Sở LĐ-TB-XH là đầu mối duy nhất được cấp phép cho lao động nước ngoài

Thu Hằng
Thu Hằng
20/09/2023 17:54 GMT+7

Từ nay trở đi, công tác quản lý lao động nước ngoài, trong đó có cấp giấy phép lao động nước ngoài tại các địa phương được giao cho Sở LĐ-TB-XH là một đầu mối duy nhất.

Đây là nội dung mới trong Nghị định 70/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam vừa được Chính phủ ban hành.

Sở LĐ-TB-XH là đầu mối duy nhất được cấp phép cho lao động nước ngoài - Ảnh 1.

Sở LĐ-TB-XH sẽ thống nhất quản lý lao động nước ngoài, trong đó có cấp phép cho lao động nước ngoài tại địa phương

H.N

Theo nghị định mới, thay vì quy định chuyên gia phải có bằng đại học đúng chuyên ngành dự kiến làm việc thì nay chuyên gia chỉ cần tốt nghiệp đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam.

Trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định, theo đề nghị của Bộ LĐ-TB-XH.

Giám đốc điều hành là người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Người đứng đầu và trực tiếp điều hành ít nhất một lĩnh vực của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Lao động kỹ thuật nước ngoài cũng được bỏ quy định làm đúng chuyên ngành được đào tạo, chỉ cần được đào tạo ít nhất 1 năm và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm phù hợp với vị trí công việc dự kiến làm tại Việt Nam.

Nghị định cũng quy định, kể từ ngày 1.1.2024, việc thông báo tuyển dụng người lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển dụng người lao động nước ngoài được thực hiện trên Cổng thông tin điện tử của Bộ LĐ-TB-XH (Cục Việc làm), hoặc Cổng thông tin điện tử của Trung tâm Dịch vụ việc làm, do chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập, trong thời gian ít nhất 15 ngày, kể từ ngày dự kiến báo cáo Bộ LĐ-TB-XH, hoặc Sở LĐ-TB-XH nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.

Người sử dụng lao động nếu thay đổi nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài về vị trí, chức danh công việc, hình thức làm việc, số lượng, địa điểm, thì phải báo cáo Bộ LĐ-TB-XH hoặc Sở LĐ-TB-XH trước ít nhất 15 ngày, kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài.

Cũng theo Nghị định 70, Bộ LĐ-TB-XH có trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về tuyển dụng, quản lý lao động nước ngoài trên cả nước, cũng như quản lý người Việt làm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Sở LĐ-TB-XH sẽ thống nhất quản lý lao động nước ngoài, trong đó có cấp phép cho lao động nước ngoài tại địa phương.

Quy định này đảm bảo việc thống nhất quản lý nhà nước về tuyển dụng, quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam từ T.Ư đến địa phương. Người sử dụng lao động chỉ đến một cơ quan nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động. Đồng thời, khắc phục được những bất cập về việc thực hiện cấp giấy phép lao động cho đơn vị không phải cơ quan chuyên môn là ban quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

Nghị định có hiệu lực từ 18.9.

Theo Bộ LĐ-TB-XH, đến tháng 6.2023, cả nước có 121.288 lao động nước ngoài đang làm việc. Trong đó, số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động là 111.949 người (hơn 92%). Trong số này, đã cấp mới giấy phép lao động cho 81.568 người và gia hạn cho 14.100 lao động, cấp lại cho 8.990 người; còn lại 7.291 người đang hoàn thiện giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.