Trong trận cầu "thượng đỉnh" gần đây nhất của La Liga - trận đấu giữa hai đội đang dẫn đầu bảng, Valencia - Barcelona, cả khách lẫn chủ đều bố trí sơ đồ 4-4-2 ở thời điểm giao bóng. Và đấy không phải là chi tiết chuyên môn quá lạ, nếu nhìn vào lối chơi phổ biến trên sân cỏ Tây Ban Nha hiện thời.
Thế còn tại Anh - quê hương bóng đá, cũng là quê hương của sơ đồ chiến thuật 4-4-2? Đấy là điều cuối cùng người ta có thể hình dung trong một trận đấu quan trọng ở Premier League mùa này. Suốt khoảng chục năm trước khi Chelsea chơi 3-4-2-1 và trở thành "hình mẫu", người đã đã rập khuôn cách chơi 4-2-3-1, như một kiểu thời trang trên sân cỏ. Bây giờ, ngoài hai sơ đồ "thời thượng" ấy, gần như chỉ còn sơ đồ 4-3-3 là còn có đất dụng võ. Điểm chung: đá kiểu gì đi nữa, cũng chỉ có 1 trung phong. Hệ quả dễ thấy: các tiền vệ biên và tiền vệ "số 10" đúng nghĩa đang đứng trên bờ vực... tuyệt chủng ở Premier League.
tin liên quan
Đã có 'công thức' thay HLV ở Premier LeagueÝ nghĩa lớn nhất, khi West Ham hòa Leicester 1-1 trong trận đấu sớm của vòng 13 Premier League, là cả khách lẫn chủ... đều không thua.
Dĩ nhiên, cứ thắng là được. Không phải ai xem bóng đá cũng quan tâm đến vấn đề đội hình hoặc cách vận hành chiến thuật. Ngàn năm nữa, bóng đá Anh - vốn luôn lấy tính giải trí làm ưu tiên một - vẫn sẽ như vậy.
Cựu danh thủ Anh David Platt từng nói: "Vào thời của tôi, tất cả đều chỉ ra sân với sơ đồ 4-4-2. Tôi không bao giờ thắc mắc vì sao. Cứ như đá bóng là đương nhiên phải đá theo sơ đồ 4-4-2. Chỉ đến khi treo giày, tôi mới chợt nhận ra rằng còn có những sơ đồ khác. Và khi huấn luyện, tôi mới thật sự nghĩ rằng có thể chơi bóng, chiến thắng, bằng những sơ đồ khác nhau". Bây giờ, hậu duệ của Platt trên quê hương bóng đá chắc cũng không hề suy nghĩ: vì sao cách chơi 4-4-2 bỗng dưng gần như... biến mất?
Thời thế có thể đổi thay. HLV giỏi ở Premier League bây giờ đều là những người nước ngoài. Cầu thủ cũng vậy. Đến một mức độ mà báo chí Anh cứ phải thường xuyên rà soát, xem còn bao nhiêu cầu thủ người Anh chơi bóng ở Premier League mà chưa được gọi vào ĐTQG! Nhưng, khán giả thì không thay đổi. Nói chính xác hơn, khán giả không thay đổi đến mức độ "hoàn toàn", như cầu thủ và HLV. Cho nên, cái "gu" bóng đá ở Anh thì không thay đổi bao nhiêu so với trước đây. Người ta đến sân là để cổ vũ, và luôn đề cao nỗ lực đến tột bậc của các cầu thủ, hơn là xem các giá trị chuyên môn trên sân.
|
Đấy là lý do vì sao HLV Jose Mourinho khen ngợi "nỗ lực tột bậc" của Romelu Lukaku, khi anh kiếm được... quả phạt góc, dẫn đến tình huống M.U ghi bàn duy nhất vào lưới Brighton. Ông không muốn bàn vì sao Lukaku nói riêng hoặc hàng công M.U nói chung rơi vào tình trạng bế tắc trước một đối thủ cực yếu. Tổng quát hơn, dân Anh cũng không cần biết vì sao các đội siêu mạnh như M.U hoặc Man City có thể thắng đến 4 bàn trước những đối thủ "tầm trung", nhưng luôn chật vật trước đối thủ yếu.
Đấy là vì chiến thuật không linh động. Người ta chỉ chơi theo một kiểu định sẵn, ít biến hóa, và khả năng thay đổ kế hoạch định sẵn cũng không cao. Ở La Liga, các đội mạnh như Valencia, Barcelona, Atletico Madrid, Villarreal đều thường xuyên ra sân với sơ đồ 4-4-2. Nhưng sơ đồ chiến thuật của họ lập tức thay đổi khi có hoặc không có bóng. Các vai trò tiền vệ biên, "số 10", tiền đạo thường xuyên... biến mất, rồi lại xuất hiện, tùy theo tình huống cụ thể. Như thế mới là sức mạnh thật sự.
Bình luận (0)