Số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội đang tăng theo tuần

Liên Châu
Liên Châu
25/05/2023 09:07 GMT+7

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong khi số ca mắc thủy đậu, tay chân miệng giảm thì sốt xuất huyết (SXH) có xu hướng gia tăng.

Từ ngày 12 - 19.5 có 20 ca được ghi nhận, tăng 4 ca so với tuần trước đó. Từ đầu năm đến nay, TP.Hà Nội ghi nhận 268 ca mắc SXH tại 27/30 quận, huyện, thị xã; 143/579 xã, phường, thị trấn của TP đã có ca bệnh. Trong hơn 5 tháng đầu năm nay, TP đã ghi nhận 14 ổ dịch SXH tại 9 quận, huyện gồm: Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Thạch Thất, Hà Đông, Thanh Oai, Hoài Đức, Tây Hồ.

Số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội đang tăng theo tuần - Ảnh 1.

Nhân viên y tế hướng dẫn người dân phòng chống SXH

Theo nhận định của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP.Hà Nội, dịch SXH có thể gia tăng nhanh trong thời gian tới, do điều kiện thời tiết hiện thuận lợi cho lăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển. Hiện số ca mắc đang tăng theo tuần, dự báo có thể ghi nhận bệnh nhân (BN) nặng và tử vong tăng so với năm 2022. Trong khi đó, một số trung tâm y tế tuyến quận, huyện phản ánh có một số khó khăn, tồn tại cần tháo gỡ, như mua sắm vật tư, hóa chất phòng chống dịch.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết đã đề nghị CDC Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các đơn vị triển khai thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh; thông báo chỉ số nguy cơ đối với từng quận, huyện, thị xã, khu vực nguy cơ cao về SXH, cảnh báo cho người dân; rà soát lại công tác xét nghiệm mẫu, thống nhất với các đơn vị về việc gửi mẫu xét nghiệm đảm bảo hiệu quả, đáp ứng kịp thời cho phòng chống dịch. Cùng với đó, các đơn vị tăng cường tuyên truyền phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết để người dân tự giác thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải gây đọng nước, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín các dụng cụ chứa nước sinh hoạt để phòng bệnh SXH.

Trong năm 2022, toàn TP ghi nhận 19.779 ca mắc, tại 30/30 quận, huyện, thị xã; số ca mắc tại khu vực ngoại thành chiếm 53,1%, nội thành chiếm 46,9%. 45% BN điều trị tại bệnh viện, cơ sở y tế tuyến quận, huyện; 29% BN điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh, TP và 21% tại tuyến T.Ư; chỉ 5% BN điều trị tại trạm y tế và tại nhà. Số ca mắc có xu hướng tăng dần từ 0 - 40 tuổi, phần lớn ở nhóm tuổi học sinh và người lao động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.