Giảng dạy tiếng Anh qua hoạt động thực nghiệm của môn toán và khoa học
Sáng nay, 12.4 tại Trường ĐH Sài Gòn diễn ra buổi báo cáo sơ kết triển khai chương trình tiếng Anh toán - khoa học thực nghiệm với giáo viên nước ngoài năm học 2023-2024 tại các trường tiểu học tại TP.HCM. Sự kiện có ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM; ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, các thầy cô lãnh đạo phòng chuyên môn của Sở GD-ĐT TP.HCM và phòng GD-ĐT quận, huyện, TP.Thủ Đức.
Báo cáo tại sự kiện cho biết chương trình tiếng Anh toán - khoa học thực nghiệm với giáo viên nước ngoài bắt đầu được triển khai tại 2 trường tiểu học với 5 lớp ở TP.HCM từ năm học 2016-2017.
Sau 8 năm, tới năm học 2023-2024, chương trình được giảng dạy tại 45 trường tiểu học với 501 lớp.
Chương trình được triển khai 2 tiết/tuần theo giáo trình Amazing Science & Math in My World do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành, Sở GD-ĐT TP.HCM phê duyệt.
Chương trình giảng dạy tiếng Anh thông qua những hoạt động thực nghiệm của môn toán và khoa học. Thông qua việc được học tiếng Anh qua các thuật ngữ toán và khoa học, học sinh được tham gia hoạt động thực nghiệm thực tế sau phần lý thuyết bài học. Chương trình có phần đánh giá định kỳ vào cuối học kỳ 1 và cuối học kỳ 2.
'Phải lắng nghe phản hồi từ nhiều phía'
Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết đây là một trong những chương trình bổ trợ tiếng Anh cho học sinh tiểu học. Ông Quốc yêu cầu việc thực hiện phải đảm bảo đúng định hướng phát triển nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh.
"Trong quá trình thực hiện cần phải đảm bảo đúng quy định, từ việc tuyển chọn nhân sự, tổ chức, phối hợp tổ chức tốt với nhà trường, đảm bảo tốt về chất lượng chuyên môn. Chất lượng chuyên môn của chương trình phải đặt lên hàng đầu", ông Quốc nói.
Đồng thời, ông Quốc cho biết quan điểm của Sở GD-ĐT TP.HCM từ trước đến nay luôn yêu cầu các đơn vị, cơ sở giáo dục đó là khi phối hợp thực hiện chương trình nhà trường nào thì cần phải lắng nghe phản hồi từ nhiều phía.
"Mỗi cuối năm, các đơn vị phải lắng nghe sự nhận xét, phản hồi từ nhiều nơi, từ nhà trường, thầy cô đồng hành, phụ huynh, học sinh… Sự phản hồi này không chỉ có lắng nghe hoặc giải quyết vụ việc đơn lẻ mà phải nghiêm túc tiếp thu để làm sao sau đó có sự thay đổi, điều chỉnh về phương pháp, cân đối nội dung phù hợp với các học sinh. Để làm sao nội dung chương trình ngày một bám sát, phù hợp hơn tốt hơn, có được niềm tin từ phía phụ huynh, học sinh, nhà trường", ông Nguyễn Bảo Quốc nhấn mạnh.
Báo cáo tại hội nghị cho biết trong năm học 2023-2024, đội ngũ giáo viên nước ngoài của đơn vị phối hợp là 61 người được Sở GD-ĐT TP.HCM thẩm định và cập nhật trên trang web (cập nhật tới ngày 21.2.2024). Trong đó có 52 giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy chương trình.
Giáo viên nước ngoài có các bằng cấp chuyên môn nghiệp vụ như bằng đại học, chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh (TESOL, TEFL…) và phải làm thủ tục hồ sơ pháp lý theo quy định.
Để đảm bảo việc thực hiện đầy đủ yêu cầu của mỗi bài dạy thực nghiệm, bên cạnh giáo viên đồng giảng tại trường, còn có trợ giảng hỗ trợ cho giáo viên nước ngoài trong giờ học tại trường tiểu học TP.HCM, đặc biệt lớp 1.
Bình luận (0)