Hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động thuộc Tuần lễ chuyển đổi số của TP.HCM với chủ đề "Khai phá dữ liệu số, thành công chuyển đổi số", nhằm hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia 10.10, dưới sự chỉ đạo nội dung của UBND TP.HCM, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thời báo Ngân hàng phối hợp Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM, Hội Tin học TP.HCM tổ chức.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đối với việc phát triển hạ tầng chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử do Napas tổ chức vận hành tiếp tục đẩy mạnh tích hợp, kết nối sản phẩm, dịch vụ, nền tảng với các ngành, lĩnh vực khác để cung cấp dịch vụ công qua Cổng dịch vụ công Quốc gia, tập trung vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông... Cụ thể, triển khai mở rộng dịch vụ thanh toán phí và lệ phí tới 71 bộ ngành, địa phương; triển khai thanh toán cho 7 nhóm dịch vụ bao gồm nộp bảo hiểm xã hội, thuế bất động sản, nộp phạt vi phạm giao thông, tạm ứng án phí, phí và lệ phí, lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân; mở rộng hình thức thanh toán bằng mã VietQR trên cổng Dịch vụ công Quốc gia với 17 ngân hàng.
Napas cho biết, giao dịch rút tiền chỉ chiếm tỷ trọng 4% trong năm 2023 và có xu hướng ngày càng giảm. Điều này cho thấy giao dịch TTKDTM ngày càng phổ biến. Đối với quét mã VietQR, số lượng giao dịch trong 9 tháng đầu năm gấp hơn 5 lần cả năm 2022, gấp hơn 15,8 lần so với cùng kỳ năm 2022. Số lượng giao dịch trung bình mỗi ngày gấp 7 lần giao dịch rút tiền mặt. Hàng tháng có hơn 20 triệu người sử dụng ứng dụng ngân hàng để quét mã VietQR, hơn 11 triệu mã VietQR được sử dụng để nhận tiền. VietQR đã góp phần thúc đẩy TTKDTM và phổ cập tài chính toàn diện quốc gia.
Kết quả thanh toán điện tử trong khu vực chính phủ, dịch vụ hành chính công diễn ra đối với hoạt động thu thuế, hải quan, đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 (cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán phí, lệ phí, thuế, bảo hiểm xã hội…).
Tại TP.HCM, hoạt động TTKDTM trong các dịch vụ công cũng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Các cơ quan nhà nước như y tế, giáo dục, bảo hiểm, hải quan đã tiến hành TTKDTM. Đơn cử như đối với việc phát triển TTKDTM trong lĩnh vực y tế, 100% các bệnh viện công của thành phố đã triển khai TTKDTM... Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tại thành phố đã đạt trên 30%.
Việc thanh toán trực tuyến các dịch vụ công thông suốt sẽ mang lại nhiều lợi ích về thời gian và chi phí cơ hội cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, TTKDTM đối với dịch vụ công vẫn còn nhiều khó khăn do nguyên nhân cả chủ quan và khách quan.
Bình luận (0)