Trong khuôn khổ buổi tọa đàm "Để an toàn trong các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt" do Báo Thanh Niên tổ chức vào sáng 30.3, các khách mời là đại diện đến từ ví điện tử MoMo, ZaloPay và hãng bảo mật Kaspersky đã chia sẻ về những phương thức lừa đảo trực tuyến, trong đó đặc biệt nổi lên những năm gần đây là lừa đảo nhắm đến người dùng sử dụng các hình thức thanh toán trực tuyến.
Ông Nguyễn Bá Diệp - Đồng sáng lập, phó chủ tịch Ví điện tử MoMo tại hội thảo |
Đào Ngọc Thạch |
Chia sẻ về xu hướng không dùng tiền mặt, ông Nguyễn Bá Diệp - Đồng sáng lập, Phó chủ tịch Ví MoMo nhận định thanh toán không tiền mặt đang là xu hướng chung của toàn cầu. Theo báo cáo từ McKinsey và Boku, dự kiến năm 2025 sẽ có một nửa dân số toàn cầu sử dụng ví điện tử để thanh toán. Sau đại dịch, xu hướng thanh toán qua QR code, ví điện tử cũng được ghi nhận gia tăng hơn đáng kể.
Việt Nam cũng không đứng ngoài xu hướng này, bình quân mỗi năm lượng thanh toán qua di động tăng 90%, giá trị tăng 150%. Trong thời gian qua các ngân hàng và ví điện tử bỏ phí giao dịch chuyển tiền, đây là một tác động rất lớn đến xã hội. Chính phủ cũng đi tiên phong thanh toán phí dịch vụ công qua cổng thanh toán điện tử.
Bảo mật - nỗi lo lớn nhất của thanh toán không dùng tiền mặt
Trong phần trao đổi về phương thức lừa đảo, ông Ngô Trần Vũ - Giám đốc điều hành NTSS cho biết hiện hacker đang có rất nhiều cách tiếp cận thiết bị của nạn nhân. Trên thị trường có rất nhiều ứng dụng được thiết kế để bí mật giám sát thiết bị của người dùng hòng tìm ra lỗ hổng và chiếm đoạt tiền.
Với chiếc smartphone và ứng dụng ví điện tử, chỉ cần người dùng có tư duy bảo mật lơ là sẽ là một mối nguy hại, vì vậy mỗi người phải có ý thức bảo mật cho chính mình. Ông Vũ nhận định có thể sẽ sớm xảy ra một thảm họa rất lớn nếu xu hướng không tiền mặt phát triển và nhiều khách hàng lớn lơ là với vấn đề bảo mật.
Theo ông Ngô Trần Vũ, khâu yếu nhất của bảo mật đến từ người dùng |
Đào Ngọc Thạch |
Đối với vấn đề bảo mật, ông Vũ đề cập đế việc người dùng Việt thường ưu tiên giải pháp dùng phần mềm miễn phí, dù vậy loại phần mềm này lại đi kèm quảng cáo và không đảm bảo tính an toàn. Ông cho biết thường sau khi có sự cố an ninh mạng do virus, người dùng Việt mua phần mềm Kaspersky rất nhiều, nhưng sau đó vài tháng thì lại như trước.
Với smartphone tỷ lệ mua ứng dụng diệt virus bản quyền còn thấp hơn trên máy PC, người dùng thường có suy nghĩ rằng nếu máy nhiễm malware chỉ cần xóa và cài lại là xong. Nhưng hiện smartphone đang có nhiều ứng dụng banking và thanh toán online.
Hiện hacker đã chuyển hướng từ viết virus phá máy tính sang khai thác, kiếm tiền từ người dùng. Doanh thu từ hoạt động tội phạm này là rất lớn nhưng lại an toàn hơn, nạn nhân đôi lúc chỉ mất số tiền rất bé sẽ không vì thế mà báo cáo với nhà chức trách, nhưng hacker có thể thu thập từ một tập nạn nhân rất đông và như vậy số tiền bị lấy đi là rất lớn.
Bổ sung cho nội dung này, ông Ngô Tuấn Vũ Khanh - Giám đốc Kaspersky Việt Nam cho biết các giải pháp chống gian lận thanh toán ở phía người dùng cuối là cực kỳ hạn chế. Hiện các ngân hàng và dịch vụ thanh toán chỉ bảo vệ ở hệ thống, trong khi thanh toán gian lận xảy ra ở người dùng cuối đến 80%. Việc triển khai hệ thống ngăn chặn gian lận thanh toán phía người dùng hoàn toàn khác với ở các hệ thống lớn.
