Sổ liên lạc điện tử có cũng như không ?

07/11/2022 05:21 GMT+7

Đời sống hiện đại có nhiều giao thức liên lạc tiện lợi, tương tác cao, nhưng trường học phổ thông vẫn duy trì hình thức sổ liên lạc điện tử với nhiều hạn chế. Bạn đọc cho rằng cần thay đổi, hoặc bỏ hẳn cách thức này.

Trong bài viết đặt vấn đề về sự cần thiết của sổ liên lạc điện tử ở trường học đăng tải ngày 4.11, Báo Thanh Niên đã thực hiện khảo sát, thăm dò trực tuyến, cho thấy có 89% phụ huynh học sinh cho rằng không cần thiết tồn tại sổ liên lạc điện tử nếu đang thực hiện những chức năng như hiện nay.

Một phụ huynh có con đang theo học lớp 7 tại Q.1, TP.HCM, cho biết sau hơn một tháng cài đặt và dùng ứng dụng có tính năng sổ liên lạc điện tử, vẫn chưa thấy ưu điểm hay nhu cầu sử dụng phần mềm này. Vị này cho hay ứng dụng có 11 chức năng, nhưng những tính năng quan trọng như nhiệm vụ bài tập, học liệu điện tử, thực đơn bữa ăn… khi truy cập luôn trong trạng thái “chưa có dữ liệu” hay “chưa có bài học nào”.

Từ đó, người này cho rằng: “Nếu cài đặt app chỉ để nhận tin nhắn điểm danh như hiện nay, tôi thấy không cần thiết. Mỗi học sinh đóng hằng tháng gần 20.000 đồng, có thể không nhiều nhưng tính cả năm với số lượng lớn học sinh thì lại là khoản phí khá lớn”. Phụ huynh này cho rằng ứng dụng công nghệ vào quản lý học sinh, kết nối giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh học sinh là xu thế, nhưng cần được thể hiện đầy đủ các tính năng hiện diện để tránh lãng phí.

Một hình thức sổ liên lạc điện tử được dùng hiện nay tại một số trường ở TP.HCM

Trí Minh

Hiệu quả thấp vẫn đóng tiền dùng

Nhiều bạn đọc (BĐ) khẳng định từ lâu đã nhận thấy sự kém hiệu quả của sổ liên lạc điện tử: “Tôi thấy cả năm chỉ nhận được vài tin nhắn. Gọi là liên lạc điện tử nhưng không cho thấy sự liên lạc, trao đổi gì. Phụ huynh chỉ nhận được tin nhắn một chiều, không thể trả lời, phản hồi”, BĐ Trương Vũ lên tiếng.

Tương tự, BĐ Phạm Tiệm than thở: “Mỗi năm chỉ có vài tin nhắn linh tinh, điểm số hay các mục khác đều không có gì để xem. Cập nhật phần mềm thì mất luôn điểm, dữ liệu năm học cũ”.

Trong bối cảnh chung, hầu hết phụ huynh đành sử dụng sổ liên lạc điện tử. Nhưng cũng có người không tham gia, như BĐ Nguyễn Vinh, thì vị này cho biết con em mình bị nhắc nhở. “Con tôi một năm dùng đúng hai lần sổ liên lạc điện tử để nhận báo điểm thi. Nhưng điểm thi trong sổ lại đến sau khi cô giáo chủ nhiệm công bố, nên năm nay tôi đề nghị không cho con tham gia sổ liên lạc điện tử. Cuối cùng, con tôi là người duy nhất trong lớp bị nêu tên và về trách tôi”, BĐ Vinh cho biết.

Thậm chí, có BĐ cho hay tác dụng của sổ liên lạc điện tử đâu chưa thấy, lại rước phiền hà. “Khi chưa nhận được một tương tác nào giữa nhà trường với phụ huynh qua sổ liên lạc điện tử thì đã có rất nhiều cuộc gọi mời cháu học tiếng Anh, sinh trắc vân tay…, mà gọi đúng tên, đúng lớp”, BĐ Bao water bức xúc.

Cần thay thế sổ liên lạc điện tử ?

Chi phí tham gia sổ liên lạc điện tử ở các trường có nhiều mức khác nhau tùy ứng dụng, cách thức. Nhưng dù với mức nào, BĐ cũng cho rằng đều lãng phí, không cần thiết. BĐ son.buituan579 cho rằng đã đến lúc cần xem xét việc sử dụng phương thức này: “Dùng sổ liên lạc điện tử mà chỉ nhận 2-4 tin nhắn/năm học thông báo kết quả học tập của con em như vậy là quá phung phí, đắt đỏ. Cần nghiêm túc nhìn nhận mục đích của sổ liên lạc điện tử là gì, có cần duy trì nữa không?”.

Con tôi năm nay học lớp 10, nhà trường có thu tiền sổ liên lạc điện tử 90.000 đồng nhưng từ đầu năm học đến giờ chưa nhận được bất cứ tin nhắn nào qua kênh đó.

Giang Sơn

Tôi đóng 250.000 đồng/năm cho sổ liên lạc điện tử mà chỉ nhận thông báo học và thời khóa biểu. Trong khi báo bài có lúc không đúng. Mà việc báo bài này không cần thông báo qua sổ liên lạc điện tử vì bạn lớp phó học tập thông báo qua group lớp. Nên bỏ sổ liên lạc điện tử!

linhvan306

Trường con tôi đang triển khai sổ liên lạc điện tử. Theo bạn bè thì sổ liên lạc điện tử với 120.000 đồng/năm chỉ để nhắn vài tin. Bản thân sổ liên lạc điện tử có rất nhiều tính năng hữu ích mà hầu như không dùng đến.

tan.a52.2021

BĐ Nguyễn Minh Ngọc cùng quan điểm: “Trường con tôi kêu nộp 120 nghìn đồng/năm để nhận vài tin nhắn đón con đúng giờ, con mặc áo gì... Mà những tin nhắn đó thì giáo viên chủ nhiệm cũng nhắn trên nhóm Zalo. Tôi ủng hộ bỏ sổ liên lạc điện tử vì không giúp ích gì mà lại tốn tiền”.

BĐ 77303 cũng đề nghị “loại bỏ ngay” sổ liên lạc điện tử, lý do: “Mục tiêu của phát triển công nghệ thông tin là đem đến cho người dùng sự tiện lợi và chi phí thấp. Trong khi đó, sổ liên lạc điện tử lại lạc hậu về công nghệ, chi phí cao”. Bổ sung ý kiến này, BĐ Khách Qua Đường hiến kế: “Các trường phổ thông có thể làm như ở bậc đại học là cấp tài khoản cho học sinh, phụ huynh tự vào xem”.

“Thời buổi kỹ thuật số, có nhiều cách thức để duy trì liên lạc giữa nhà trường với gia đình, nhanh chóng, thuận lợi mà chi phí thấp. Mỗi lớp lập riêng một nhóm chat gồm giáo viên chủ nhiệm với phụ huynh. Thông báo chung của nhà trường hoàn toàn có thể thông qua giáo viên phụ trách chuyển đến gia đình. Cách này không chỉ tăng tương tác qua lại mà còn tạo nên sự gần gũi, sâu sát hơn so với việc chỉ nhận thông tin. Vấn đề là nhà trường có mạnh dạn bỏ hình thức sổ liên lạc điện tử không”, BĐ phuongbasta nhìn nhận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.