"SÀN" GIẢNG DẠY TRỰC TUYẾN
Là sinh viên y nhưng đam mê công nghệ và nhận thức được những giá trị mà chuyển đổi số mang lại, Nguyễn Đình Nguyên, sinh viên năm cuối Trường ĐH Y Dược TP.HCM, đã thành lập công ty công nghệ để đồng hành cùng sinh viên và nhân viên y tế trong quá trình lĩnh hội tri thức, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và tìm kiếm cơ hội việc làm.
Kể về quá trình từ một sinh viên y nhưng rẽ hướng thành lập công ty công nghệ, Nguyên cho biết xuất phát từ việc học y kiến thức nhiều, nhưng không có công cụ nào để hệ thống hóa và hỗ trợ, nên Nguyên lập ra trang web giúp ôn tập thi trắc nghiệm.
Đây là nơi tập hợp những đề thi mẫu, có phần đáp án và giải thích đi kèm, cũng như trích dẫn các nguồn để sinh viên tìm vào đọc.
"Lúc đầu chỉ giới thiệu cho những bạn quen biết dùng thử web, trong vòng 6 tháng đã lên đến khoảng 7.000 người trên toàn quốc tham gia, có cả sinh viên y Hà Nội, Thái Bình, Cần Thơ, Huế, Tây nguyên…", Nguyên kể.
Nguyên cũng cho biết thêm: "Sau đó không chỉ có sinh viên mà nhân viên y tế tuyến cơ sở ở các huyện vùng sâu vùng xa, có cả những anh chị sau đại học cũng vào trang web để học… Đó là động lực giúp mình lên ý tưởng lập công ty để việc vận hành được bài bản hơn. Nhưng chưa gì thì dịch Covid-19 bùng phát và thế là mình đi "nhập ngũ" (vào tuyến đầu - PV) chống dịch, nên việc vận hành công ty tạm thời phải gác lại".
Khi dịch bệnh được kiểm soát, Nguyên gặp được nhà đầu tư, nhìn thấy nhiều triển vọng phát triển, anh chàng bắt đầu đổi tên công ty thành Doccen và chuyển hướng hoạt động.
"Không phải tự đầu tư tiền, công sức ra để làm nội dung nữa, mà tụi mình tạo nền tảng có đủ các công cụ để dạy học trực tuyến. Cũng giống như các sàn thương mại điện tử, các đơn vị muốn bán sản phẩm sẽ lên đó mở gian hàng để người dùng tiếp cận và mua trực tuyến. Doccen của tụi mình cũng giống như vậy. Tụi mình xây dựng một nền tảng, nơi mà mọi người (giảng viên hoặc các đơn vị về giáo dục - PV) muốn giảng dạy trực tuyến nhưng không có đội ngũ công nghệ thông tin, họ có thể lên Doccen tạo kênh và dạy, cũng như chia sẻ được khóa học trên đây tùy vào mục đích, và người có nhu cầu sẽ lên học", Nguyên chia sẻ.
DỄ SỬ DỤNG, AN TOÀN VÀ BẢO MẬT
Giải thích về lý do chuyển hướng hoạt động của công ty, Nguyên cho biết qua tiếp xúc và tìm hiểu, thấy ở các TP lớn bác sĩ rất nhiều, còn ở quê thì ngược lại. Nhưng phần lớn không chỉ do vấn đề về thu nhập, mà nhiều bác sĩ trẻ cho rằng về quê sẽ không phát triển được.
"Không phát triển ở đây là năng lực của bản thân, không cập nhật kịp các kiến thức mới… nên ai cũng cố bám lại TP. Mình hỏi chuyện sinh viên y ở các trường khác ngoài TP.HCM, các bạn cho biết không có giảng viên cơ hữu nhiều, cũng không đa dạng cách học hay tài liệu như ở TP.HCM. Lúc đó mình đã nghĩ tại sao không có cách nào để giảng viên ở TP.HCM cũng có thể dạy được những nơi khác", Nguyên kể.
