Lũ lụt dữ dội khiến nhiều cộng đồng bị ngập và lực lượng ứng phó khẩn cấp đã tiến hành các hoạt động cứu hộ lớn. Vào ngày 27.9, đường sá, nhà cửa và doanh nghiệp ngập trong nước sau khi bão Helene đổ bộ gần thủ phủ Tallahassee của bang Florida qua đêm và tràn về phía bắc, khiến hàng triệu gia đình mất điện.
Bão Helene ban đầu mạnh cấp 4 khi đổ bộ vào đất liền, cấp cao thứ hai trong thang 5 cấp bão. Khi suy yếu thành bão nhiệt đới và cuối cùng là áp thấp nhiệt đới, Helene vẫn tiếp tục tàn phá nhiều tiểu bang, gây gió và mưa lớn, khiến Trung tâm bão quốc gia Mỹ (NHC) phải phát cảnh báo "tình trạng đe dọa đến tính mạng".
NHC thông tin cơn bão "vẫn đang gây ra lũ lụt lịch sử và thảm khốc" và cảnh báo về lũ quét ở thành phố Atlanta (bang Georgia), cũng như tại các bang Bắc Carolina, Nam Carolina và Tennessee.
Tại Nam Carolina, các quan chức cho biết ít nhất 14 người thiệt mạng, gồm 2 lính cứu hỏa. Bốn trong số trường hợp tử vong liên quan "cây đổ qua mái nhà". Trong khi ở Georgia, Thống đốc Brian Kemp thông báo có 11 người thiệt mạng, 115 công trình tại thành phố Valdosta hư hại nặng nề, với nhiều người bị mắc kẹt. Thống đốc Florida Ron DeSantis cho biết 7 người ở tiểu bang này thiệt mạng.
AFP dẫn lời cư dân Florida cho hay: "Tôi là người Florida, do đó tôi đã quen với bão, song nó đôi khi vẫn rất đáng sợ. Tôi cứ nghĩ không biết nhà của mình có thể bị thổi bay hay không?".
Chuyên gia khí hậu Andra Garner, từ Đại học Rowan ở bang New Jersey (Mỹ), nói rằng bão Helene đã đi qua vùng nước ấm tại Vịnh Mexico, phần nào lý giải cho việc cường độ của bão gia tăng nhanh chóng. Một số chuyên gia trước đó nêu rằng tình trạng nóng lên toàn cầu khiến biển ấm và bay hơi nhanh hơn, khiến các cơn bão sẽ ngày càng nguy hiểm hơn.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và chính quyền tiểu bang đã kêu gọi người dân chú ý đến cảnh báo di tản trước khi bão Helene đổ bộ. "Tình hình trông thật tệ", ông Biden nói với phóng viên ngày 27.9.
Bình luận (0)