Số hóa từ việc giản đơn nhất

11/03/2022 04:31 GMT+7

Thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết cơ quan này sẽ triển khai thêm tính năng cấp giấy hoàn thành cách ly trên hệ thống quản lý bệnh nhân Covid-19.

Nhờ đó, người dân không cần phải đến trạm y tế địa phương xin giấy chứng nhận hoàn thành cách ly hoặc có thể chủ động khai báo thông tin trực tuyến nếu có kết quả xét nghiệm nhanh nhiễm Covid-19.

Đây là bước tiến đáng hoan nghênh vì giúp hạn chế việc tiếp xúc trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Đến nay, nhờ nhiều yếu tố như độ phủ vắc xin cao, điều kiện chữa trị ngày một tốt hơn… nên hậu quả do Covid-19 gây ra đã giảm đáng kể so với trước đây. Các hoạt động xã hội từng bước trở lại như cũ. Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro lây lan bệnh dịch, các hoạt động trong xã hội cần thay đổi phù hợp, thích ứng tình hình mới.

Vì thế, hơn lúc nào hết, việc chuyển đổi số cần thúc đẩy mạnh mẽ. Việc người dân không cần đến trạm y tế khai báo F0 chính là một bước chuyển đổi số. Quá trình này cần nhân rộng sang hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt về thủ tục hành chính. Với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể nên góp phần quan trọng cho nền tảng cần thiết của việc chuyển đổi số các thủ tục hành chính, thậm chí mở rộng sang các lĩnh vực khác.

Việc chuyển đổi số không đơn thuần là để phòng ngừa bệnh dịch mà vốn dĩ đã là xu thế của các nước phát triển từ nhiều năm trước khi xảy ra Covid-19. Đây cũng là giải pháp quan trọng để đơn giản hóa thủ tục hành chính và tinh giản bộ máy, hạn chế nhũng nhiễu khi hệ thống hành chính vận hành minh bạch, rõ ràng.

Trả lời phỏng vấn Thanh Niên mới đây, ông David Dapice, kinh tế gia chuyên về VN và Myanmar tại Trung tâm ASH thuộc Trường Chính sách công Kennedy (Đại học Harvard, Mỹ), cho rằng VN cần những cải cách để tăng cường hiệu quả của nền kinh tế. Quan điểm này từng được nhiều chuyên gia kinh tế đề cập khi đánh giá kinh tế VN. Và việc chuyển đổi số giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính là yếu tố quan trọng góp phần tăng cường hiệu quả của nền kinh tế. Khi nền kinh tế hiệu quả hơn, thì theo nguyên tắc tác động tương hỗ, Nhà nước cũng sẽ có cơ sở để tăng thu nhập cho lực lượng cán bộ công chức. Chính vì thế, không chỉ nhằm ứng phó nguy cơ dịch bệnh, mà đây là lúc phải thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, chứ không thể chậm trễ hơn nữa.

Tuy vậy, then chốt của việc chuyển đổi số không đơn thuần là việc chuyển đổi nền tảng làm việc kiểu thay vì nộp giấy tờ trực tiếp thì chuyển qua gửi đơn trực tuyến, hay thay vì giải đáp trực tiếp thì chuyển qua sử dụng chatbot. Đó chỉ là các bước cơ bản của chuyển đổi số nhưng vẫn nhiều người nhầm lẫn là bước đột phá. Nền tảng cốt lõi của chuyển đổi số phải là tổ chức quy trình làm việc có tính hệ thống, kết hợp cùng các giải pháp, mô hình, thuật toán xử lý vấn đề một cách hiệu quả. Phần then chốt trong nền tảng này chính là con người, bởi lực lượng nhân sự phải tư duy làm việc có hệ thống, đáp ứng được các yêu cầu cần thiết của các công cụ số. Chỉ khi thay đổi có tính hệ thống thì mới tạo hiệu quả bền vững.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.