; định kỳ tổ chức các giải thể thao trong sinh viên. Tăng cường các hoạt động giao lưu thể thao giữa sinh viên các trường trong địa phương, giữa các các trường trong cụm hoạt động. Phối hợp tổ chức giải bóng đá sinh viên toàn quốc hằng năm.
- Nghiên cứu tổ chức một số giải thể thao sinh viên bán chuyên, lâu dài, mang tính hiện đại và hội nhập quốc tế, hướng tới thành tích cao nhằm tạo môi trường để phát hiện, phát huy sinh viên có tài năng thể thao. Mở rộng quy mô tổ chức “Giải thể thao sinh viên Việt Nam” tại nhiều tỉnh, thành phố, bổ sung thêm các môn thể thao trong chương trình thi đấu.
- Củng cố và phát huy các câu lạc bộ, đội, nhóm thể thao của sinh viên. Tham mưu với nhà trường về việc sử dụng các công trình thể thao phục vụ việc rèn luyện sức khỏe của sinh viên. Liên hệ, phối hợp chính quyền địa phương trên địa bàn giới thiệu các địa điểm tập luyện thể dục, thể thao với những chính sách ưu đãi cho sinh viên. Phấn đấu 100% sinh viên có điều kiện tiếp cận các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao. Phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo, ngành y tế, ngành văn hóa, thể thao, du lịch tham mưu các chương trình, đề án nâng cao thể lực, phát triển thể chất, tầm vóc cho sinh viên Việt Nam; quan tâm tư vấn chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hằng ngày cho sinh viên để đảm bảo sức khỏe học tập và rèn luyện.
1.6. Sinh viên chủ động hội nhập quốc tế
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức của sinh viên về hội nhập quốc tế; thời cơ và thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế; mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc chủ động học tập, rèn luyện, nâng cao kiến thức, kỹ năng hội nhập quốc tế.
- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, trang bị kiến thức, kỹ năng ngoại giao, văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử tại các hội nghị, hội thảo, các hoạt động giao lưu quốc tế cho sinh viên.
- Tổ chức “Ngày văn hóa” về cộng đồng ASEAN và các nước trên thế giới. Phối hợp, tham gia tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, thể thao giữa sinh viên Việt Nam với lưu học sinh nước ngoài học tập tại Việt Nam, với sinh viên các trường đại học, cao đẳng khu vực và thế giới.
- Xây dựng và phát huy các câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm ngoại ngữ, tin học, tạo môi trường để sinh viên thực hành tiếng Anh, tin học. Khuyến khích sinh viên sử dụng thành thạo 1 ngoại ngữ và biết thêm 1 ngoại ngữ khác và có khả năng sử dụng công nghệ thông tin.
- Tổ chức định kỳ cuộc thi “Olympic tiếng Anh sinh viên toàn quốc”, “Liên hoan câu lạc bộ, đội, nhóm tiếng Anh toàn quốc”, chương trình English camp, cuộc thi hát tiếng Anh…
- Tổ chức các hoạt động kết nối giữa Hội Sinh viên các tỉnh, thành phố, Hội Sinh viên các trường với Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài, với các tổ chức sinh viên quốc tế. Tổ chức, khuyến khích sinh viên tham gia các hội thảo, diễn đàn, tọa đàm khu vực, quốc tế nhằm tăng cường sự tự tin và năng lựcngoại ngữ.
2. Chương trình tư vấn, hỗ trợ sinh viên
- Tăng cường tìm kiếm các nguồn học bổng hỗ trợ cho sinh viên khó khăn, sinh viên khuyết tật; xây dựng các quỹ hỗ trợ học tập, quỹ khuyến học, khuyến tài, giải thưởng hỗ trợ sinh viên phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng cơ sở Hội. Tiếp tục phát huy Quỹ hỗ trợ và Phát triển sinh viên Việt Nam hướng đến các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập; mở rộng phạm vi hỗ trợ cho sinh viên tài năng, sinh viên có ý tưởng sáng tạo hoặc công trình nghiên cứu khoa học có chất lượng.
