Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội lên tiếng về giải bơi học sinh

03/04/2015 14:55 GMT+7

(TNO) Ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên, Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội khẳng định không có gì mập mờ, khuất tất ở giải bơi học sinh thành phố Hà Nội vừa qua.

(TNO) Trước nhiều ý kiến cho rằng có mập mờ ở giải bơi học sinh thành phố Hà Nội vừa diễn ra ngày 30 - 31.3, ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên, Sở Giáo dục -  Đào tạo Hà Nội khẳng định "giải an toàn, trong sáng".

map-mo-giai-boi-hoc-sinh-Ha-NoiNhiều phụ huynh cho rằng giải bơi học sinh Hà Nội có nhiều khuất tất - Ảnh: Phụ huynh cung cấp
Điều lệ đã chuyển các quận, huyện, thị xã từ tháng 10.2014
Sáng nay, 3.4, trả lời phóng viên Thanh Niên Online về việc phụ huynh và học sinh có được biết thông tin về giải bơi cũng như điều lệ thi đấu của bộ môn này không, ông Phạm Ngọc Tuấn khẳng định: "Toàn bộ thông tin về thời gian thi đấu, các quy định về chuyên môn, điều lệ thi đấu các môn thể thao học sinh phổ thông năm học 2014 - 2015 (gồm 16 môn, trong đó có môn bơi) đều đã được Sở gửi về Phòng Giáo dục - Đào tạo các quận, huyện, thị xã trong toàn thành phố từ tháng 10.2014. Các Phòng giáo dục sẽ có trách nhiệm thông báo rộng rãi đến các trường học trong địa bàn của mình quản lý".
Theo điều lệ thi đấu các môn thể thao học sinh phổ thông năm học 2014 - 2015, luật thi đấu của môn bơi được ghi là: “Áp dụng theo luật thi đấu hiện hành của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và những điều bổ sung của luật bơi quốc tế. Những nội dung có từ 8 VĐV dự thi trở nên, ban tổ chức sẽ tổ chức thi chung kết”.
Trước câu hỏi chúng tôi đặt ra về việc điều lệ thi đấu môn bơi sơ sài như trên dễ gây khó hiểu cho các em học sinh, hơn nữa điều lệ cũng không ghi cách thức chọn thí sinh vào vòng chung kết là chọn thí sinh về nhất từng lượt hay là những thí sinh có thời gian thấp nhất sau tất cả các lượt thì liệu có công bằng với thí sinh?, ông Phạm Ngọc Tuấn cho biết: "Huấn luyện viên (HLV) là người chịu trách nhiệm phổ biến luật thi đấu cho các thí sinh. Ban tổ chức không thể nào phổ biến luật bơi cho từng thí sinh".
"Không quan tâm tới động cơ thi của thí sinh" 
Ông Phạm Ngọc Tuấn cho hay, trong khi giải bơi học sinh Hà Nội vừa diễn ra, có một số ý kiến thắc mắc của phụ huynh học sinh thông qua HLV trưởng đoàn về thứ tự về nhất, nhì, huy chương của các con. Mọi thắc mắc đã được làm sáng tỏ ngay sau đó, thông qua tổng hợp kết quả bấm giây của trọng tài, trọng tài đích, dữ liệu từ máy camera của ban tổ chức quay lại.
“Trường hợp có phụ huynh nói ở nội dung 50 m tự do nữ, ban tổ chức lấy cả 5 thí sinh ở lượt bơi 1 và 1 thí sinh ở lượt bơi 2 vào chung kết, có thể là cả 5 thí sinh ở lượt 1 có số giây thấp hơn cả những thí sinh về nhất của các lượt khác", ông Tuấn nói.
map-mo-giai-boi-hoc-sinh-Ha-NoiNỗi thất vọng của một thí sinh sau khi giải bơi học sinh Hà Nội kết thúc - Ảnh: Phụ huynh cung cấpTheo Sở Giáo dục - Đào tạo, những điều lệ này đã đến các quận, huyện, thị xã toàn thành phố Hà Nội
từ tháng 10.2014 - Ảnh: Cẩm Giang
Tuy nhiên, theo phụ huynh N.V.H, ngụ ở quận Ba Đình, Hà Nội, có những sự nhầm lẫn rất đáng nghi ngờ ở giải bơi học sinh ngày 30.3 vừa qua, như ở nội dung 100 m ếch nam, có thí sinh về nhất nhưng không được vào vòng chung kết, sau khi khiếu nại, ban tổ chức quyết định cho em đó thi bằng cách gạt em về nhất ở đợt bơi khác.
