Sở Tư pháp TP.HCM chỉ ra hàng loạt bất cập trong luật Giám định tư pháp

Ngân Nga
Ngân Nga
17/04/2024 18:54 GMT+7

Theo Sở Tư pháp TP.HCM, luật Giám định tư pháp quy định điều kiện thành lập văn phòng giám định tư pháp không khả thi, dẫn đến cả TP.HCM chỉ có 1 văn phòng được thành lập.

Ngày 17.4, Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) kiểm tra tình hình tổ chức, hoạt động và quản lý công tác giám định tư pháp tại Sở Tư pháp TP.HCM.

TP.HCM có 3 tổ chức giám định tư pháp, bao gồm: Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế TP, Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an TP và Văn phòng giám định tư pháp Sài Gòn (hoạt động trong lĩnh vực tài chính). TP.HCM còn có 6 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, gồm: 2 đơn vị chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng, 1 đơn vị chuyên môn giám định xe cơ giới và 3 đơn vị chuyên môn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) làm việc với Sở Tư pháp TP.HCM

Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) làm việc với Sở Tư pháp TP.HCM

NGÂN NGA

Trong năm 2023, số lượng vụ việc giám định tư pháp tại TP.HCM là hơn 21.880 vụ việc, trong đó, phần lớn vụ việc phát sinh thuộc lĩnh vực pháp y (8.830 vụ việc, chiếm hơn 40%) và kỹ thuật hình sự (gần 13.000 vụ việc, chiếm gần 60%); số vụ việc còn lại phát sinh trong lĩnh vực xây dựng, tài chính và các lĩnh vực khác.

Trong đó, việc giám định tư pháp theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hơn 19.600 vụ việc, theo yêu cầu của người yêu cầu giám định tư pháp hơn 1.800 vụ việc và theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân khác hơn 300 vụ việc.

Theo ông Phan Thanh Tùng, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, phạm vi các lĩnh vực được phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp còn hẹp. Cụ thể, tại điều 14 của luật Giám định tư pháp quy định cho phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp ở lĩnh vực tài chính, xây dựng, ngân hàng và 3 chuyên ngành của lĩnh vực văn hóa là cổ vật, di vật, bản quyền tác giả.

Điều kiện thành lập văn phòng giám định tư pháp không khả thi, khi không cho giám định viên tư pháp là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng thành lập văn phòng.

Quy định giám định viên tư pháp nghỉ hưu, nghỉ việc thì bị miễn nhiệm, muốn thành lập văn phòng phải thực hiện thủ tục bổ nhiệm lại cũng gây ra thêm thủ tục không cần thiết. Có lĩnh vực được phép thành lập văn phòng giám định tư pháp nhưng lại không có cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp thẩm định hồ sơ thành lập trình UBND cấp tỉnh quyết định (ví dụ như lĩnh vực ngân hàng...).

Ông Phan Thanh Tùng, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM

Ông Phan Thanh Tùng, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM

NGÂN NGA

Cũng theo ông Tùng, các máy móc, phương tiện, thiết bị phụ trợ trong giám định đối với các lĩnh vực kỹ thuật cao (giám định ADN, giám định kỹ thuật số và điện tử, giám định âm thanh, giám định tài liệu...) vẫn còn thiếu, cần tiếp tục được đầu tư, trang bị.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thụy, Trưởng phòng Thanh tra - Bổ trợ tư pháp và Quản lý giám định tư pháp, Cục Bổ trợ tư pháp), nói: "Tôi ngạc nhiên khi quá trình làm việc với các cơ quan liên quan mới phát hiện một địa bàn thực hiện giám định với số lượng lớn, nhưng máy móc thiết bị giám định thuộc loại quá cũ, chưa phù hợp với công việc hiện nay". Do đó, bà Thụy đề nghị các cơ quan ban ngành đẩy nhanh tiến độ đầu tư trang thiết bị, nếu không sẽ ảnh hưởng đến xác định sự thật khách quan của các vụ án.

Từ đó, Sở Tư pháp kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành quản lý lĩnh vực giám định nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến việc thành lập văn phòng giám định tư pháp. Đồng thời, cần bổ sung quy định về cơ chế phối hợp giám định của cơ quan chuyên môn đối với vụ việc yêu cầu giám định gồm nhiều lĩnh vực như: thuế, tài chính, xây dựng…

Cũng theo cơ quan này, cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế cho phép cơ quan, tổ chức, giám định viên tư pháp thuê các doanh nghiệp thẩm định giá không qua trình tự thủ tục đấu thầu để đảm bảo tiến độ trả kết quả giám định theo thời hạn quy định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.