Lẽ thường điện thoại di động là phương tiện liên lạc của cá nhân, nhưng đồng thời cũng là công cụ hỗ trợ đắc lực cho công việc. Chính vì vậy mà đối với một số cán bộ, công chức, hằng tháng nhà nước phải chi tiền hỗ trợ để họ thanh toán cước phí điện thoại di động.
Cũng chính vì lẽ đó mà trên website của UBND tỉnh Đồng Tháp (https://dongthap.gov.vn) số điện thoại bàn và điện thoại di động của các cá nhân từ bí thư, phó bí thư tỉnh ủy; chủ tịch, các phó chủ tịch UBND tỉnh, đến giám đốc, phó giám đốc các sở, ban, ngành, tất cả đều được công khai, kể cả các ngành như công an, kiểm sát, tòa án, thanh tra, tư pháp, hải quan, thuế vụ… Ở cấp huyện và thành phố cũng vậy.
Trên đường phố, từ tỉnh đến huyện, xã, của tỉnh Đồng Tháp, tới đâu bạn cũng có thể nhìn thấy tấm bảng ghi số điện thoại của công an xã, phường, được treo ở thân cây, cột điện… để trong những trường hợp khẩn cấp, người dân có thể gọi ngay tới công an.
Ông Bùi Quốc Nam, Chánh văn phòng UBND TP Sa Đéc, từng khẳng định với phóng viên rằng: “Anh có thể gọi bất cứ số điện thoại của công an xã, phường nào được treo công khai ở ngoài đường. Tôi bảo đảm với anh sẽ có người nghe máy”.
Đó là chuyện ở Đồng Tháp. Trong khi đó thì hiện nay ở không ít địa phương, các quan chức nhà nước có “thói quen” chỉ nghe số điện thoại có lưu trong danh bạ chớ không nghe số máy lạ. Thậm chí, có những quan chức cho dù là “số máy quen” vẫn không nghe máy, hoặc nếu gọi nhiều lần quá thì họ nói cụt ngũn: “Tôi bận”, rồi cúp máy!
Kỳ cục nhất là chuyện “giấu” số điện thoại. Ví dụ như mới đây, sau khi xác minh trường hợp một doanh nghiệp tranh chấp với các hộ dân ở huyện nọ, vì muốn nghe ý kiến của cơ quan chức năng nên chúng tôi tới liên hệ với Phòng Kinh tế huyện. Tuy nhiên, vì “các lãnh đạo đều đi vắng hết” nên tôi xin số điện thoại của ông trưởng phòng, nhưng các nhân viên ở đây dứt khoát không cho “vì không được phép”(!)
Cũng ở huyện này, hôm đó chúng tôi tới một trường trung học trình thẻ nhà báo và xin gặp ban giám hiệu. Nhưng bị ông bảo vệ chặn lại và hỏi “có hẹn trước hay không?” Tất nhiên là không vì đâu biết số điện thoại. Vì vậy ông bảo vệ yêu cầu chúng tôi đứng chờ. Vậy là sau khi đi một vòng rồi trở lại, ông bảo vệ thông báo “lãnh đạo đi họp hết”. Chúng tôi hỏi xin số điện thoại cũng “không được phép”. Thế nhưng, khi chúng tôi vào thẳng một phòng thì mới biết bà hiệu phó đang ngồi ở đó.
Đó không phải là chuyện cá biệt, vì khi tác nghiệp, chúng tôi gọi điện thoại nhưng các quan chức không nghe máy, hoặc xin số điện thoại nhưng bị từ chối, là chuyện thường gặp. Mặc dù chỉ là trường học, là cơ quan hành chính, nhưng báo chí tiếp xúc còn khó khăn như vậy, chẳng biết đối với người dân bình thường, mỗi khi có việc cần thiết, bức xúc, muốn gặp các vị “đầy tớ của dân” thì làm sao gặp được?!
Bình luận (0)