Sinh viên trong giờ học môn Công nghệ sinh học - Đại học Nông Lâm TP.HCM Ảnh: Đào Ngọc Thạch

- Chủ động tham mưu với nhà trường, các cấp tạo cơ chế hỗ trợ học phí, kinh phí nghiên cứu khoa học, điều kiện cơ sở vật chất cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong suốt quá trình học tập. Triển khai mô hình vận động mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ một sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Triển khai có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ sinh viên vay vốn từ nguồn vốn Ngân hàng chính sách xã hội, nguồn vốn địa phương, nguồn vốn từ các tổ chức kinh tế xã hội trong sinh viên. Triển khai hiệu quả chương trình “Tiếp sức đến trường” hằng năm. Phấn đấu không có sinh viên phải nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn. Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên Việt Nam đi du học, xin học bổng.
- Tổ chức đánh giá nhu cầu, năng lực sinh viên, cập nhật những yêu cầu kỹ năng trong nghề nghiệp, việc làm định kỳ; tổ chức các hoạt động trang bị kỹ năng thực hành xã hội theo ngành học cho sinh viên trong các hoạt động tập thể, sinh hoạt chi hội, trên diễn đàn, mạng xã hội... Biên soạn tài liệu “Khung kỹ năng thực hành xã hội”, các clip, infographics hướng dẫn một số kỹ năng thực hành xã hội và tiêu chuẩn, cách thức đánh giá kỹ năng của sinh viên. Tổ chức các lớp huấn luyện, tập huấn, các hoạt động tạo môi trường cho sinh viên rèn luyện kỹ năng thực hành xã hội. Chú trọng phát triển các câu lạc bộ kỹ năng trong các nhà trường. Phát huy hiệu quả vai trò các trung tâm, nhà văn hóa sinh viên trong các hoạt động, mô hình giáo dục kỹ năng thực hành xã hội cho sinh viên.
- Thường xuyên khảo sát, nắm bắt nhu cầu việc làm của sinh viên; cung cấp thông tin thị trường lao động và dự báo nhu cầu nhân lực cho sinh viên. Tổ chức các hoạt động đào tạo bồi dưỡng cho sinh viên kỹ năng tìm kiếm việc làm, kỹ năng làm việc. Đổi mới phương thức tổ chức các hoạt động “Ngày hội việc làm”, “Ngày tuyển dụng”, “Tọa đàm sinh viên và nhà tuyển dụng”… Phối hợp xây dựng các “Cổng thông tin việc làm”, tài liệu “Cẩm nang nghề nghiệp” cho sinh viên. Tổ chức cho sinh viên thực tập, tham quan, làm việc thực tế tại doanh nghiệp, tổ chức. Thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động câu lạc bộ “Nguồn nhân lực” trong các nhà trường.
- Thực hiện các giải pháp xây dựng tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong sinh viên. Triển khai hiệu quả Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục tham mưu các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp của sinh viên. Tổ chức các cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong sinh viên”. Xây dựng các ấn phẩm tuyên truyền, bộ tài liệu cung cấp kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm khởi nghiệp; tổ chức các diễn đàn, tọa đàm, giao lưu, khóa đào tạo… nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức cho sinh viên về khởi nghiệp. Thành lập câu lạc bộ khởi nghiệp tại các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng. Xây dựng sàn giao dịch ý tưởng, dự án khởi nghiệp trực tuyến, chia sẻ các mô hình khởi nghiệp thành công; phối hợp với Hội doanh nhân trẻ, các doanh nghiệp hỗ trợ nguồn vốn, chia sẻ kinh nghiệm triển khai các ý tưởng trong thực tiễn.
- Tổ chức đa dạng các loại hình hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong sinh viên. Tổ chức hiệu quả, các hội diễn văn nghệ sinh viên, chương trình “Chào tân sinh viên”. Đẩy mạnh phong trào sáng tác trong sinh viên trên nhiều lĩnh vực, thể loại nghệ thuật. Thường xuyên tổ chức các hoạt động, cuộc thi văn hóa, văn nghệ, chương trình nghệ thuật sinh viên. Phát huy các “Câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật” quần chúng trong sinh viên, định hướng giá trị thẩm mỹ cho sinh viên.
- Thành lập các câu lạc bộ tư vấn tâm lý cho sinh viên. Thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, kịp thời chia sẻ, nắm bắt tâm tư, tình cảm và giúp sinh viên tránh các bệnh lý về tâm lý. Xây dựng bộ công cụ, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho sinh viên. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy, rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích.
