Số ca mắc và tử vong ở TP.HCM đều đang giảm sâu

Duy Tính
Duy Tính
27/12/2021 05:49 GMT+7

Số lượng ca mắc, nhập viện và tử vong vì Covid-19 tại TP.HCM trong những ngày qua giảm đã phát tín hiệu lạc quan trong phòng, chống dịch tại TP.

Ngày thứ 7 liên tiếp có số ca mắc dưới 1.000

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, ngày 26.12, TP.HCM ghi nhận 544 ca mắc Covid-19, đứng thứ 10 trong các địa phương có số ca mắc mới và chỉ có 36 ca tử vong trong ngày này. Trước đó ngày 25.12, TP.HCM phát hiện 885 ca mắc Covid-19 mới. Trong đó, có 627 ca sàng lọc tại bệnh viện, 51 ca phát hiện tại cộng đồng và 207 ca được lấy mẫu sau khi chuyển vào cơ sở cách ly tập trung quận, huyện và bệnh viện dã chiến.

Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện dã chiến đa tầng Tân Bình, TP.HCM

Nhật Linh

Như vậy, ngày thứ 7 liên tiếp TP.HCM có số ca mắc Covid-19 dưới 1.000. Cũng trong ngày 25.12, TP.HCM đứng thứ 3 trong số các tỉnh có số ca mắc cao, sau Hà Nội (1.846), Tây Ninh (946 ca).

So với những ngày đầu tháng 12, số ca nhập viện tầng 2, tầng 3 giảm trên 5.000 ca; số ca F0 cách ly tập trung giảm gần 4.000 ca và số ca F0 cách ly tại nhà giảm gần 20.000 ca.

Số ca tử vong trong những ngày qua đã bắt đầu giảm (ở mức dưới 50 ca, tính luôn số ca các tỉnh), có ngày chỉ bằng 50% so với các ngày cao điểm đầu tháng 12.

Covid-19 sáng 27.12: Cả nước 1.651.673 ca nhiễm | Tiêm vắc xin ngay cho F0 vừa khỏi bệnh

Hiệu quả của nhiều biện pháp

Việc giảm số ca mắc, nhập viện và tử vong những ngày qua đã phát ra tín hiệu lạc quan trong phòng chống dịch tại TP.HCM. Theo nhận định của TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, điều này là hiệu quả của nhiều biện pháp dự phòng, vắc xin, điều trị và đặc biệt là chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ. Từ ngày 8.12, số ca tử vong đã có xu hướng đi xuống từ 70 - 80 ca/ngày còn 40 - 50 ca/ngày.

Nhưng liệu việc giảm này có bền vững? “Có hiện tượng giảm nhưng chưa có đủ cơ sở để khẳng định có bền vững hay không. Cho nên phải theo dõi tiếp tục quyết liệt trong thời gian tới để bảo đảm bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ. Cụ thể, nếu người chưa bệnh thì bảo vệ để không mắc bệnh, bảo vệ không bị mắc bệnh từ người thân và người chăm sóc, bảo vệ bằng vắc xin. Còn nếu mắc bệnh thì phát hiện sớm để điều trị ngay bằng thuốc kháng vi rút. Thời gian tới, còn phải tùy thuộc vào nhiều yếu tố chưa thể dự báo chính xác được hết, như sự xuất hiện của các biến chủng mới, sự kháng vắc xin, kháng thuốc (nếu có)...”, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu nói và nhấn mạnh thêm, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ là trách nhiệm của mọi người. Mặt khác, đó còn là ý thức của người trẻ trong việc đảm bảo an toàn dịch tễ trong sinh hoạt, giao tiếp..., nhất là dịp lễ tết sắp đến.

Nói về nguy cơ thiếu ô xy phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM, theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, thời kỳ cao điểm, TP.HCM cần 300 - 350 tấn/ngày và lúc đó các công ty sản xuất khí công nghiệp đều tập trung sản xuất ô xy y tế. Hiện nay nhu cầu TP.HCM là khoảng 150 tấn/ngày, nhưng chỉ có 2 công ty cung cấp ô xy y tế, còn lại quay lại sản xuất khí phục vụ các nhà máy công nghiệp, chưa kể nhu cầu có xu hướng tăng ở các tỉnh phía nam. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương phối hợp Bộ Y tế, UBND các tỉnh có biện pháp bảo đảm nguồn ô xy y tế phục vụ công tác điều trị trong các tình huống. Trước mắt, chỉ đạo giải quyết ngay đối với TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.