Nguyên phân tích thêm: "Các hội nghị, hội thảo khi ấy cũng chỉ làm trên Zoom là chủ yếu, nhưng mình thấy nhiều người phải bỏ công ăn việc làm để tham gia ngay trong ngày hôm đó. Vậy tại sao không tổ chức thành một khóa học trực tuyến như các nền tảng nước ngoài, rồi khi nào có thời gian người dùng sẽ vào học, hoàn thành xong thì cấp chứng chỉ cho họ. Và thế là Doccen của tụi mình ra đời".
Nguyên cho biết Doccen tập trung vào mảng công nghệ, tức là phát triển tính năng, thuật toán để làm sao nền tảng dễ sử dụng, an toàn và bảo mật nhất. Sắp tới công ty sẽ tập trung thêm vào tìm đầu ra cho người học trên Doccen. Tháng 9, công ty sẽ thử nghiệm những tính năng liên quan đến tuyển dụng, tìm kiếm cơ hội học bổng du học cho người dùng.
Nguyên cho rằng: "Ngành y là ngành đặc thù, khi có công nghệ mới, đối với các ngành khác sẽ dễ ứng dụng, nhưng ngành y liên quan đến tính mạng của con người nên thường sẽ có xu hướng thận trọng hơn để đảm bảo an toàn. Khi mình tiếp xúc với những ngành khác thì thấy được tốc độ phát triển và cách họ suy nghĩ để giải quyết một vấn đề dựa trên công nghệ khá là hay, cũng như có nhiều cái lạ hơn".
Theo Nguyên đa phần khi nhắc đến công nghệ trong y tế sẽ suy nghĩ đến việc làm sao sáng tạo ra máy móc hay thiết bị phục vụ cho bệnh nhân. Nhưng đầu ngược lại là phát triển cho nhân viên y tế thì chưa được quan tâm đầy đủ.
"Nhân viên y tế nếu được quan tâm và hỗ trợ để phát triển bản thân, gia tăng thu nhập thông qua việc cập nhật kiến thức liên tục, tìm kiếm cơ hội công việc phù hợp thì sẽ có cuộc sống tốt hơn, từ đó chăm sóc cho bệnh nhân cũng tốt hơn. Và tụi mình đang trên hành trình tạo ra những tính năng công nghệ hỗ trợ tốt nhất cho nhân viên y tế", Nguyên tâm huyết.
Hiện tại, Doccen đã lọt top 50 dự án xuất sắc nhất của Startup Wheel 2023 (50/2.000 dự án tham gia), tiếp tục tranh tài tại vòng chung kết trong thời gian tới.
Giải pháp cho ngành y
PGS-TS Ngô Quốc Đạt, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết nhà trường luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho sinh viên sáng tạo, nghiên cứu những cái mới. Nguyên thuộc một trong những lứa sinh viên học chương trình đổi mới của trường, từ thực tế trong chương trình học, đặc biệt là đối với ngành y khoa lượng kiến thức rất khổng lồ, tài liệu đến từ nhiều nguồn khác nhau, nên đặt ra vấn đề chuẩn hóa, làm sao để tiếp cận các nguồn tài liệu một cách chính thống. Từ ý tưởng này, Nguyên phát triển Doccen dựa trên nền tảng công nghệ.
"Nền tảng công nghệ của Nguyên đã mang đến giải pháp cho ngành y, một ngành đặc thù phải cập nhật kiến thức liên tục. Nguyên đã dựa trên công nghệ để giúp người học tiếp cận kiến thức dễ dàng, nhanh chóng. Nhìn chung nền tảng này giúp ích rất nhiều, đầu tiên là đối với sinh viên sẽ có một diễn đàn về chuyên môn, có nguồn tài liệu chính thống để học và nghiên cứu. Đối với nhân viên y tế khi ra trường lâu năm, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa không có nhiều cơ hội để tiếp cận kiến thức liên tục, nên thông qua Doccen cũng có một kênh chính thống để có thể học tập suốt đời, cập nhật kiến thức mới", PGS-TS Ngô Quốc Đạt nhìn nhận.
Bình luận (0)