Số lượng và chất lượng

05/02/2018 05:11 GMT+7

Không đợi đến khi Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công bố danh sách giáo sư, phó giáo sư đạt chuẩn năm 2017 thì dư luận mới bất ngờ về con số tăng kỷ lục mà từ mấy tháng trước đó, trong giới học thuật đã râm ran dự đoán rằng sẽ có đột biến về số lượng này.

Theo kế hoạch, từ năm 2018, quy định công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) sẽ thay đổi theo chiều hướng hội nhập quốc tế, nâng cao hơn, hay nói một cách khác là sẽ khó hơn. Vậy có phải là ngẫu nhiên khi Hội đồng Chức danh GS nhà nước cho tăng thời hạn nộp hồ sơ năm 2017 gần 6 tháng để nhiều người chạy đủ tiêu chuẩn cho “chuyến tàu cuối”? Vì thế mới xảy ra tình trạng mà mọi người ví như kiểu “cưới chạy” ngay từ hội đồng cơ sở. Trong mấy tháng qua, ở các hội đồng cơ sở đã nổi lên nhiều câu chuyện không ít người tìm mọi cách để hợp thức hóa các tiêu chí sao cho nộp hồ sơ được lần này bởi nếu để sang năm thì nhiều nguy cơ sẽ thất bại.
Chính vì vậy, việc tăng gần 60% số GS, PGS trong đợt xét năm 2017 so với năm trước là điều không thể tránh khỏi và nằm trong dự đoán của những ai biết chuyện.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn không phải ở con số mà chính là mục đích của việc đạt chuẩn GS, PGS cũng như chất lượng của lực lượng mang học hàm cao quý này.
Không thể so sánh nước này với nước khác để cho rằng VN ít hay nhiều tiến sĩ, GS vì còn phải đặt trong mối tương quan của những yếu tố khác. Tuy vậy, ở VN có những bất hợp lý trong lực lượng này. Đó là trong số tiến sĩ, PGS, GS hiện có, một tỷ lệ không nhỏ nằm ở ngoài các trường ĐH và là lãnh đạo cơ quan cấp bộ, trong khi đó lẽ ra người mang học hàm này chỉ thật sự cần thiết trong trường ĐH, viện nghiên cứu…
Về mặt hiệu quả, hơn 24.000 tiến sĩ, hơn 12.000 PGS, GS (kể cả số mới công bố) là một con số không nhỏ so với nhiều nước trong khu vực nhưng theo đánh giá của Bộ GD-ĐT vào năm 2017, kết quả nghiên cứu khoa học của VN tụt xa các nước trong khu vực. Từ năm 1996 - 2005, VN chỉ công bố 3.456 công trình nghiên cứu trên các tạp chí thuộc danh mục ISI, bằng 1/5 so với Thái Lan, 1/3 với Malaysia và 1/4 Singapore.
Chính vì vậy mà không mấy người dân tin tưởng vào năng lực của lực lượng tinh hoa này. Đây là điều đau lòng bởi thật sự trong số đó có nhiều người giỏi, xuất sắc nhưng họ lại bị che lấp vào tai tiếng của những mối quan hệ, “hiểu biết” trong “cuộc đua” đạt chuẩn GS, PGS. Vì lẽ đó không ít người đã từ chối ngay từ đầu không tham gia vào cuộc chơi vốn nhiều dị nghị.
Đã đến lúc cần xem lại việc công nhận GS, PGS vì như cách làm hiện nay dù đầy đủ quy trình, thủ tục nhưng vẫn có nhiều kẽ hở cho những tiêu cực. Cũng cần phải thay đổi quan niệm về bằng cấp, học hàm, học vị để những người có học hàm này là những nhà khoa học thực sự, họ thấy xứng đáng với những danh xưng được mang và có đóng góp thật sự cho xã hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.