Ngày 13.12, UBND TP.Đà Nẵng có báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10.4 của Ban Bí thư và công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là chống khai thác IUU), chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần 5 tại TP.Đà Nẵng.
Tàu không đủ điều kiện giảm từ 1.036 còn 126 tàu
Tính đến hết tháng 11, tại TP.Đà Nẵng, tổng số tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên là 1.545 tàu. Trong đó, tàu cá ven bờ 716 chiếc (46%), tàu cá vùng lộng 227 chiếc (15%), tàu cá vùng khơi 602 chiếc (39%).
TP.Đà Nẵng đã hoàn thành cập nhật đầy đủ dữ liệu 1.509 tàu cá đã đăng ký vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (còn 36 tàu cá sẽ cập nhật sau khi được cấp đăng ký). Hiện tại, những tàu cá TP.Đà Nẵng đủ điều kiện hoạt động khai thác thủy sản đã thực hiện sơn đánh dấu, kẻ số đăng ký theo quy định.
Trong năm 2024, TP.Đà Nẵng đã hoàn thành rà soát, lập danh sách 1.036 tàu cá không đủ điều kiện hoạt động khai thác thủy sản (457 tàu đã đăng ký nhưng trễ hạn đăng kiểm, chưa cấp giấy phép khai thác thủy sản và 579 tàu cá "3 không"); tổ chức kiểm tra thực tế hiện trạng hoạt động các tàu cá và làm việc trực tiếp với từng chủ tàu để hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục cấp các loại giấy tờ theo quy định.
Đến hết tháng 11, cơ quan chức năng đã xử lý, đưa ra khỏi danh sách 910 tàu cá, gồm 656 tàu được cấp đầy đủ giấy tờ để hoạt động khai thác thủy sản và xóa đăng ký 254 tàu cá.
Hiện còn 126 tàu cá không đủ điều kiện hoạt động khai thác thủy sản, trong đó có 36 tàu cá "3 không" (tàu phát sinh không đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản) và 90 tàu cá đã đăng ký (tàu cá trễ hạn đăng kiểm, chưa cấp giấy phép khai thác thủy sản).
Lãnh đạo Sở NN-PTNT cho hay, 126 tàu cá không đủ điều kiện khai thác thủy sản đến hết tháng 11 vẫn chưa xử lý dứt điểm, do trong đó có 3 tàu cá đã liên hệ với các trung tâm đăng kiểm nhưng bị từ chối (máy chính của tàu không đảm bảo theo quy định).
Cụ thể, qua làm việc với các trung tâm đăng kiểm, tàu cá có chiều dài lớn nhất trên 12 m phải thực hiện các bước thiết kế, làm việc với cơ quan giám định để cấp giấy chứng thư giám định máy tàu, thẩm định thiết kế tàu cá, đưa tàu lên đà thực hiện kiểm tra lần đầu, chạy thử tàu… nên mất nhiều thời gian và kinh phí (15 - 30 triệu đồng).
"Bên cạnh đó, trình độ ngư dân còn hạn chế nên việc hướng dẫn hồ sơ mất rất nhiều thời gian gây ảnh hưởng đến quá trình giải quyết. Ý thức chấp hành của các chủ tàu cá còn thấp, một số chủ tàu không hợp tác với lý do không có tiền làm đăng kiểm để không thực hiện thủ tục cấp đầy đủ giấy tờ theo quy định, tàu nằm bờ ít đi biển...", lãnh đạo Sở NN-PTNT cho biết.
Phân công cán bộ giám sát tàu cá
Hiện nay, các đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp giấy tờ 126 tàu cá này.
Trong số 36 tàu cá "3 không", có 16 tàu cá đang làm đăng kiểm; có 15 tàu cá đang làm thủ tục cấp đăng ký tàu cá và giấy phép khai thác thủy sản; 4 tàu đang sửa chữa, đánh dấu tàu cá, làm hồ sơ đăng ký tàu cá; 1 tàu cá chưa làm đăng kiểm.
Đối với 90 tàu cá đã đăng ký (tàu cá trễ hạn đăng kiểm, chưa cấp giấy phép khai thác thủy sản): có 52 tàu cá đang làm đăng kiểm; 3 tàu cá đang liên hệ các đơn vị làm đăng kiểm; 10 tàu đang tạm ngừng hoạt động; 9 tàu đang làm thủ tục sang tên, xóa đăng ký; 2 tàu đang làm thủ tục cấp các giấy tờ; 14 tàu cá chưa thực hiện đăng kiểm tàu cá.
Để chống khai thác IUU, hiện Chi cục Thủy sản, các địa phương, lực lượng biên phòng làm việc với từng chủ tàu, yêu cầu thực hiện đúng cam kết để hoàn thành thủ tục, không đưa tàu cá đi hoạt động khai thác thủy sản khi chưa đầy đủ giấy tờ; không để ngư cụ, trang thiết bị khai thác thủy sản trên tàu.
Đối với các trường hợp không thực hiện cấp các loại giấy tờ theo quy định (tàu cá không đủ điều kiện để thực hiện đăng kiểm tàu cá, các đơn vị đăng kiểm từ chối thực hiện đăng kiểm, tàu ngừng hoạt động, chủ tàu không chịu làm đăng kiểm), cơ quan chức năng làm việc với từng chủ tàu, xác định nguyên nhân và hỗ trợ nguyện vọng như phá dỡ tàu cá, chuyển đổi nghề, vay vốn để có kinh phí làm đăng kiểm...
Đối với các trường hợp đã liên hệ các đơn vị đăng kiểm, cơ quan chức năng tập trung hỗ trợ giải quyết sớm hồ sơ cho ngư dân.
Đặc biệt, thời gian qua, Chi cục Thủy sản, các địa phương, lực lượng biên phòng đã phân công cụ thể cán bộ, đảng viên cơ sở phụ trách theo dõi, giám sát để nắm rõ hiện trạng từng nhóm tàu cá không đủ điều kiện hoạt động; đảm bảo phát hiện, ngăn chặn kịp thời các tàu cá có biểu hiện nghi vấn tổ chức đi khai thác hải sản.
Bình luận (0)