Sở thích, hành động của cha mẹ, người già có khi đối với chúng ta là “khó coi”, “kỳ cục”, “vô lý”, “không cần thiết”...
Một lần đến Bệnh viện FV (TP.HCM), ra về, chứng kiến một sự việc làm tôi cứ suy nghĩ hoài.
Khi đứng đợi thang máy ở tầng 6, tôi gặp một cụ bà chừng ngoài 70 tuổi, tay mang lỉnh kỉnh đồ, toàn những thứ dành cho người bệnh, nào sữa tươi, nước yến, sữa Ensure…, đứng cạnh là một cô gái ăn mặc rất thời trang, gọi cụ bà là mẹ. Điều ngạc nhiên là cô gái trẻ, khỏe lại vòng tay đứng nhìn mẹ tay xách nách mang và luôn miệng càm ràm: “Kêu bỏ hết đi mà không chịu, xách chi ba thứ đó về?”.
|
Khi người bảo vệ đứng ở cầu thang cười hỏi thăm “nay cụ xuất viện hả” thì tôi chợt hiểu, hóa ra hôm nay cụ bà ra viện, cụ mang tất cả những thứ ấy (có lẽ của người thân quen tặng cho lúc đến thăm) về nhà trong khi cô con gái không bằng lòng. Chưa chịu dừng, vào trong thang máy, vẫn thái độ hằn học, cô gái tiếp tục: “Có gì quý đâu, ba cái nước yến. Về nhà không có thì mua”. Lúc này, trong thang máy, ngoài tôi còn có nhiều người, thấy con gái khó chịu với mình giữa chốn đông, cụ bà như ngượng rồi nói lí nhí “thôi kệ mà”, vừa nói, cụ vừa liếc nhìn mọi người chung quanh rồi cúi nhìn mấy món đồ nặng trĩu trên tay.
Tôi đoán, cô con gái cũng khá giả nên mới đủ sức để đưa mẹ đến bệnh viện này điều trị, còn bản thân bà cụ thì không giàu hoặc nếu là người giàu thì cụ bà là người rất cần kiệm. Giá như cô gái hiểu được mẹ, tôn trọng sở thích, hành động của mẹ, vui vẻ mang giúp các món đồ ấy (vốn dĩ những món đồ ấy không quá nặng và việc mang chúng cũng không làm hình ảnh cô gái xấu đi) thì người mẹ ấy sẽ vui biết chừng nào trong cái vui được lành bệnh, xuất viện về nhà.
Ngẫm nghĩ, không chỉ có cô gái ấy, chúng ta cũng vậy, nhiều khi vì quá lo lắng, yêu thương mẹ cha mà đã vô tâm gán ghép ý chí của mình vào hành động của họ. Có người, thấy cha mẹ ăn cơm với cá khô trong khi nhà chẳng thiếu món ngon liền la rầy, cấm cản. Có người, thấy mẹ dành dụm từng chiếc quần, cái áo cũ lại bực bội hay càm ràm vì mẹ ăn trầu, hút thuốc… Con cái có cái lý của con cái thì cha mẹ cũng có nguyên do của họ. Cha mẹ thích ăn cá khô vì đó là món mẹ cha thích và hay ăn ở những ngày xưa cơ cực, giờ khá giả nhưng lâu lâu ăn lại thấy ngon, cũng là để hồi tưởng về quá khứ. Mẹ gom quần áo cũ để gửi về quê cho bà con, người nghèo; mẹ không thể bỏ trầu, không cai thuốc được vì mẹ đã ăn, đã hút mấy mươi năm nay rồi - nó là thú tiêu khiển duy nhất của mẹ bây giờ chứ mẹ có niềm vui gì cho riêng mình đâu? Hay cụ bà mà tôi gặp, cụ mang các món đồ ấy về vì cụ không nỡ bỏ đi những thứ mà người ta tặng cho mình lúc bệnh, đó là cái tình của người mang đến; cũng có thể cụ mang về để dùng, sợ con cái tốn tiền mua hoặc cụ mang về cho bà con, hàng xóm bởi bỏ đi là phí!
Sở thích, hành động của cha mẹ, người già có khi đối với chúng ta là “khó coi”, “kỳ cục”, “vô lý”, “không cần thiết”... Nhưng nếu là ta, liệu sẽ buồn thế nào khi ai đó cấm không cho ta mặc một bộ đồ ta thích, không cho ta dùng một món ăn ngon…
Huỳnh Trần Thảo My
Bình luận (0)