- Kiện toàn và phát huy các đơn vị sự nghiệp của Hội các cấp trong việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ sinh viên, hỗ trợ các cấp bộ Hội tổ chức các hoạt động phong trào.
3. Chương trình xây dựng Hội Sinh viên Việt Nam vững mạnh
3.1. Công tác tổ chức cơ sở Hội
- Đổi mới công tác tuyên truyền, giới thiệu về Hội Sinh viên và phong trào sinh viên trong nhà trường và xã hội. Tập trung giới thiệu trên mạng xã hội, phản ánh đầy đủ, kịp thời về hoạt động, kết quả hoạt động của Hội Sinh viên các cấp. Biên soạn“Tài liệu tuyên truyền về tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam”.
- Đổi mới, hoàn thiện tổ chức và cơ chế hoạt động của Hội Sinh viên các cấp. Đảm bảo vai trò nòng cốt chính trị của Đoàn Thanh niên trong định hướng hoạt động Hội, công tác cán bộ của Hội. Nâng cao công tác quản lý của Hội trong thành lập, tổ chức và hoạt động của câu lạc bộ, đội, nhóm. Hỗ trợ, định hướng hoạt động và từng bước tập hợp các câu lạc bộ, đội nhóm tự phát.
- Kiên trì kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan hữu quan cơ chế đặc thù trong thành lập Hội Sinh viên cấp tỉnh, cấp trường. Tích cực vận động xây dựng tổ chức Hội Sinh viên tại các trường ngoài công lập, trường quốc tế. Đẩy mạnh công tác phát triển tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài. Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ phát triển thêm ít nhất 2 Hội Sinh viên cấp tỉnh, 2 Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài và 5 Hội Sinh viên trực thuộc các tỉnh, thành phố.
- Thành lập hội đồngtư vấn, đồng hành với Hội Sinh viên các cấp gồm những cá nhân có uy tín, người nổi tiếng trên các lĩnh vực có tầm ảnh hưởng trong xã hội nói chung và với sinh viên nói riêng.
3.2. Công tác hội viên
- Xây dựng các giải pháp đồng bộ trong công tác quản lý hội viên. Thực hiện đúng nguyên tắc, qui trình và thủ tục kết nạp hội viên theo Điều lệ Hội và Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi và đánh giá hội viên. Có giải pháp tích hợp các tiện ích vào thẻ hội viên.
- Nâng cao chất lượng hội viên. Tiếp tục đổi mới phương pháp và hình thức tập hợp sinh viên vào Hội, tăng số lượng kết nạp hội viên mới trong nhiệm kỳ.
- Các cấp bộ Hội, đặc biệt là các chi hội, các câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm tổ chức các hoạt động thiết thực tạo môi trường để hội viên rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành.
3.3. Công tác cán bộ Hội
- Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có chất lượng, trưởng thành từ phong trào sinh viên. Chú trọng công tác phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo nguồn cán bộ Hội, đặc biệt là sinh viên. Đảm bảo cán bộ Hội có bản lĩnh, kiến thức vững về tổ chức Hội, có kinh nghiệm thực tiễn, giỏi kỹ năng trong tập hợp, đoàn kết hội viên và tổ chức triển khai chương trình, hoạt động Hội. Đề cao tính thủ lĩnh và nêu gương của cán bộ Hội.
- Tiếp tục đổi mới công tác bồi dưỡng, tập huấn cán bộ Hội theo hướng phân cấp và theo chức danh. Phấn đấu 100% cán bộ được tập huấn, trang bị kỹ năng, nghiệp vụ. Định kỳ tổ chức hội thi “Thủ lĩnh sinh viên”. Xây dựng, ban hành “Sổ tay cán bộ Hội”. Triển khai nội dung và hình thức tập huấn hấp dẫn, linh hoạt, thiết thực, ưu tiên các nội dung, hình thức trải nghiệm thực tế.
- Xây dựng các công cụ tận dụng thế mạnh mạng xã hội tạo môi trường để cán bộ Hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm công tác, mô hình công tác Hội và phong trào sinh viên.
- Tăng tỷ lệ Chủ tịch Hội Sinh viên các trường đại học, cao đẳng là sinh viên. Tiếp tục tham mưu thực hiện tốt Quyết định số 13/2013/QĐ-TTg ngày 6.2.2013 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trong các cơ sở giáo dục và cơ sở dạy nghề.
