Chỉ riêng tại Bệnh viện Ung Bướu - TPHCM năm 2011 đã ghi nhận gần 17.000 ca mắc ung thư mới, tăng gần gấp 3 lần so với 5 năm trước.
|
Mới đây, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tách khối u bướu giáp khổng lồ dạng nang ác tính cho một bệnh nhân ở tỉnh Bình Phước. Dù ca phẫu thuật thành công nhưng bệnh nhân này phải điều trị bằng i-ốt phóng xạ suốt đời để diệt tế bào.
Nhiều người chủ quan
Bệnh nhân nói trên bị khối u kéo dài từ cổ họng xuống lồng ngực, chèn ép gây hẹp khí quản, khó thở suốt 17 năm qua. Các bác sĩ còn xác định L. liệt dây thanh, dãn buồng tim, hở van tim hai lá do ảnh hưởng máu nuôi khối u quá nhiều. BS Trần Minh Thông, Trưởng Khoa Giải phẫu bệnh - Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết tình trạng thiếu i-ốt đang khiến số bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp gia tăng (chiếm khoảng 1,5% số ung thư ở người lớn và 3% ở trẻ em).
Trong khi đó, ung thư trực tràng đã biến anh N.L.N (36 tuổi, quê Vĩnh Long) từ người đàn ông vạm vỡ, nặng 74 kg xuống còn chưa đầy 50 kg chỉ trong một tháng. Trước đó, anh N. thường bị tiêu chảy kéo dài, sau đó táo bón, đi tiêu ra máu. Một thời gian sau, các triệu chứng hết nên anh chủ quan, không đi bệnh viện, đến khi khám bệnh thì ung thư đã di căn.
Cao nhất là ung thư phổi
BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu, cho biết số ca mắc ung thư đang tăng báo động. Năm 2006, bệnh viện này phát hiện gần 5.600 ca ung thư mới thì đến năm 2011, con số này lên gần 17.000, tăng gần gấp 3 lần. Theo TS-BS Bùi Diệu, Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội), tỉ lệ mắc ung thư của phụ nữ ở khu vực phía Bắc cũng tăng nhanh với 10 loại ung thư thường gặp nhất là ung thư vú, đại-trực tràng, dạ dày, phổi, cổ tử cung, tuyến giáp, gan, buồng trứng, hạch và vòm họng. Nguy cơ mắc bệnh tăng dần theo tuổi tác, đặc biệt sau 40 tuổi.
Số liệu của Bệnh viện 103 (Hà Nội) cũng cho thấy ung thư vú và phổi đang dẫn đầu danh sách các loại ung thư hiện nay. Cụ thể, tại bệnh viện này, trong số hơn 2.600 bệnh nhân điều trị ung thư 2 năm gần đây thì nam giới bị ung thư phổi nhiều nhất (18,3%), kế đến là dạ dày (14,7%) và gan (14,7%); còn nữ giới thì dẫn đầu là ung thư vú (22%), sau đó là ung thư dạ dày (12,1%) và phổi (10,4%).
Nên khám bệnh 6 tháng/ lần
Các chuyên gia y tế cho biết bệnh ung thư diễn tiến âm thầm nên người bệnh ít khi biết. Khảo sát của Bệnh viện 103 cho thấy 71,5% bệnh nhân khi được phát hiện ung thư thì đã ở giai đoạn 3 và 4.
Phân tích nguyên nhân khiến số người mắc ung thư gia tăng hiện nay, các chuyên gia cho rằng phần lớn là do lối sống, môi trường sống. Theo GS-BS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, gần 50% số người mắc bệnh ung thư trên thế giới có thể phòng ngừa được bằng cách thay đổi thói quen ăn uống, dinh dưỡng, vận động; bỏ bớt thuốc lá, bia, rượu...
Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo rằng mặc dù phương tiện kỹ thuật điều trị ung thư ngày càng hiện đại nhưng hiệu quả cứu sống hoặc kéo dài sự sống bệnh nhân vẫn chưa như mong đợi do phát hiện bệnh muộn. Vì vậy, tốt nhất là người bệnh cần ý thức phòng tránh bằng cách điều chỉnh lối sống, thăm khám thường xuyên 6 tháng/lần để phát hiện, can thiệp bệnh sớm trước khi quá muộn.
Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo: Những thập niên gần đây, bệnh ung thư ngày càng có xu hướng gia tăng ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Tuy nhiên, 40% ca ung thư có thể phòng tránh được nếu phát hiện cơ chế gây ung thư, chẩn đoán, điều trị, tầm soát và xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Hơn 50% tử vong do can thiệp muộn
Theo Hội Ung thư TPHCM, mỗi năm nước ta có khoảng 150.000-200.000 ca ung thư, trong đó trên 50% tử vong do can thiệp muộn. Hiện 20% số người mắc ung thư trên thế giới là do các tác nhân nhiễm virus, vi khuẩn và ký sinh trùng. Cụ thể là ung thư do vi khuẩn H.Pylori chiếm 5,5%, virus cổ tử cung HPV (5,2%), virus viêm gan EBV (1%), virus HIV (0,8%), sán máng (0,1%) và sán lá gan (0,02%).
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)