Đơn vị cung cấp thanh toán không tiền mặt cần có giải pháp bảo vệ người dùng
Đối với các ví điện tử như Momo, ông Nguyễn Bá Diệp cho biết có 2 thứ người dùng cần phải kiểm soát là mật khẩu và OTP. Hacker cũng sẽ tập trung lấy được những thông tin này để chiếm đoạt, từ việc lừa đảo cài các ứng dụng không rõ nguồn gốc, nhưng phổ biến và đạt hiệu quả cao nhất là dùng các phương thức lừa đảo như gọi điện thông báo nhận thưởng, thuyết phục khách hàng đưa các thông tin cần thiết.
Bà Trương Cẩm Thanh tại buổi tọa đàm |
Đào Ngọc Thạch |
Bà Trương Cẩm Thanh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần ZION, đơn vị chủ quản ví điện tử ZaloPay cho rằng với các ứng dụng ví điện tử và thanh toán ngân hàng, người dùng cần phải cẩn trọng. ZaloPay cũng đã và đang truyền thông bằng tất cả các kênh để nhằm cảnh báo.
Dù vậy người dùng vẫn là chốt chặn cuối cùng trong các khâu bảo mật. Theo bà, dù số sự cố xảy ra đang là rất nhỏ, nhưng độ lan truyền trên mạng xã hội là rất cao do tâm lý người dùng.
Ở góc độ người dùng, nhà báo Phạm Hồng Phước cho rằng khi xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt càng gia tăng, càng nhiều người dùng thì nguy cơ bảo mật ngày càng cao. Ông Phước nói dù vấn đề bảo mật hiện nay phần lớn là từ người tiêu dùng, nhưng nếu chỉ như vậy thì người dùng sẽ không lựa chọn giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt là an toàn nhất.
Nhà báo Phạm Hồng Phước, đại diện cho người tiêu dùng tại buổi tọa đàm |
Đào Ngọc Thạch |
Điều người dùng mong muốn nên là có một lớp bảo vệ được chính các đơn vị cung cấp giải pháp thanh toán chứ không phải chỉ nhận được thông báo cảnh báo mỗi ngày. Ông Phước cho rằng từ phía ví điện tử, ngân hàng nên chú trọng lớp bảo mật dành cho phía người dùng, và nên có một tổ chức thứ ba khách quan đứng ra nhằm là kênh hỗ trợ cho người dùng. Các tổ chức Fintech cũng nên xem lại việc truyền thông cho người dùng, trong đó định hướng ở mặt tiện ích, còn sự cố bảo mật chỉ là một vài trường hợp hạn hữu.
Để giúp người dùng giữ an toàn khi thanh toán trực tuyến, ông Ngô Trần Vũ cho biết cách tốt nhất là dùng một chiếc smartphone 'sạch' chỉ dành cho việc thanh toán, không cài ứng dụng nào khác để an toàn, đồng thời có thể dùng phần mềm bảo mật đến từ các hãng như Kaspersky.
Các chuyên gia tham dự buổi tọa đàm |
đào ngọc thạch |
“Để an toàn trong các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt” là chủ đề tọa đàm do Báo Thanh Niên phối hợp cùng Ví điện tử MoMo, Ví điện tử ZaloPay, Ví điện tử ShopeePay, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank), Công ty cổ phần TNHH Tiki và Công ty TNHH Bảo mật Nam Trường Sơn tổ chức. Chương trình diễn ra tại tòa soạn Báo Thanh Niên (268 -270 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM) và được tường thuật trên các kênh của báo như thanhnien.vn, các nền tảng Facebook, YouTube của Báo Thanh Niên… Buổi tọa đàm xoay quanh xu hướng tiêu dùng không tiền mặt trên thế giới cũng như tại Việt Nam; những lợi ích - khó khăn mà hình thức giao dịch này mang lại cho cả người tiêu dùng lẫn đơn vị cung cấp dịch vụ, các nhà quản lý. Các chuyên gia cũng sẽ chia sẻ cái nhìn chi tiết hơn về những hình thức lừa đảo trực tuyến của giới tội phạm.
Bình luận (0)