Người ngoài cuộc khó lòng biết được ở đất nước giàu có với thu nhập bình quân đầu người đứng thứ ba thế giới (theo xếp hạng năm 2010 của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF) và mọi thứ được số hóa đến mức tinh vi, lại có những người phụ nữ sống như nô lệ. Họ là phương tiện thỏa mãn tình dục, con ở, hầu hạ cha mẹ bệnh tật của chồng.
|
Sống trong sợ hãi
Bỏ công việc bán hàng, May (tên các nhân vật thật đã được đổi) rời Trung Quốc sang Singapore du lịch và tìm luôn một tấm chồng ở xứ người. Những tưởng lấy một người đàn ông Singapore đáng tuổi cha mình, May sẽ có chỗ nương thân. Dè đâu, ông ta là một con nghiện cờ bạc, kiếm sống bằng nghề bán băng đĩa lậu, ngày ngày trút lên đầu vợ những lời chửi mắng thô tục và những cú đấm thẳng tay.
Mary là một cô gái Campuchia sống ở Việt Nam, cách đây vài năm, cô qua Singapore du lịch và làm quen rồi kết hôn với một người lái taxi. Cuộc sống ở xứ người là những ngày dài bị giam hãm trong 4 bức tường bởi người chồng thô bạo cấm cô ra ngoài. Mỗi lần uống say, ông ta lại đánh đập và phun vào vợ những câu tệ hại bằng tiếng Anh và tiếng Malay mà về sau cô mới hiểu, như: “Đồ ngu ngốc. Tao có thể quẳng mày về Việt Nam bất cứ lúc nào”. Trong một lần bị chồng hành hạ, Mary gọi cảnh sát và 2 mẹ con được đưa ra ở tạm trong một nhà mở.
Dù nhẫn nhục chịu đựng, May và Mary mang trong lòng nỗi sợ hãi thường trực rằng một ngày kia người chồng bạc ác đến Cục Di trú yêu cầu hủy bỏ thẻ tạm trú dài hạn của vợ mà ông ta là người bảo lãnh. Khi đó, họ phải về nước và vĩnh viễn lìa xa con.
Theo thống kê của Ủy ban Dân số quốc gia năm 2009, có tới 41% số cuộc hôn nhân của người Singapore là kết hôn với người nước ngoài, chủ yếu là đàn ông Singapore lấy phụ nữ từ các nước châu Á khác. Độ tuổi của các chú rể này cũng ngày càng tăng, khoảng 35% trên 40 tuổi.
Tổ chức thiện nguyện Beyond Social Services (BSS) của Singapore vừa thực hiện một nghiên cứu về cuộc sống của những phụ nữ nước ngoài kết hôn với đàn ông Singapore. Trong số 9 người mà BSS tiếp cận, có 8 cô lấy người không có việc làm ổn định, 1 người có chồng là kỹ thuật viên nhưng ông này từng bị ở tù vì không có tiền chu cấp cho vợ cũ. Trong 8 người đàn ông ít học kia cũng có 5 người từng ở tù vì nhiều tội danh khác nhau.
Khi được hỏi vì sao lại chấp nhận kết hôn với người như vậy, cả 9 cô đều trả lời: muốn thoát nghèo. Tuy nhiên, họ không biết rằng chồng họ nuôi thân còn chật vật, lấy đâu ra lo cho gia đình, Straits Times nhận định. Sở dĩ những người đàn ông này lấy vợ trễ là bởi họ ít học và quá nghèo để có thể tìm được vợ bản xứ. Ngày nay, khi những cô gái từ các nước nghèo hơn sẵn sàng sang Singapore “tìm chồng” và giá mai mối quá rẻ, nhiều người thu nhập kém cũng có thể cưới được một cô dâu nước ngoài trẻ đẹp.
Tương lai mờ mịt
Báo cáo nghiên cứu của BSS cũng đề cập một cô gái Việt Nam. Hồng, 18 tuổi, được đưa sang Singapore bởi một công ty mai mối có văn phòng tại khu chợ Golden Mile Complex. Ngồi ở văn phòng mai mối chỉ 2 ngày, nhan sắc xinh tươi của cô đã thu hút một chàng trai ngoài 20 tuổi và mẹ của anh ta. Khốn nỗi, người thanh niên tốt nghiệp trung cấp kỹ thuật cũng là một kẻ thất nghiệp nhu nhược và mọi thứ đều do bà mẹ doanh nhân sắp đặt.
Cưng chiều con trai bao nhiêu, bà này càng hành hạ con dâu bấy nhiêu. Bà cấm Hồng ra ngoài một mình hay giao thiệp với bất cứ ai. Buồn giận ai bà đều trút lên đầu con dâu. Hồng sống trong gia đình như một con ở. Một lần hai vợ chồng đi dự một bữa tiệc mà không cho bà biết, lúc trở về, bà đuổi Hồng ra khỏi nhà. May thay, cô tìm được một chủ quán ăn chấp nhận xin cho cô giấy phép làm việc phụ bếp, nên cô có thể tiếp tục lưu lại Singapore bằng chính sức lao động của mình. 6 tháng sau, Hồng nhận được tin nhắn của chồng, yêu cầu ly hôn để cưới cô bạn gái cũ. Đó là lệnh của bà mẹ chồng. Bà này cũng buộc Hồng phải trả 1.000 SGD (17 triệu đồng) phí ly hôn.
Chung quy lại, thân phận của phần đông các cô gái nghèo, ít học, muốn thoát nghèo bằng cách lấy chồng Singapore đều giống nhau: lệ thuộc. Họ không được làm việc, không có quốc tịch hay quy chế thường trú vĩnh viễn. Họ phụ thuộc hoàn toàn vào người chồng (vốn đã chật vật tiền nong lại thấp bé về địa vị) về kinh tế lẫn tư cách tạm trú. Bản thân họ lẫn con cái họ, vì thế, không có một sự đảm bảo nào nếu một ngày kia người chồng ngoảnh mặt.
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)
Bình luận (0)