Sợ ngày ra đi chưa giải nỗi oan cho chồng!

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
02/08/2017 09:20 GMT+7

Đó là nỗi lòng đau đáu của cụ Nguyễn Thị Cầu (85 tuổi), ở xã Mỹ Đức, H.Phù Mỹ, Bình Định. Gần 50 năm qua, cụ và các con liên tục kêu oan cho chồng, cha mình.

Có công thành có tội
Theo hồ sơ của ông Dương Minh Trị (ở P.4, Q.8, TP.HCM; con trai cụ Nguyễn Thị Cầu) gửi Báo Thanh Niên, ông Dương Ngọc Chánh (cha ông Trị, sinh năm 1924) làm nghề y tư nhân và dạy học, sống tại thôn An Giang, xã Mỹ Đức, H.Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Ông Chánh từng hoạt động, giúp đỡ cách mạng từ năm 1955 đến 1968. Tháng 7.1968, ông Nguyễn Ngưu, Phó an ninh xã Mỹ Đức, chỉ đạo 3 nhân viên an ninh xã dẫn giải ông Chánh về trụ sở vì cho rằng “ông Chánh là gián điệp, mật báo viên, tình báo chống phá cách mạng”. Ngay trong đêm, ông Chánh bị trói, áp giải lên huyện nhưng bị sát hại trên đường đi.
Sợ ngày ra đi chưa giải nỗi oan cho chồng!- Ảnh 1.


Năm 1972, ông Trị thoát ly, tham gia kháng chiến chống Mỹ. Sau năm 1975, dù đã tốt nghiệp cấp 3 nhưng ông Trị không được kết nạp Đảng, không được cử đi học nghiệp vụ hay đào tạo cán bộ vì có “cha là phản động”. Em trai ông Trị là ông Dương Minh Ninh nhập ngũ, tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và hy sinh năm 1980.
Tháng 11.1980, Công an H.Phù Mỹ có văn bản gửi Ty Công an Nghĩa Bình khẳng định ông Chánh không có hành động chống đối cách mạng, từng làm cơ sở cho cách mạng trong vùng bị địch chiếm, nhưng chính quyền các cấp của địa phương vẫn không chấp nhận.
Ông Trị cùng mẹ tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan T.Ư để tìm công lý cho ông Chánh, cuối cùng cũng được minh oan. Liên tiếp trong 2 năm 2000 và 2001, Tổng cục An ninh (thuộc Bộ Công an) đã có 2 công văn gửi Ban Kiểm tra T.Ư và Ban Bảo vệ chính trị nội bộ T.Ư báo cáo về trường hợp xảy ra cái chết của ông Chánh, trong đó có kết luận ông Chánh không phải là cộng tác viên, tình báo viên của địch. Ngày 22.12.2003, Cục Bảo vệ chính trị 1 thuộc Tổng cục An ninh có báo cáo gửi Ban Bảo vệ chính trị nội bộ T.Ư khẳng định: Từ năm 2001 đến 2003, Cục Bảo vệ chính trị 1 đã phối hợp với Công an tỉnh Bình Định và công an các địa phương liên quan xác minh về cái chết của ông Chánh, kết luận “ông Chánh không phải là cộng tác viên, tình báo viên cộng tác với địch chống phá cách mạng”. Ngày 12.2.2004, Ban Bảo vệ chính trị nội bộ T.Ư có công văn gửi Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Thành ủy TP.HCM cũng kết luận: Ông Chánh không phải là phản động. Năm 2005, ông Trị mới được kết nạp Đảng.
Địa phương vẫn không nghe
Sau khi Tổng cục An ninh có văn bản minh oan cho ông Chánh, từ năm 2000 đến nay, ông Trị liên tiếp gửi hồ sơ đến các cơ quan chức năng đề nghị khen thưởng cho cha. Tuy nhiên, Đảng ủy xã Mỹ Đức vẫn giữ nguyên quan điểm ông Chánh có tội nên không xác nhận hồ sơ khen thưởng. Cuộc họp Đảng ủy xã Mỹ Đức mở rộng vào tháng 5.2011 đưa ra kết luận: Hành động và tội ác của Dương Ngọc Chánh đã quá rõ ràng, là tên phản cách mạng có hệ thống đã gây ra nhiều nợ máu và tội ác với nhân dân xã Mỹ Đức! Ngày 20.3.2017, Chủ tịch UBND H.Phù Mỹ có công văn trả lời ông Dương Minh Trị, trong đó khẳng định: Ông Dương Ngọc Chánh không có công với cách mạng nên không có thành tích để xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng.
Sợ ngày ra đi chưa giải nỗi oan cho chồng!- Ảnh 2.


Ngày 9.5.2017, Ban Tổ chức T.Ư tiếp tục có văn bản đề nghị Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định báo cáo cụ thể toàn bộ sự việc về trường hợp ông Dương Ngọc Chánh, tình hình hiện nay và hướng xử lý, giải quyết của địa phương. “Chúng tôi đã thông báo vụ việc cho Huyện ủy Phù Mỹ và Đảng ủy xã Mỹ Đức về ý kiến của Ban Tổ chức T.Ư và đang đôn đốc họ thực hiện ý kiến chỉ đạo này”, ông Trương Thiên Thành, Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định, cho biết.
Ngày 31.5, Thường vụ Huyện ủy Phù Mỹ đã họp và kết luận đề nghị Đảng ủy xã Mỹ Đức triển khai thực hiện kết luận của Ban Tổ chức T.Ư. Tuy nhiên, ngày 21.7, trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Trần Ngọc Minh, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Đức, cho biết: “Chúng tôi vẫn thống nhất quan điểm tại cuộc họp Đảng ủy xã Mỹ Đức mở rộng vào tháng 5.2011 như lâu nay đã báo cáo, ông Chánh có tội chứ không có công nên không đề nghị khen thưởng”.
Ông Trị cho biết sẽ tiếp tục gửi đơn, hồ sơ đề nghị các cơ quan chức năng khen thưởng cho cha. “Mẹ tôi được khen thưởng Huân chương Kháng chiến hạng ba, em tôi được công nhận là liệt sĩ. Nhưng nghĩ đến nỗi oan khuất của cha suốt mấy mươi năm trời mà rơi nước mắt. Mẹ tôi gần đất xa trời rồi, chỉ mong mỏi có ngày chồng mình được giải nỗi oan, được công nhận là người có công với cách mạng như những gì ông đã làm khi còn sống”, ông Trị nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.