Khi được hỏi về trường hợp của cháu N.T.T, con anh Nguyễn Văn Thủy, ngụ ở đường Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội, từng không được trao HCV nội dung ếch nữ 100 m ở giải bơi năm 2014, phải đi khiếu kiện mới giành lại được huy chương, ông Phạm Ngọc Tuấn nói: "Có thể do cháu N.T.T bị phạm quy".
Trong khi đó, theo đơn khiếu kiện của anh Nguyễn Văn Thủy gửi lên ban tổ chức, cháu N.T.T bị tước HCV vì ban tổ chức ghi cháu đã bỏ thi. May mắn, anh Thủy đã quay camera lại tất cả các lượt bơi của con gái mình, sau đó đối chứng với camera của trọng tài, tìm lại công bằng cho con gái.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong nhiều năm học trước, tại Hà Nội, học sinh có HCV các giải thi đấu thể thao cấp thành phố trở lên đều được ưu tiên: một số trường THCS công lập tuyển thẳng, nhiều trường THPT khi thi tuyển cũng áp dụng cộng điểm ưu tiên (tối đa 2 điểm) cho thí sinh có HCV các giải này.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Thanh Niên Online liệu có phải áp lực điểm ưu tiên, tuyển thẳng trên mà giải bơi lội căng thẳng, lộ nhiều bất cập trong cách tổ chức hay không, Trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên, Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội khẳng định: “Chúng tôi không quan tâm động cơ để thí sinh thi là gì. Quy chế cộng điểm hay tuyển thẳng của từng trường, trong từng thời điểm là khác nhau. Chúng tôi chỉ cố gắng để giải đấu tổ chức sao cho an toàn nhất, trong sáng nhất”.
Liên quan đến nội dung này, trưa 2.4, ông Đinh Văn Luyến, Trưởng phòng Thể dục thể thao quần chúng, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hà Nội thừa nhận, việc những thí sinh được HCV ở giải bơi này có thể được cộng điểm khi thi tuyển vào THPT, hoặc được xét tuyển thẳng vào một trường THCS đã khiến cả phụ huynh, thí sinh và ban tổ chức đều căng thẳng.
Gian lận của người lớn với trẻ em là độc ác
Ca sĩ Thái Thùy Linh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghệ thuật Taca Emca, người tâm huyết với nhiều dự án giáo dục cho trẻ em cho rằng những gian lận, không công bằng của người lớn với trẻ em là sự đối xử độc ác.
“Một trong những điều tồi tệ nhất mà người lớn làm cho trẻ em, bên cạnh việc bạo hành, đánh đập về thể xác là bạo lực tinh thần, bạo lực này có thể thấy rõ qua sự không công bằng với trẻ em trong những cuộc thi”, nữ ca sĩ này nói.
Theo ca sĩ Thái Thùy Linh, sự không công bằng này, nếu may mắn có thể khiến trẻ em phấn đấu nhiều hơn trong tương lai, nhưng nếu không may, sẽ khiến trẻ em có tâm lý muốn trả thù, các cháu lớn lên sẽ trở thành người có thủ đoạn, để tự đòi lại sự công bằng mình bị đánh cắp.
Người từng là giám khảo của nhiều cuộc thi lớn cho trẻ em cho rằng, nhiều khi, các phụ huynh đã nhờ ban giám khảo dàn xếp kết quả cho con mình. Tuy nhiên, nếu ban giám khảo công tâm, làm việc nghiêm túc, không thể có giải thưởng nào bị “mua” được.
“Tôi cũng mong, đây chỉ là một tai nạn, một scandal của một giải bơi, nó sẽ có tác dụng thức tỉnh nhiều phụ huynh. Có thể phụ huynh sẽ phải học cách tự vệ để bảo vệ sự công bằng cho con mình. Và nhiều phụ huynh khác sẽ thức tỉnh, để các con tự bước chân đến vinh quang. Nếu mọi phụ huynh đều biết đặt vị trí con mình đang bị đối xử không công bằng như con người khác, chắc chắn sẽ không còn ai làm tổn thương trẻ em nữa”, Thái Thùy Linh nói.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.