Số phận 2 ‘cục nợ’ xi măng Sông Thao, Hạ Long giờ ra sao?

26/09/2018 07:30 GMT+7

Hai ‘đại gia’ ngành xi măng một thời, từ thua lỗ nặng nề, Bộ Tài chính phải gánh nợ thay, được chuyển qua Vicem tái cơ cấu toàn diện, có kết quả bước đầu, song vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn.

“Di chứng” từ 2 ông lớn Sông Đà và HUD
Bộ Tài chính vừa có báo cáo đánh giá về tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2017 của Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem). Trong đó, đặc biệt lưu ý tới hai Công ty cổ phần gồm Xi măng Hạ Long và Xi măng Sông Thao.
Theo Bộ Tài chính, tại thời điểm ngày 31.12.2017, Xi măng Hạ Long có số lỗ lũy kế là 3.691 tỉ đồng dẫn tới âm vốn chủ sở hữu 2.229 tỉ đồng, hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn là 0,09 cho thấy công ty bị mất cân đối và mất an toàn về tài chính, rất khó khăn trong việc cân đối dòng tiền để trả nợ trong những năm tiếp theo.
Đối với Xi măng Sông Thao, Vicem tiếp nhận về từ HUD, doanh thu năm 2017 đạt 832 tỉ đồng bằng 94% so với năm 2016, lợi nhuận 0,56 tỉ đồng. Tại thời điểm ngày 31.12.2017, vốn đầu tư của chủ sở hữu là 639 tỉ đồng nhưng do số lỗ lũy kế lớn 430 tỉ đồng nên vốn chủ sở hữu chỉ còn 209 tỉ đồng; hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn thấp 0,16 lần, công ty mất an toàn về tài chính.
Những khó khăn của Xi măng Hạ Long và Sông Thao theo chuyên gia tài chính PGS-TS Ngô Trí Long vốn đã được Bộ Tài chính cảnh báo nhiều lần, thậm chí đã được “đặt” lên cả nghị trường Quốc hội về tình trạng vỡ nợ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngân sách. Khối u này đã tích tụ từ trước khi về với Vicem (xi măng Hạ Long được tiếp nhận từ Sông Đà vào tháng 3.2016 và Sông Thao được tiếp nhận từ Tổng công ty HUD vào tháng 6.2017).
Theo số liệu Thanh Niên có được, tại thời điểm Sông Đà chuyển giao Xi măng Hạ Long nợ phải trả lên tới gần 8.000 tỉ đồng, lỗ lũy kế 3.640 tỉ đồng. Sông Thao cũng bết bát không kém khi nợ phải trở hơn 1.000 tỉ đồng và lỗ lũy kế lên tới 436 tỉ đồng.
Điều đáng nói, do không thể tự cân đối để trả nợ dẫn đến Bộ Tài chính đã phải thực hiện trả nợ thay các khoản vay nước ngoài cho Xi măng Hạ Long với 7 kỳ liên tiếp, tổng nợ gốc 52,2 triệu EUR, trả nợ thay cho Xi măng Sông Thao 3 kỳ với tổng giá trị 1,92 triệu EUR và 2,92 triệu USD.
Đã có thể cân đối trả nợ
Thực hiện chỉ đạo từ Chính phủ và Bộ Xây dựng, Vicem phải đứng ra tiếp nhận và tái cơ cấu toàn diện xi măng Hạ Long và Sông Thao.
Theo báo cáo tài chính Xi măng Hạ Long, sau khi được Vicem tái cơ cấu và bổ sung vốn điều lệ (tăng 2 đợt với số tiền 960 tỉ đồng). Dòng tiền thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh hằng năm tăng từ 200-300 tỉ đồng so với trước. Đáng lưu ý, xi măng Hạ Long đã lần đầu tiên tự cân đối để trả nợ gốc và lãi các khoản vay nước ngoài là 853 tỉ đồng (43,06 triệu EUR và 3,06 triệu USD) và trả nợ Quỹ tích lũy 782 tỉ đồng (29,17 triệu EUR). Nợ phải trả của Xi măng Hạ Long đến nay còn 6.549 tỉ đồng (giảm 1.440 tỉ đồng so với thời điểm trước khi Vicem tiếp nhận).
Năm 2016 ghi nhận lợi nhuận trước thuế của Xi măng Hạ Long là 148,12 tỉ đồng. Năm 2017, lợi nhuận trước thuế lỗ 119,5 tỉ đồng. Song, khoản lỗ này không đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh mà do chênh lệch tỷ giá 312,15 tỉ đồng. Nếu loại trừ ảnh hưởng của chênh lệch tỷ giá cuối kỳ, thậm chí công ty còn có lãi 112,65 tỉ đồng.
Trong kế hoạch 2018, Xi măng Hạ Long đặt mục tiêu lãi 130 tỉ đồng trước thuế (chưa tính chênh lệch tỷ giá cuối kỳ).
Đối với Xi măng Sông Thao, sau khi Vicem tiếp nhận năm 2017 đã bắt đầu có lãi với lợi nhuận trước thuế 0,56 tỉ đồng. Dự kiến năm 2018, công ty cũng mạnh dạn đưa ra con số này là 30 tỉ đồng. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Sông Thao cho thấy, dòng tiền thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh hằng năm đã tăng khoảng 50 tỉ đồng mỗi năm. Dù chưa được Vicem tăng vốn nhưng Xi măng Sông Thao đã tự cân đối để trả nợ, đặc biệt là các khoản nợ Quỹ tích lũy của Bộ Tài chính. Cụ thể, Xi măng Sông Thao đã trả quỹ này 96,8 tỉ đồng (1,92 triệu EUR và 1,94 triệu USD). Dự kiến Sông Thao sẽ trả nợ hết số nợ còn lại 22,4 tỉ đồng (0,975 triệu USD) cho Quỹ tích lũy Bộ Tài chính trong năm 2018.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, số liệu cụ thể mới nhất trong 9 tháng năm 2018 Bộ Tài chính đang tổng hợp rà soát. Còn về tình hình chung, hai công ty này đã bắt đầu cân đối để trả các khoản nợ cũ trước đó. Song, quá trình tái cơ cấu còn nhiều khó khăn, dẫn tới việc cổ phần hóa Tổng công ty Vicem đang bị chậm, chưa xác định được giá trị doanh nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.