Số phận hẩm hiu của chiếc Rafale

04/12/2011 14:41 GMT+7

(TNTS) Vào năm 2008, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE, ký thỏa thuận với Pháp để mua 60 chiếc tiêm kích Rafale, thế nhưng đến nay thỏa thuận này đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ và hai bên không ký được hợp đồng.

Cơ hội để Pháp ký kết một hợp đồng nhằm bán chiếc tiêm kích Rafale ra nước ngoài theo năm tháng ngày một mờ mịt. Thỏa thuận mà hãng Dassault, Pháp, đạt được với UAE hồi năm 2008 giờ đây lại bị phía UAE cho là "không có tính cạnh tranh và không có hiệu lực". Đã thế, UAE mới đây lại tuyên bố sẽ đấu thầu để mua 60 chiếc tiêm kích. Như vậy, Pháp buộc phải cạnh tranh với các nhà sản xuất máy bay khác của phương Tây, trong đó có Boeing và có thể cả Lockheed Martin của Mỹ.

Cần nhắc lại rằng, từ trước đến nay, UAE luôn được coi là khách hàng nước ngoài tiềm năng đầu tiên đối với chiếc Dassault Rafale. Cuộc đàm phán giữa Abu Dhabi và Paris bắt đầu vào năm 2008. Khi đó nhằm nhanh chóng ký kết hợp đồng giữa hai bên, Tổng thống Pháp Sarkozy còn hứa sẽ có những ưu đãi trong thương vụ này cho UAE. Tựu  trung, UAE mua 60 chiếc Rafale là để thay thế cho những chiếc Dassault Mirage 2000 được mua vào những năm 1990 và giờ chúng đã trở nên cũ kỹ, lạc hậu. Tổng giá trị hợp đồng ước tính là 10 tỉ USD.


 Một chiếc Rafale cất cánh từ tàu sân bay - Ảnh: wikimedia.org

Trong quá trình đàm phán, UAE yêu cầu Pháp phải lắp động cơ Snecma M88-2 cho chiếc Rafale, mạnh hơn so với động cơ M88 mà không lực Pháp đang sử dụng cho loại máy bay này. Ngoài ra, phía UAE còn đòi hỏi phải có ăng-ten RBE2-AA của hãng Thales, Pháp. Dự kiến năm 2012, loại ăng-ten này sẽ được lắp đặt cho những chiếc Rafale của không lực Pháp. UAE còn đặt hàng Pháp loại thiết bị dò sóng Thales SPECTRA và quan trọng hơn là muốn cùng hợp tác sản xuất Rafale cho không lực của mình.

Kết quả các cuộc đàm phán giữa Pháp và UAE hầu như không được công bố. Tuy thế, vào tháng 9.2010, có thông tin cho thấy hai bên không đạt được thỏa thuận. Ngày 21.9.2010, Bộ Quốc phòng UAE yêu cầu hãng Boeing, Mỹ, cung cấp thông tin về chiếc tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet. Điều này được cho là động thái gây sức ép với Pháp, buộc Pháp phải giảm giá bán chiếc Rafale (tùy thuộc vào kiểu loại, giá một chiếc Rafale dao động từ 85 đến 124 triệu USD). Trong khi đó Boeing rao bán Super Hornet giá từ 60 - 80 triệu USD/chiếc. 


 Rafale - Ảnh: kovy.free.fr

Vào đầu tháng 7.2011, Bộ Quốc phòng UAE còn đàm phán với hãng Lockheed Martin, Mỹ về khả năng mua loại F-16 Fighting Falcon. Loại tiêm kích này (chưa trang bị vũ khí) có giá 75 - 80 triệu USD/chiếc. Trước sức ép như vậy, vào tháng 10.2011, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Gerard Longuet tuyên bố Dassault sẵn sàng nhượng bộ. 

Vào ngày 14.11 vừa qua, Bộ Quốc phòng UAE còn gửi thư cho Tập đoàn Eurofighter, châu u, đề nghị cung cấp thông tin về chiếc tiêm kích Typhoon. Eurofighter bán loại máy bay này với giá 120 triệu USD/chiếc. Hai ngày sau đó - 16.11, có thông tin cho biết đàm phán giữa Pháp - UAE hầu như đã đổ vỡ. Chính vì lý do này mà UAE tuyên bố đấu thầu để mua 60 chiếc tiêm kích như đã nói ở trên. Tham gia đấu thầu có hãng Boeing (mời chào chiếc F-15 Eagle và chiếc F/A-18E/F), còn Eurofighter là chiếc Typhoon. Chưa rõ Lockheed Martin có tham dự hay không.

