Sở LĐ-TB-XH TP.HCM thông tin tình hình sức khỏe của trẻ ở Mái ấm Hoa Hồng

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
06/09/2024 20:19 GMT+7

Hiện hầu hết các trẻ ở Mái ấm Hoa Hồng có tình hình sức khỏe, tâm lý ổn định. Riêng có 2 trẻ (đang ở Trung tâm nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em Gò Vấp) trở bệnh nặng và đã được chuyển đến bệnh viện để khám và điều trị.

Chiều 6.9, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho hay, sau khi Báo Thanh Niên phản ánh qua loạt bài điều ra Tội ác trong một mái ấm (số ra ngày 4, 5.9), đơn vị đã cử tổ công tác phối hợp Phòng LĐ-TB-XH Q.12 để đến Mái ấm Hoa Hồng trực tiếp kiểm tra vụ việc.

Tại thời điểm kiểm tra, ghi nhận cơ sở đang có 15 nhân viên phục vụ và có 86 trẻ. Trong đó, có 85 trẻ thuộc diện trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, 1 trẻ còn lại là con của nhân viên trong mái ấm này.

Trong số 85 em, có 15 trẻ dưới 12 tháng tuổi; 36 trẻ từ đủ 12 tháng tuổi đến dưới 36 tháng tuổi; 30 trẻ từ 36 tháng tuổi đến dưới 72 tháng tuổi (đang đi học tại Trường mầm non Sóc Bông, 18F đường Quán Tre, khu phố 1, P.Trung Mỹ Tây, Q.12); 3 trẻ từ đủ 6 tuổi đến 12 tuổi; 1 trẻ đang điều trị tại bệnh viện.

Đối chiếu giấy phép do Phòng LĐ-TB-XH Q.12 cấp, Mái ấm Hoa Hồng vượt quy mô tiếp nhận 47 trẻ theo quy định cho phép.

Tội ác ở Mái ấm Hoa Hồng: Công an nói về việc bắt 2 bảo mẫu Tuyền, Cẩm

Từ khi tiếp nhận thông tin phản ánh về tình trạng bạo hành trẻ ở Mái ấm Hoa Hồng của Báo Thanh Niên, Sở LĐ-TB-XH nhận thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc, theo đó đã chỉ đạo tổ công tác phối hợp Phòng LĐ-TB-XH Q.12, UBND P.Trung Mỹ Tây thực hiện phân loại trẻ và lập hồ sơ 86 trẻ để cách ly khẩn cấp ngay trong ngày 4.9.

Các trẻ đã được chuyển về các cơ sở bảo trợ xã hội trực thuộc Sở LĐ-TB-XH để chăm sóc, nuôi dưỡng (gồm Trung tâm bảo trợ trẻ em Tam Bình; Làng Thiếu niên Thủ Đức; Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp).

Cho đến nay, các em đã ổn định tâm lý, được thăm khám, chăm sóc dinh dưỡng phù hợp độ tuổi. Đối với các trẻ bị bạo hành hay có dấu hiệu bị bạo hành, các cơ sở đã cử nhân viên chăm sóc riêng để chăm sóc tâm lý và theo dõi tình trạng trẻ để có phương án chăm sóc tốt hơn.

Riêng có 2 trẻ (đang ở Trung tâm nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em Gò Vấp) trở bệnh nặng, đã được chuyển đến bệnh viện để khám và điều trị.

Sở LĐ-TB-XH TP.HCM thông tin tình hình sức khỏe của trẻ ở Mái ấm Hoa Hồng- Ảnh 1.

Trẻ từ Mái ấm Hoa Hồng đang được cách ly phòng chống dịch sởi ở Trung tâm nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em Gò Vấp

ẢNH: NGUYỄN ANH

Từ vụ việc ở Cơ sở Mái ấm Hoa Hồng, để đảm bảo việc phối hợp, can thiệp và xử lý vụ việc trẻ em bị bạo hành nghiêm minh và giải quyết các vấn đề liên quan đến cơ sở, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã đề nghị chỉ đạo và phối hợp xử lý vụ việc bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng. Theo đó, Phòng LĐ-TB-XH Q.12 đã thu hồi giấy phép hoạt động của Mái ấm Hoa Hồng. Đồng thời, Phòng Nội vụ Q.12 tham mưu làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức liên quan trong công tác quản lý nhà nước để xảy ra sai phạm tại Mái ấm Hoa Hồng.

Chiều cùng ngày, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 2 bảo mẫu là Nguyễn Thị Ngọc Cẩm (46 tuổi, quê Đồng Nai) và Diệp Ngọc Tuyền (47 tuổi, quê Sóc Trăng) về tội "hành hạ người khác". Đồng thời, Công an TP.HCM sẽ tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi của các đối tượng có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; rà soát, làm rõ những sơ hở, thiếu sót trong quá trình quản lý các cơ sở bảo trợ xã hội đề kiến nghị cơ quan, tổ chức có liên quan khẩn trương khắc phục, không để xảy ra vụ việc tương tự.

Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, hiện TP.HCM có 16 cơ sở bảo trợ xã hội công lập thực hiện tiếp nhận, quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng 6.505 đối tượng bảo trợ xã hội và 63 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập đã tiếp nhận quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng hơn 3.000 trường hợp. Các cơ sở trợ giúp xã hội tiếp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng được quy định tại Nghị định số 20 năm 2021 của Chính phủ.

Sở LĐ-TB-XH TP.HCM thường xuyên đề nghị, nhắc nhở các địa phương quan tâm kiểm tra, giám sát các cơ sở trú đóng trên địa bàn quản lý thực hiện đảm bảo hoạt động theo giấy phép đã được cấp và tuân thủ các quy định.

Qua công tác giao ban định kỳ hoạt động cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập và kiểm tra giám sát định kỳ, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM ghi nhận và đề nghị cơ quan liên quan phối hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các cơ sở liên quan đến công tác tiếp nhận, giấy tờ tùy thân cho các diện bảo trợ xã hội.

Sở LĐ-TB-XH cho hay, thực tiễn hiện nay có một số khó khăn phát sinh liên quan như cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng chưa đúng chức năng, nhiệm vụ; quy chế giám sát nội bộ phòng chống xâm hại, bạo lực tại một số cơ sở ngoài công lập chưa được người đứng đầu quan tâm, thực hiện thường xuyên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.