Số người đạt chuẩn GS, PGS tăng kỷ lục

Quý Hiên
Quý Hiên
03/02/2018 09:45 GMT+7

Trong lịch sử 41 năm nhà nước tổ chức xét phong/công nhận đạt tiêu chuẩn phó giáo sư, giáo sư, chưa bao giờ số người được công nhận đạt tiêu chuẩn cao như năm nay.

Những con số kỷ lục
Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN) nhiệm kỳ 2014 - 2019 vừa công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) năm 2017. Theo đó, tổng số ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS là 1.226, trong đó ứng viên đạt tiêu chuẩn GS là 85, PGS là 1.141. Đây là những con số kỷ lục trong lịch sử 41 năm kể từ lần đầu tiên nhà nước tổ chức xét phong hàm GS, PGS cho các nhà giáo, nhà khoa học tiêu biểu.
Kỷ lục trước hết là số lượng người được công nhận đạt tiêu chuẩn PGS, GS. Lần xét đầu tiên (khi đó còn xét để phong hàm), cả nước chỉ có 29 nhà giáo/nhà khoa học được vinh danh vào năm 1956. Lần thứ hai, năm 1980, cả nước có 430 người. Từ đó về sau, nhà nước tổ chức xét phong (sau này là xét công nhận đạt tiêu chuẩn) nhiều lần nữa, và năm cao nhất (1996) cũng chỉ 981 người. Kể từ năm 2001, xét định kỳ hằng năm, số người được công nhận đạt GS, PGS hằng năm dao động từ khoảng 360 - 600 người/năm, chỉ có 2 năm 2009 và 2016 lên tới hơn 700 người.
Nhiều lãnh đạo cơ quan cấp bộ được công nhận
Như những năm trước, năm nay tiếp tục có nhiều cán bộ lãnh đạo cơ quan cấp bộ và thuộc bộ được công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS. Trong đó, tiêu biểu là bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế; ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH.
Kỷ lục nữa là số lượng ứng viên tham gia xét. Từ năm 2017 trở về trước, năm 2009 được xem là cao nhất, có tổng số 1.176 ứng viên. Năm 2016 có 931 ứng viên. Trong khi đó, năm 2017 có 1.537 ứng viên. Đã vậy, tỷ lệ đạt qua 3 vòng xét năm 2017 là 79,76%, cao hơn hẳn năm 2016 (75,51%) nên số ứng viên đạt năm 2017 cao gấp 1,74 lần so với năm 2016.
Người xứng đáng vẫn bị loại
Trước khi HĐCDGSNN công bố danh sách vào đầu tháng 2, trong dư luận đã có nhiều ý kiến nghi ngại về nguy cơ “lạm phát” ứng viên đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm 2017, thông qua số lượng hồ sơ nộp xét ở các hội đồng cơ sở cũng như số lượng hồ sơ được “đẩy lên” các hội đồng ngành tăng vọt.
Có người còn ví von cuộc xét hồ sơ ứng viên GS, PGS năm 2017 giống như “cưới chạy”. Dù việc xét công nhận ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS phải thực hiện trên cơ sở những quy định đã được lượng hóa, nhưng cách thức xét đã khiến hằng năm nhiều ứng viên xứng đáng (theo quy định) bị rơi rụng.
Về những dích dắc trong việc xét PGS, GS, một chuyên gia ngành luật cung cấp thông tin: Trong ngành luật, có những chuyên gia tuy nổi tiếng về chuyên môn trong ngành nhưng xin xét nhiều lần mới được hội đồng ngành bỏ phiếu cho đạt chuẩn GS hoặc PGS. Chẳng hạn thầy Nguyễn Ngọc Điện (Phó hiệu trưởng Trường Kinh tế - Luật thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM; Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Pháp) 4 lần xét; thầy Lê Hồng Hạnh (nguyên Hiệu phó Trường ĐH Luật Hà Nội, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp; hiện là Viện trưởng Viện ASEAN Hội Luật gia VN) 6 lần xét; thầy Nguyễn Ngọc Hòa (nguyên Hiệu phó Trường ĐH Luật Hà Nội) 7 lần xét. Ông Hoàng Thế Liên (nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp, Phó viện trưởng Viện Nhà nước và pháp luật thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN) 9 lần xét nhưng nay vẫn chưa được... Trong khi đó, có nhiều người hoạt động chuyên môn mờ nhạt thì xét 1 lần “ăn ngay”, trong đó có nhiều người là quan chức nhà nước không hành nghề dạy học.
Chia sẻ với Thanh Niên, nhiều nhà khoa học nổi tiếng trong chuyên ngành của mình (trong đó có người là giảng viên một trường ĐH kinh tế lớn, nhà kinh tế có nhiều công bố quốc tế) cho biết họ từ chối “cuộc chơi” xét công nhận GS, PGS ở VN, vì không muốn bị cuốn theo cuộc “chạy đua” thiếu đàng hoàng.
PGS Nguyễn Xuân Hùng, nhân vật từng được Thanh Niên viết bài như một điển hình cho người giỏi bị “trượt oan” ở cuộc xét công nhận GS, PGS cấp nhà nước năm 2016, cho biết năm nay anh không nộp hồ sơ nữa. “Tôi muốn dồn tâm trí cho khoa học”, PGS Nguyễn Xuân Hùng giải thích ngắn gọn.
Đạt chuẩn nhiều là do tăng thời hạn nộp hồ sơ ?
Theo lý giải của GS Trần Văn Nhung, Tổng thư ký HĐCDGSNN, số ứng viên năm 2017 có tăng là do ngày hết hạn nộp hồ sơ muộn hơn gần 6 tháng so với năm 2016 (năm nay là 5.11, năm 2016 là 25.5). Mặt khác, có thể các ứng viên mong muốn được xét theo quy định hiện hành trước khi có sự thay đổi về tiêu chuẩn chức danh. Tuy nhiên, GS Nhung khẳng định, các cấp HĐCDGS cơ sở và ngành nhìn chung thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế, các chỉ đạo của HĐCDGSNN. Do đó, số ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS tuy nhiều nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Chẳng hạn năng lực tiếng Anh của các ứng viên nhìn chung tốt hơn các năm trước, hoặc số lượng các bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí ISI và Scopus của các ứng viên tăng (tổng cộng có 5.316 bài) phù hợp với xu hướng tăng nhanh trong các năm gần đây.
Theo ông Nhung, nếu có việc những người bị loại xứng đáng hơn những người được công nhận thì cũng chỉ là hãn hữu. “Trong các cuộc thi, bao giờ cũng sẽ nảy sinh tâm lý nghi ngờ sự khách quan ở những người bị loại”, GS Nhung nói.
GS Nhung cũng cho biết, nhiều khả năng năm nay HĐCDGSNN sẽ không tổ chức lễ vinh danh ở cấp nhà nước với những người được công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS đợt năm 2017. “Tinh thần chung là tăng phân cấp phân quyền cho các cơ sở giáo dục ĐH. Việc xét này chỉ tạo sàn chung, sau đó giao về cho các cơ sở bổ nhiệm. Sau này, 5 - 10 hay 20 năm nữa thì sẽ phân cấp cho các cơ sở xét đạt tiêu chuẩn. Bước đầu phân cấp cho các trường lớn, sau đó dần dần là các trường khác, để trường ĐH có quyền tự chủ giống như các nước”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.