3.4. Công tác kiểm tra, thi đua khen thưởng
- Nâng cao nhận thức của cấp bộ Hội và đội ngũ cán bộ Hội Sinh viên về công tác kiểm tra của Hội. Quan tâm củng cố, kiện toàn bộ máy làm công tác kiểm tra; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra.
- Phát huy vai trò của Ban kiểm tra Hội Sinh viên. Duy trì kiểm tra định kỳ, tăng cường kiểm tra theo chuyên đề, đột xuất. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các đợt kiểm tra và việc đánh giá kết quả công tác Hội và phong trào sinh viên. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới hình thức giao ban, kiểm tra trực tuyến để kịp thời theo dõi, kiểm tra công tác Hội Sinh viên các cấp.
- Giám sát việc thực hiện nhiệm vụ và việc tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ Hội, nhất là đội ngũ cán bộ Hội chủ chốt các cấp.
- Xây dựng đồng bộ các quy định, hướng dẫn đánh giá, xếp loại các tổ chức cơ sở Hội; quy chế thi đua khen thưởng. Tổ chức xét, trao giải thưởng 9/1; tuyên truyền, giới thiệu nhân rộng các mô hình, giải phát đạt giải mỗi năm học. Xét chọn, tuyên dương các cơ sở Hội, các cá nhân tiêu biểu kịp thời, đúng người, đúng việc.
3.5. Công tác chỉ đạo
- Tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo theo chuyên đề; tăng cường các hoạt động giao ban trực tuyến giữa các cấp bộ Hội, giữa các cơ sở Hội và với Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài.
- Tăng cường tổng kết thực tiễn, phát hiện và nhân rộng mô hình, giải pháp tiêu biểu trong công tác Hội và phong trào sinh viên. Biên soạn các tài liệu phục vụ triển khai các phong trào; hoàn thiện đồng bộ các quy định, hướng dẫn đánh giá, xếp loại các tổ chức cơ sở Hội.
- Xây dựng kế hoạch, phân công cán bộ theo dõi, phân công đơn vị phối hợp hỗ trợ các đơn vị yếu trong công tác Hội và phong trào sinh viên. Đánh giá sự chuyển biến tích cực của các cơ sở Hội yếu trực thuộc là tiêu chí để đánh giá tổ chức Hội cấp trên. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2018 - 2023 là đại hội của bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo, tình nguyện, hội nhập và phát triển. Những quyết định của Đại hội thể hiện ý chí, khát vọng của sinh viên Việt Nam. Đại hội kêu gọi toàn thể sinh viên Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, thi đua yêu nước, học tập, sáng tạo, xung kích, tình nguyện, hội nhập, hăng hái tham gia phong trào “Sinh viên 5 tốt”, xây dựng Hội Sinh viên Việt Nam vững mạnh, tích cực rèn luyện trở thành nhân lực chất lượng cao, xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh.
---------------------------
1 Theo số liệu tổng kết năm học 2016 - 2017 của Bộ Giáo dục - Đào tạo và số liệu thống kê tính tới 31.12.2017 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ LĐ-TB-XH (Trong đó: 268 đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng sư phạm; 388 cơ sở giáo dục nghề nghiệp hệ cao đẳng); khoảng 100.000 lưu học sinh Việt Nam đang học tập tại 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
2 Một số hình thức tuyên tuyền hiệu quả: Hội Sinh viên TP.HCM mở chuyên mục “Gương mặt Sinh viên 5 tốt” trên trang tin điện tử của Hội và Báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh; Hội Sinh viên Thành phố Hà Nội mở chuyên mục giới thiệu “Sinh viên 5 tốt” trên Báo Tuổi trẻ Thủ đô; Hội Sinh viên tỉnh Bình Dương thực hiện lịch bàn tuyên truyền “Sinh viên 5 tốt”; Hội Sinh viên các trường thuộc Hội Sinh viên thành phố Đà Nẵng thành lập các “Câu lạc bộ Sinh viên 5 tốt”, Báo Sinh viên Việt Nam mở chuyên mục “Nhân vật” giới thiệu nhiều gương sáng “Sinh viên 5 tốt”…
3 Đã có 1.761 hoạt động hỗ trợ sinh viên phấn đấu đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” được tổ chức tại các cấp bộ Hội, thu hút sự tham gia của 357.167 sinh viên.
