Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM, chỉ những xe phục vụ thi công các công trình trọng điểm hoặc xe cung cấp xăng dầu phục vụ sân bay, phục vụ người dân,… mới được cấp phép vào nội đô TP.HCM ngoài giờ cao điểm.
Sáng 19.12, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết đơn vị đang cấp phép cho khoảng 100 xe cung cấp xăng dầu (phục vụ sân bay, phục vụ người dân TP. Đối với các xe phục vụ thi công công trình trọng điểm (tuyến đường sắt đô thị số 1, dự án giải quyết ngập do triều, khu vực TP.HCM có xét đến biến đổi khí hậu, các công trình giao thông trọng điểm,…)/
Sở GTVT tải cũng hiện cấp phép với số lượng 250 xe tải nặng (xe bồn chở bê tông, xe chở vật liệu).
TP.HCM cấm xe tải nặng lưu thông vào nội đô từ 6 giờ - 24 giờ hàng ngày nhưng người dân vẫn thường chứng kiến xe tải, xe bồn chạy rầm rập trên đường bất kể giờ giấc. Nhiều người đặt câu hỏi có hay không việc xe tải 'mua đường'?
Thời gian được cấp phép là ngoài giờ cao điểm, tức là từ 9 giờ đến 16 giờ và từ 22 giờ đến 24 giờ. Ngoài ra, Sở cũng cấp phép cho 1.242 xe của các đơn vị công ích.
Theo đó, giấy phép được cấp cho từng xe, trong giấy phép đều ghi rõ biển số, thời gian và lộ trình lưu thông cụ thể. Hàng tháng Sở đều gửi danh sách đến lực lượng chức năng để kiểm tra và theo dõi. Bên cạnh đó, Sở cũng công khai nội dung trong giấy phép trên Cổng thông tin giao thông của Sở GTVT (http://giaothong.hochiminhcity.gov.vn vào mục Tra cứu).
Buộc xe tải gắn thiết bị giám sát hành trình
Trao đổi với Thanh Niên, ông Ngô Hải Đường¸ Trưởng Phòng Quản lý Khai thác Hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT) cho biết các xe đến Sở xin cấp phép lưu thông vào nội đô nếu hồ sơ đủ điều kiện thì Sở sẽ cấp giấy phép.
Tuy nhiên, một số khu vực, một số tuyến đường do tình hình giao thông nên hạn chế cấp phép. Cụ thể những khu vực hạn chế cấp phép như: khu vực sân bay, khu vực các tuyến đường trung tâm.
Các xe tải nặng chạy trên đường phố là nỗi ám ảnh của nhiều người tham gia giao thôngẢnh: Vũ Phượng
Các xe được cấp phép chỉ được đi theo lộ trình đã định sẵn và không được đi vào các tuyến đường khác hay lộ trình khác. Ví dụ, xe phục vụ thi công tuyến Metro số 1 thì chỉ đi các lộ trình như: tuyến Calmette đổ xuống hay hướng từ đường Nguyễn Tất Thành chạy qua chứ không cho đi các tuyến khác vì tình hình giao thông phức tạp, có khả năng gây ùn tắc.
Cũng theo ông Đường, TP hiện chỉ có một số công trình trọng điểm như: Tuyến Metro số 1, công trình của giải quyết chống ngập có xét đến biển đổi khí hậu, một số công trình giải quyết ùn tắc giao thông: tuyến đường nhánh Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Tri Phương hoặc cầu vượt thép, một số công trình của Bộ Công an.
Riêng với các xe chở xăng dầu cấp phép cho các xe chở xăng phục vụ sân bay, hướng đi từ tổng kho xăng dầu Nhà Bè về sân bay và một số xe chở xăng của hai hãng là Petrolimex và Comeco trên cơ sở thống nhất với Sở công thương.
“Sở đang điều chỉnh quy định, báo UBND để cấp phù hiệu của chữ P màu cam dán ở trước cửa kính xe cho những xe tải nặng được cấp phép vào nội đô để người dân có thể nhận biết. Cách khác là người dân có thể vào Cổng thông tin điện tử của Sở GTVT để tra cứu theo BS xem xe đó có được lưu thông vào nội đô hay không và được lưu thông theo lộ trình nào”, ông Đường thông tin.
Một nữ sinh bị xe bồn cán tử vong sau cú va chạm ngay tại trung tâm Q.1, TP.HCM trưa 14.12. Vậy xe bồn có phạm luật không khi UBND TP đã có văn bản cấm xe tải lưu thông trong khung giờ này? Nhiều bạn đọc cũng thắc mắc xe bồn, xe tải được chạy vào nội thành khi nào?
Về giải pháp để xử lý những xe không được cấp phép nhưng cố tình “trà trộn” để chạy vào nội đô trong khung giờ cấm, ông Đường cho rằng chỉ có áp dụng công nghệ mới có thể xử lý triệt để.
“Một trong những giải pháp mà Sở GTVT đang điều chỉnh và sẽ áp dụng trong 2018 đó là gắn thiết bị giám sát hành trình của xe tải nặng, dùng công nghệ kiểm soát. Ví dụ cấp phép cho xe đi từ A tới B theo lộ trình này thì Sở sẽ theo dõi, kiểm tra trên hệ thống xem xe đó thực hiện có đúng không, nếu không thì kết hợp với CSGT để xử lý vi phạm lần 1, lần 2, lần 3 rồi rút giấy phép”, ông Đường nói.
Bình luận (0)