Là khách mời tham gia tọa đàm, anh Đào Anh Tú đến từ Công Nghệ Việt cho biết buổi tọa đàm đi sâu vào vấn đề mà mình quan tâm, anh nói: "Ví điện tử từ lâu là ứng dụng thanh toán chính của tôi trên không gian mạng, tôi thường sử dụng thanh toán cho các dịch vụ mà thanh toán bằng tiền mặt không thể làm được như dịch vụ iCloud, Drive... Cái tôi quan ngại nhất khi dùng ví điện tử là vấn đề bảo mật, vì quá trình thanh toán quá nhanh nên cũng sợ mất an toàn. Là người làm về công nghệ thì tôi cũng không quá lo ngại bảo mật, nhưng nhiều người dùng, đặc biệt là người lớn tuổi thường không rành công nghệ thì đây cũng sẽ là một rào cản nếu muốn phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt đến đối tượng này".
TỌA ĐÀM TRỰC TUYẾN: Để đảm bảo an toàn trong các giao dịch không dùng tiền mặt |
Còn ông Trần Quốc Dũng - khách mời đến từ Signify Việt Nam cho biết: "Là người dùng hệ điều hành iOS và ví điện tử MoMo, tôi gần như đều đặn thanh toán cho các dịch vụ điện, nước, internet, mua hàng qua Tiki, nạp tiền điện thoại... Tôi cho rằng dù iOS là hệ điều hành bảo mật, nhưng hiện nhiều đối tượng lừa đảo đang lợi dụng tính năng gửi iMessage miễn phí để spam các đường liên kết nghi ngờ là lừa đảo để chiếm đoạt tài khoản. Vì vậy tôi cũng cảnh giác, xóa hoàn toàn các tin nhắn với nội dung chào mời lừa đảo, cũng như không nhập thông tin cá nhân hay mật khẩu OTP theo như khuyến cáo của ví MoMo".
Buổi tọa đàm nhận được nhiều ý kiến từ phía khách mời |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Về phần mình, ông Phạm Phan An đến từ công ty Smartlink Việt Nam đồng ý với anh Ngô Trần Vũ - khách mời tọa đàm đến từ Nam Trường Sơn, anh nói: "Đúng là người dùng cần phải trang bị kiến thức để tự bảo vệ mình, dù sao thì phòng bệnh vẫn hơn là chữa bệnh. Đặc biệt với ví điện tử và tài khoản ngân hàng điện tử, chỉ cần sơ suất thì tiền trong tài khoản sẽ dễ biến mất, việc đòi lại là cả một quá trình tiêu tốn thời gian công sức nhưng khả năng thành công lại rất thấp. Tôi cho rằng nhà cung cấp dịch vụ, các công ty Fintech cũng nên có động thái thông báo thường xuyên vì các hành vi lừa đảo thay đổi rất tinh vi. Như tôi thường xuyên bị nhận những tin nhắn giả dạng là từ ngân hàng (hình thức SMS brandname) với liên kết đến website có tên miền gần giống để thay đổi mật khẩu. Vì đã được cảnh báo nên tôi không bao giờ nhấp vào chúng".
Là một người làm marketing lâu năm, chị Tô Lan Anh đồng ý với quan điểm của nhà báo Phạm Hồng Phước - khách mời đại diện cho người tiêu dùng, chị nói: "Bảo mật là vấn đề đặc biệt được khách hàng (người tiêu dùng cuối) và đơn vị phát triển sản phẩm như Fintech quan tâm đối với các ứng dụng, sản phẩm công nghệ. Khi sự cố bảo mật xảy ra, cần phải nhìn nhận đây là trách nhiệm chung của đôi bên. Chính vì thế, cần phải có giải pháp để đơn vị cung cấp dịch vụ/sản phẩm thể hiện rõ trách nhiệm, đồng thời khách hàng cũng nâng cao kiến thức về bảo mật hiệu quả, an toàn. Hiện nay, chuyển dịch từ thanh toán truyền thống sang các hệ sinh thái không dùng tiền mặt như ví điện tử đang trở thành xu hướng, được khuyến khích sử dụng vì tính tiện lợi, linh hoạt, nhanh chóng và an toàn. Đối với vấn đề an toàn bảo mật, tôi nhận thấy nên có giải pháp về bảo hiểm để phân bổ ngân sách để đầu tư nâng cấp liên tục hệ thống bảo mật và chia sẻ rủi ro thì mới khả thi cho cả người dùng cuối và phía phát triển sản phẩm. Ví dụ: phía ngành giao thông, ô tô thường có bán gói bảo hiểm tai nạn cho xe, máy bay cũng có gói bảo hiểm. Vậy nên chăng ở ngành Fintech cũng nên xây dựng chương trình bảo hiểm theo gói dành cho khách hàng khi sử dụng ví điện tử hoặc thẻ ngân hàng. Chi phí có thể chia nhỏ theo giao dịch để người dùng cảm thấy không áp lực và an tâm hơn. Điều này có thể góp phần thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt một cách hiệu quả và giải được bài toán về bảo mật cho các bên".
Nhà báo Phạm Hồng Phước tại buổi hội thảo |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
“Để an toàn trong các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt” là chủ đề tọa đàm do Báo Thanh Niên phối hợp cùng Ví điện tử MoMo, Ví điện tử ZaloPay, Ví điện tử ShopeePay, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank), Công ty cổ phần TNHH Tiki và Công ty TNHH Bảo mật Nam Trường Sơn tổ chức. Chương trình diễn ra tại tòa soạn Báo Thanh Niên (268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM) và được tường thuật trên các kênh của báo như thanhnien.vn, các nền tảng Facebook, YouTube của Báo Thanh Niên… Buổi tọa đàm xoay quanh xu hướng tiêu dùng không tiền mặt trên thế giới cũng như tại Việt Nam; những lợi ích - khó khăn mà hình thức giao dịch này mang lại cho cả người tiêu dùng lẫn đơn vị cung cấp dịch vụ, các nhà quản lý. Các chuyên gia cũng sẽ chia sẻ cái nhìn chi tiết hơn về những hình thức lừa đảo trực tuyến của giới tội phạm.
Bình luận (0)