Đề cập đến sự đổ vỡ trong đàm phán với Pháp, một quan chức cao cấp quân đội UAE nói: Pháp đã làm tất cả về mặt ngoại giao để đảm bảo cho hợp đồng được ký kết, nhưng hãng Dassault dường như lại không hiểu là cả về chính trị, cả về ngoại giao cũng không thể đặt trên các điều kiện thương mại, tính cạnh tranh thiết thực của hợp đồng. Vào cuối tháng 10.2011, Tổng thống Pháp đã phân công Bộ trưởng Ngoại giao Alian Juppe chịu trách nhiệm các cuộc đàm phán với UAE, nhưng tiếc thay kết quả lại không được như ý muốn.


 Chiếc Typhoon sẽ cho Rafale “ăn khói” trong cuộc đấu thầu tại Ấn Độ? - Ảnh: 4.bp.blogspot.com

"Giá của Rafale quả là đau đầu" - Phó tổng tư lệnh quân đội UAE Mohamed bin Zayed nói. Ông Zayed bổ sung thêm là giới chức quân đội UAE còn không hài lòng với trang thiết bị kỹ thuật đi kèm của chiếc tiêm kích này. Ngoài ra, nhiều khả năng Dassault còn từ chối hợp tác sản xuất Rafale tại UAE. Trong khi đó, phía Dassault không bình luận về những gì đang diễn ra. Nguồn tin của Reuters cho biết, thực tế thì mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường, Pháp và UAE vẫn tiếp tục đàm phán. Việc mời chào Eurofighter chẳng qua là để dìm giá mà thôi (!?).  

Rất có thể Rafale là đích ngắm cuối cùng của UAE và việc thông báo đấu thầu chỉ nhằm đạt được những điều khoản có lợi hơn trong "cuộc chơi" với Pháp. Bởi ngoài lý do về quân sự, thì UAE mua Rafale là muốn củng cố về mặt chính trị đối với Pháp. Trường hợp tương tự từng xảy ra: Vào năm 2007, Brazil mở thầu F-X2 để mua máy bay tiêm kích. Tham dự đấu thầu có các loại máy bay: Dassault Rafale (Pháp), Saab JAS 39 Gripen NG (Thụy Điển), Boeing F/A-18 Super Hornet (Mỹ) và Su-35 của Nga. Đến năm 2010, tại Brazil diễn ra vụ lùm xùm về cuộc đấu thầu này giữa Tổng thống Brazil và bộ trưởng quốc phòng nước này. Khi đó Tổng thống Jose Paulo Silva chọn chiếc Rafale thì Bộ Quốc phòng Brazil lại chọn chiếc Gripen vì dễ vận hành và chi phí bảo dưỡng rẻ hơn. Tuy thế đến đầu năm 2011, do khó khăn về tài chính nên đương kim Tổng thống Dilma Rousseff đã ngừng cuộc đấu thầu này.

Trong những năm qua, hãng Dassault đã rao bán chiếc Rafale với Thụy Điển, Oman, Kuwait, Libya. Libya không mua máy bay của Pháp, nhưng trong chiến dịch chống nước này của NATO cách đây không lâu, người dân Libya đã thấy những chiếc Rafale trên bầu trời của mình. Các nước còn lại cũng không quan tâm đến chiếc tiêm kích mà Pháp rất tự hào này. 

Hiện chiếc Rafale và chiếc Typhoon đang vào vòng chung kết của cuộc đấu thầu nhằm mua 126 chiếc tiêm kích đa năng tầm trung của Ấn Độ. Trước đó, chiếc Mig-35, F-16IN, F/A-18E và Gripen đã bị loại "khỏi vòng chiến đấu". Chiếc máy bay thắng thầu sẽ được công bố vào cuối năm nay, hoặc chậm nhất là đầu năm 2012. Không loại trừ trong cuộc đua này Rafale đã bị Typhoon cho “ăn khói” ngay từ bây giờ.

Ngữ Tử Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.