4 Các cấp bộ Hội đã tổ chức 3.656 hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết và góp ý văn kiện đại hội Đảng các cấp với sự tham gia của 1.955.704 lượt hội viên, sinh viên.
5 Một số mô hình tiêu biểu: hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thi viết “Nhật ký làm theo lời Bác”, trang bị tủ sách “Sinh viên học tập và làm theo lời Bác”, chiếu phim tư liệu các chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trong nhiệm kỳ, đã có 2.763.152 sinh viên đăng ký học tập và làm theo lời Bác, trong đó có 50.502 sinh viên được tuyên dương vì đã tham gia tích cực Chỉ thị 03, Chỉ thị 05.
6 Trong nhiệm kỳ, các cấp bộ Hội tổ chức được hơn 7.504 hoạt động giáo dục truyền thống với sự tham gia của 4.559.472 lượt hội viên, sinh viên.
7 Một số mô hình tiêu biểu: Hội Sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình “Thiêng liêng Tổ quốc Việt Nam”, tổ chức chiến dịch Mùa hè xanh, Xuân tình nguyện tại đảo Thổ Chu (Kiên Giang); Hội Sinh viên tỉnh Bình Dương tổ chức chương trình “Tuổi trẻ Bình Dương hướng về biển, đảo quê hương”…
8 Giai đoạn 2013 - 2018, Trung ương Hội tổ chức 5 chương trình “Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc” tại đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi, đảo Thổ Chu và Phú Quốc - Kiên Giang, đảo Cù Lao Xanh - Bình Định, đảo Cô Tô - Quảng Ninh, đảo Phú Quý - Bình Thuận.
9 Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức Hội thi Tiếng hát sinh viên toàn quốc lần thứ 13 năm 2014; phối hợp với Tập đoàn Viettel tổ chức “Hành trình bài ca sinh viên” thu hút hơn 500 nhóm, CLB âm nhạc, 2.000 sinh viên từ 222 trường đại học, cao đẳng trên cả nước tham gia.
10 Fanpage “Sinh viên Việt Nam những câu chuyện đẹp” thu hút 13.031 lượt theo dõi, trung bình mỗi ngày có 11.026 lượt người tiếp cận với các thông tin đăng tải.
11 Hội Sinh viên các cấp đã tổ chức 2.134 hoạt động tuyên tuyền, phổ biến pháp luật cho sinh viên, thu hút 1.296.849 lượt sinh viên tham gia.
12 Các cấp bộ Hội đã thành lập được 2.408 tổ, đội nhóm thăm dò dư luận sinh viên; tổ chức 2.228 buổi gặp mặt, đối thoại với Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường.
13 Trong nhiệm kỳ, các cấp bộ Hội tổ chức được 2.810 diễn đàn chia sẻ phương pháp học tập, nghiên cứu khoa học và các buổi gặp gỡ, nói chuyện với các nhà khoa học cho 709.758 lượt sinh viên; phát triển và duy trì 5.089 câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm học thuậtvới 409.915 sinh viên tham gia.
14 Hằng năm, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo, các Hội chuyên ngành tổ chức các cuộc thi: Olympic toán học sinh viên, Olympic tin học sinh viên Việt Nam, Olympic Hóa học sinh viên toàn quốc, Olympic Cơ học toàn quốc; phối hợp với Học viện Tài chính tổ chức Hội thi “Olympic Kinh tế lượng toàn quốc” vào các năm 2016, 2017, 2018.
15 Trong giai đoạn 2013 - 2018 đã có 37.600 đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên tham gia dự thi các cấp, trong đó 13.892 đề tài đạt giải thưởng.
16 Đến nay, Quỹ Hỗ trợ và phát triển Sinh viên Việt Nam có 8,7 tỉ đồng vốn điều lệ; trao hơn 2,5 tỉ đồng học bổng cho 404 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
17 Báo Sinh viên Việt Nam tổ chức chuỗi chương trình “Chào tân sinh viên” năm 2014, 2016 và 2017, phát hành “Cẩm nang tân sinh viên”; Trung tâm hỗ trợ và phát triển sinh viên Việt Nam tổ chức chương trình “Ngày hội chào tân sinh viên” năm 2017. Hội Sinh viên Việt Nam tại Đức xây dựng fanpage của Hội, Group của Ban hỗ trợ Sinh viên, Forum của Hội nhằm tư vấn du học trực tiếp và xây dựng cẩm nang du học.
