Số người về Giỗ tổ dự kiến tăng gấp 6 lần

Đình Huy
Đình Huy
29/04/2023 06:15 GMT+7

Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Trường Giang, Giám đốc Khu di tích lịch sử đền Hùng (Việt Trì, Phú Thọ), cho biết năm nay, ban tổ chức dự kiến có khoảng 6 triệu lượt khách về dâng hương, tham quan đền Hùng, cao hơn rất nhiều so với những năm trước.

 Năm 2022, trong 3 ngày nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, khu di tích này đón được khoảng 1 triệu lượt khách. Năm 2019, có 4,5 triệu lượt khách; năm 2018 khoảng 3 triệu lượt khách.

Theo ông Giang, để đảm bảo an ninh trong hôm nay (29.4), Ban Quản lý Khu di tích lịch sử đền Hùng phối hợp với Tỉnh đoàn Phú Thọ huy động khoảng 2.000 thanh niên tình nguyện để tạo ra những hàng rào mềm, ngăn chặn tình trạng ùn tắc, xô đẩy trong khi người dân lên đền Hùng dâng hương.

Số người về Giỗ tổ dự kiến tăng gấp 6 lần - Ảnh 1.

Hàng năm, hàng ngàn đồng bào cả nước tập trung về Phú Thọ dự lễ Giỗ tổ Hùng Vương

SVHTTDL PT

Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh Phú thọ, từ ngày 20 - 27.4 đã có trên 10.000 lượt phương tiện (cả ô tô và xe máy) về lễ hội đền Hùng. Trong đó, đông nhất là ngày chủ nhật 23.4 (tức mùng 4 tháng 3 âm lịch) với gần 2.000 lượt phương tiện. Công an tỉnh đã chủ động bố trí lực lượng gồm khoảng 1.000 chiến sĩ làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng giao thông và hướng dẫn du khách lên các đền bảo đảm trật tự an toàn trong khu vực lễ hội và vui chơi giải trí.

Theo ông Giang, tất cả các xe điện phục vụ dịp này đều đặt bảng giá và số ký hiệu xe. Trường hợp nhân viên lấy giá cao hơn hay chở khách quá số người so với quy định, du khách có thể gọi về số đường dây nóng có ghi trên xe. Trước đó, đã có xe điện bị dừng phục vụ vì vi phạm. Ông Giang cũng khuyến cáo du khách khi sử dụng dịch vụ ở đền Hùng nên thỏa thuận trước để tránh bị chặt chém, thiệt thòi.

Trước đó, các hoạt động lễ hội đền Hùng năm nay mang màu sắc di sản nổi bật. Điều đó được làm nên nhờ Liên hoan trình diễn các di sản phi vật thể được UNESCO ghi danh, một trong những hoạt động của Lễ hội đền Hùng. Gần 1.000 nghệ nhân đến từ 13 tỉnh, TP, chủ thể của 15 loại hình di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh đã giới thiệu di sản của mình. 

Cụ thể, Hà Nội có ca trù, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc. Bắc Ninh có dân ca Quan họ. Tuyên Quang giới thiệu thực hành Then Tày, Nùng, Thái. Yên Bái có nghệ thuật Xòe Thái. Vĩnh Phúc với thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt; nghi lễ và trò chơi kéo co. Phú Thọ có hát xoan, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Nghệ An giới thiệu dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh. Hà Tĩnh có ca trù, dân ca ví giặm. Thừa Thiên-Huế giới thiệu Nhã nhạc cung đình Huế. Quảng Nam có nghệ thuật Bài chòi Trung bộ. Bà Rịa-Vũng Tàu có nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ. Ninh Thuận giới thiệu nghệ thuật làm gốm của người Chăm. Đắk Lắk có không gian văn hóa Cồng chiêng Tây nguyên. 

Bên cạnh đó, trong lễ hội Đền Hùng năm nay, còn có nhiều trải nghiệm văn hóa Hùng Vương như Hội thi nấu bánh chưng, giã bánh dày tại Phú Thọ để người dân, du khách trải nghiệm nét văn hóa gắn với truyền thuyết Hùng Vương này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.