Năm 2015 được xem là thời điểm có nhiều biến chuyển ở thị trường smartphone trong nước. Trong đó, Bphone của Bkav có lẽ là chiếc smartphone gây nhiều tranh cãi nhất trong suốt một thời gian dài.
Bphone có lẽ là chiếc smartphone thương hiệu Việt "ồn ào" nhất năm 2015 - Ảnh: T.Luân |
Thiếu vắng thương hiệu smartphone Việt trên các bảng xếp hạng
Theo báo cáo thị trường, được đại diện FPT Shop công bố vào tháng 11.2015, hầu hết các thương hiệu smartphone đầu bảng được kể tới đều là sản phẩm ngoại nhập. Các thương hiệu như Samsung, Apple iPhone được người dùng ưa chuộng hơn cả.
Đáng chú ý, nếu xét về cả doanh thu, hoặc doanh số, các thương hiệu smartphone thuần Việt như Q-mobile hay Mobiistar đều không xuất hiện trong bảng xếp hạng này. Riêng với Bphone của Bkav, sản phẩm không được bán lẻ tại FPT Shop nên không được xếp hạng.
Nhìn từ những báo cáo này, dễ thấy một thực trạng không thể phủ nhận, điện thoại “Made in Việt Nam” hiện vẫn chưa có được chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong nước. Ngay cả tên tuổi Bphone của Bkav, chiếc smartphone nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dùng, vẫn chưa có được động thái chuyển biến tích cực.
Gần đây nhất, Bphone chính thức được Bkav phân phối theo hình thức bán lẻ tại một số hệ thống cửa hàng miền Bắc. Nhưng sau khoảng 2 tháng bán lẻ, những con số về Bphone vẫn khá ít ỏi, dù cho trước đó, Bkav từng tung ra một vài chương trình giảm giá, trả góp có giới hạn.
Thương hiệu ROVI (HKphone) đã chính thức chia tay thị trường Việt Nam - Ảnh: HKphone
|
Năm 2015 cũng là thời điểm chứng kiến sự chia tay của nhiều thương hiệu smartphone Việt với thị trường trong nước. Cụ thể, trong quý 3/2015, nhiều người dùng khá bất ngờ khi hay tin, thương hiệu di động ROVI (trước đây là HKphone) đã phải chia tay thị trường Việt Nam.
Ban đầu, ROVI âm thầm đóng cửa nhiều showroom tại TP.HCM với lý do chuyển địa điểm, nhưng sau cùng là động thái gỡ bỏ biển hiệu. Nhìn chung, việc ROVI bị loại khỏi thị trường Việt Nam đã được nhiều chuyên gia dự đoán từ trước đó.
Bởi một lý do khá đơn giản, sau khoảng 36 tháng hoạt động liên tục trong lĩnh vực di động, công nghệ thông tin, ROVI (HKphone) đã không còn duy trì được sức ảnh hưởng trên thị trường trong nước, đồng thời thiếu đi sức cạnh tranh vốn có, khi so sánh với các thương hiệu ngoại nhập hiện nay.
Tương tự như vậy, trong thời điểm cuối năm nay, Q-mobile, một thương hiệu smartphone khác của Việt Nam cũng buộc phải đổi tên trên thị trường di động. Với tên gọi mới là Q, thương hiệu này sẽ chính thức rút khỏi phân khúc điện thoại giá rẻ, chỉ tập trung vào một dòng smartphone trung cấp nhất định.
Bphone của Bkav vẫn chưa chứng tỏ được sức hút trên thị trường - Ảnh: T.Luân
|
Dạo một vòng các thương hiệu smartphone “Made in Việt Nam” hiện tại, phần lớn các nhà sản xuất trong nước đều chỉ tập trung vào 2 phân khúc chính: smartphone trung cấp, và điện thoại giá rẻ phục vụ cho người dùng là học sinh, sinh viên, những người có thu nhập thấp.
Nếu xét về thời điểm khoảng 2-3 năm về trước, khi mà hầu hết các thương hiệu smartphone tới từ Trung Quốc chưa tràn ngập thị trường Việt Nam, phân khúc điện thoại giá rẻ là sân chơi dễ thở cho các nhà sản xuất nội địa.
Thế nhưng, tính cho tới thời điểm hiện tại, đây dường như lại trở thành điểm yếu của các nhà sản xuất trong nước. Khi mà lợi thế về giá cả, mẫu mã và thậm chí là chất lượng không còn, sức cạnh tranh từ smartphone “Made in Việt Nam” tại phân khúc giá rẻ đã giảm đi trông thấy.
Trong khi đó, tại phân khúc điện thoại cao cấp, Bphone từng được kỳ vọng sẽ đương đầu với các thương hiệu lớn như Samsung, hay Apple vẫn chưa thể hiện được những phẩm chất tốt nhất của mình. Có chăng, yếu tố thành công nhất với Bphone chỉ là truyền thông, thay vì một siêu phẩm thực thụ của người Việt.
Bình luận (0)