18 Các cấp bộ Hội đã tổ chức 12.231 hoạt động thể thao, tư vấn sức khỏe, tâm lý thu hút 5.624.267 lượt hội viên, sinh viên.
19 Giải thể thao VUG toàn quốc hàng năm với nội dung thi đa dạng: Chạy vượt chướng ngại vật; Nhảy cổ động; Bóng đá nam trong nhà; Nhảy đối kháng. Năm 2018, Giải mở rộng qui mô, tổ chức tại 06 thành phố: Thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ với sự tham gia của 84 trường đại học, cao đẳng, học viện, 272 trận đấu, 1.680 vận động viên, hơn 1 triệu lượt cổ động viên.
20 Cả nước đã có 4.410 CLB, đội, nhóm thể thao sinh viên với đa dạng các bộ môn, thu hút 393.346 sinh viên tham gia.
21 Các cấp bộ Hội đã tổ chức được 97 ngày hội sinh viên khỏe cấp tỉnh, 1.446 ngày hội sinh viên khỏe cấp trường, thu hút 840.129 lượt hội viên, sinh viên; 6.288 giải thể thao được tổ chức thu hút 1,7 triệu lượt sinh viên.
22 Trong nhiệm kỳ, các cấp bộ Hội đã tổ chức 3.026 hoạt động tư vấn giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho1.358.470 lượt hội viên, sinh viên.
23 Các tỉnh, thành đã thành lập được 8.048 đội hình “Tiếp sức mùa thi” với 212.000 lượt hội viên, sinh viên tham gia; hỗ trợ 2.530.900 thí sinh và người nhà thí sinh, huy động hơn 38,798 tỷ đồng tổ chức chương trình.
24 Chiến dịch “Mùa hè xanh”với 6.089 đội hình, thu hút 3.912.253 lượt hội viên, sinh viên tham gia; thực hiện 9.141 công trình, phần việc với tổng nguồn lực huy động đạt trên 81 tỉ đồng.
25 Các cấp bộ Hội đã triển khai 5.324 hoạt động trong chương trình “Tình nguyện mùa đông”, 25.360 hoạt động trong chương trình “Xuân tình nguyện” thu hút 328.545 lượt sinh viên tham gia với tổng nguồn lực huy động đạt trên 57 tỉ đồng.
26 Triển khai 9.073 mô hình an toàn giao thông thu hút 479.760 lượt hội viên, sinh viên tham gia.
27 Vận động 326.530 lượt sinh viên tham gia hiến máu tình nguyện, thu 430.636 đơn vị máu.
28 Triển khai 287 đội hình sinh viên Việt Nam tình nguyện tại Lào với 18.352 lượt hội viên, sinh viên tham gia.
29 Hội thi Olympic tiếng Anh sinh viên toàn quốc lần thứ I thu hút 101.246 sinh viên đến từ 593 trường đại học, cao đẳng; Liên hoan các câu lạc bộ, đội, nhóm tiếng Anh toàn quốc lần thứ Ivới sự tham gia của 133 câu lạc bộ tiếng Anh thuộc 87 trường cao đẳng, đại học, học viện. Chương trình giao lưu “Gặp gỡ Việt Nam” có sự tham gia của 252 đại biểu là sinh viên nước ngoài đến từ 16 nước và vùng lãnh thổ đang học tập tại Việt Nam.
30 Thành lập và duy trì hoạt động của 2.459 câu lạc bộ ngoại ngữ cấp trường,157.835 sinh viên tham gia; 903 câu lạc bộ tin học, 59.713 sinh viên tham gia. Một số hoạt động tiêu biểu: Hội Sinh viên tỉnh Bình Dương tổ chức chương trình “Ngày hội sinh viên với cộng đồng ASEAN”; Hội Sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức “Ngày hội sinh viên với ngoại ngữ - English Camp”; Hội Sinh viên TP. Cần Thơ tổ chức Cuộc thi “Olympic Tiếng Anh”; Hội Sinh viên tỉnh Bình Định tổ chức chương trình “Trại hè Việt Nam”; Hội Sinh viên tỉnh Phú Yên tổ chức Hội thi Olympic Tiếng Anh với chủ đề “Hành trình theo chân Bác” …
31 Các cấp bộ Hội đã tổ chức 2.428 buổi cung cấp thông tinđối ngoại thu hút 1.078.367 lượt sinh viên tham gia.
32 Hội Sinh viên Việt Nam tại Anh tổ chức chương trình “SVUKs Got Talent - Cuộc thi tìm kiếm tài năng Việt Nam tại Anh quốc”, các chương trình Âm nhạc, văn hóa thường niên của một số Vietsoc, chuỗi sự kiện “SVUK - The A Generation” (2017); Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp tổ chức Diễn đàn Du học Pháp tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Huế; Hội Sinh viên Việt Nam tại Đức tổ chức Cuộc thi Miss Sinh viên Việt Nam qua ảnh, Cuộc thi Tìm kiếm tài năng sinh viên - SiViTa Online 2014; Hội Sinh viên Việt Nam tại Hà Lan triển khai chuỗi chương trình “Dinner with Little Dutchie & We click” (2017) giới thiệu ẩm thực đặc trưng của Việt Nam.
33 Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam cử đoàn công tác tham dự Hội trại thanh niên, sinh viên Việt Nam tại châu Âu lần thứ 1 tại Berlin, CHLB Đức; lần thứ 2 tại Paris, Pháp; lần thứ 3 tại Prague, Cộng hòa Séc.
34 Trong 5 năm đã tổ chức được 24.200 hoạt động trang bị kỹ năng thực hành xã hội cấp trường, thu hút 903.637 lượt sinh viên.
35 Một số trường sử dụng các công cụ quản lý hội viên qua dropbox, Google Docs, website các trường.
36 Trung ương Hội tổ chức 03 Hội nghị tập huấn toàn quốc, 06 Hội nghị tập huấn khu vực.Các cấp bộ Hội đã tổ chức 5.160 lớp bồi dưỡng, tập huấn cho 289.923lượt cán bộ Hội.
37 Thành lập Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Quảng Nam, Long An, Đắk Lắk, Quảng Ninh, Sơn La, Kiên Giang.
38 Thành lập Hội Sinh viên Việt Nam Trường cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang, Cao đẳng sư phạm Ninh Thuận, Cao đẳng Sư phạm Lào Cai, Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, trường Đại học Tân Trào, Đại học Phan Thiết, Phân hiệu trường Đại học Bình Dương tại Cà Mau.
39 Thành lập Hội Sinh viên Việt Nam tại Anh, Hungary, Thái Lan.
40 Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam ban hành Hướng dẫn số 87-HD/TWHSV ngày 13/12/2016 về việc hướng dẫn một số vấn đề tổ chức và hoạt động của Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài; ban hành Thông báo số 03TB/TWHSV ngày 27/3/2017 về việc phân công và phối hợp hoạt động giữa Hội Sinh viên các thành phố với Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài.
41 Trung ương Hội ban hành quy chế thi đua khen thưởng sửa đổi; ban hành hướng dẫn thi đua từng năm học, thang điểm đánh giá, xếp loại thi đua công tác Hội và phong trào sinh viên đối với từng cấp bộ Hội.
42 Trung ương Hội tổ chức 21 đoàn kiểm tra 17 Hội sinh viên cấp tỉnh và 44 Hội sinh viên trường. Nội dung kiểm tra:chương trình năm học, kết quả triển khai thực hiện phong trào “Sinh viên 5 tốt”, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội Sinh viên các cấp, công tác nắm bắt tình hình tư tưởng và định hướng dư luận sinh viên, công tác phát triển tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam, các chuyên đề, đợt hoạt động theo chỉ đạo của Trung ương Hội.
43 Hội Sinh viên cấp tỉnh và cấp trường tổ chức 229 đoàn kiểm tra định kỳ và 271 đoàn kiểm tra theo chuyên đề đối với các cơ sở Hội trực thuộc.
44 Trong nhiệm kỳ, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam trao tặng 09 Giải thưởng 9/1 dành cho các tập thể, cá nhân có mô hình, giải pháp, sáng kiến tiêu biểu; Ban hành Quy định tiêu chuẩn xét chọn danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" và tập thể "Sinh viên 5 tốt" cấp Trung ương (sửa đổi, bổ sung); Ban hành Quy chế Giải thưởng “Sao Tháng Giêng” (sửa đổi, bổ sung).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.