Sở Xây dựng TP.HCM gặp khó trong di dời nhà lấn chiếm kênh, rạch

12/01/2023 17:26 GMT+7

Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tổng hợp, đề xuất bổ sung các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

TP.HCM đạt 8.000.000 m2 sàn nhà ở

Sáng 12.1, Sở Xây dựng TP.HCM tổ chức hội nghị “Tổng kết công tác đảng, chính quyền và phong trào thi đua yêu nước năm 2022, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023”.

Ông Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

PHAN THU HOÀI

Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Trần Kiên, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết năm 2022, Sở hoàn thành đúng tiến độ, đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, Sở Xây dựng đã lãnh đạo thực hiện hoàn thành đạt và vượt 10/13 chỉ tiêu đề ra trong năm 2022.

100% công trình xây dựng trên địa bàn TP.HCM được kiểm tra và xử lý kịp thời, đúng quy định. Tính đến tháng 12.2022, thanh tra Sở Xây dựng đã phối hợp với UBND cấp xã, huyện, ban quản lý các khu đô thị mới, khu chế xuất, khu công nghiệp kiểm tra hơn 70.000 lượt, phát hiện tổng số 460 trường hợp công trình vi phạm trật tự xây dựng..

100% các phản ánh, kiến nghị của người dân qua đường dây nóng và qua cổng thông tin điện tử đối với lĩnh vực phụ trách được tiếp nhận, xử lý theo đúng quy định; 100% hộ dân sử dụng nước sạch đạt chỉ tiêu; trồng mới và cải tạo hơn 7.000 cây xanh công cộng.

Diện tích nhà ở được tăng thêm trong năm 2022 và ước tính cuối năm 2022 đạt khoảng 8.000.000 m2 sàn nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người cuối năm 2022 đạt 21,44 m2/đầu người. Số lượng đèn chiếu sáng được thay thế cấp mới và tiếp nhận từ các dự án là 4.872 hộ.

Phó giám đốc Sở Xây dựng cho biết, 3/13 chỉ tiêu dự kiến sẽ được chuyển tiếp sang năm 2023, gồm: Cải tạo và chuyển đổi hệ thống chiếu sáng đô thị hiện hữu thành hệ thống đèn chiếu sáng đô thị thông minh tại các khu vực đủ điều kiện tại trung tâm thành phố, được bố trí tại Q.1, Q.3 và Q.4; Cải tạo và chuyển đổi đèn chiếu sáng dân lập thành đèn chiếu sáng đô thị tại khu vực trung tâm thành phố; Ngầm hóa hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị kết hợp thay thế đèn chiếu sáng led tại các khu vực chính và khu vực trung tâm thành phố.

Lý do chuyển tiếp là do các chỉ tiêu trên chưa được đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Kiến nghị bổ sung dự án di dời nhà trên và ven kênh, rạch vào kế hoạch đầu tư công trung hạn

Về công tác giải quyết thủ tục hồ sơ, hành chính, Sở Xây dựng TP.HCM đã nhận hơn 43.000 hồ sơ hành chính, giải quyết gần 39.000 hồ sơ, đang thụ lý giải quyết hơn 5.000 hồ sơ, tỷ lệ khách hàng hài lòng đạt 97,65%, vượt chỉ tiêu đề ra 2,65%.

Trong năm 2022, Sở Xây dựng TP.HCM đã thực hiện kiểm tra gần 70.000 lượt, phát hiện 409 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, ban hành 504 quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp trên.

Tuy nhiên, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, công tác thực hiện nhiệm vụ vẫn còn gặp một số hạn chế. Cụ thể là các khó khăn trong tiến độ thực hiện và hoàn thành việc di dời nhà trên và ven kênh rạch; khó khăn trong kêu gọi nhà đầu tư tham gia các dự án xã hội hóa.

Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tổng hợp, đề xuất bổ sung các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Sở Xây dựng tặng hoa và chúc mừng năm mới lãnh đạo UBND TP.HCM

PHAN THU HOÀI

Phát biểu tại hội nghị, ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh: “Sở Xây dựng cần sáng tạo, ưu tiên các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, tập trung triển khai các nhiệm vụ thuộc vấn đề nhà ở xã hội và các dự án chung cư cũ xuống cấp”.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng yêu cầu, Sở Xây dựng TP.HCM bám sát các nghị quyết, đặc biệt là các nghị quyết mới ban hành trong năm 2022, tham mưu cho UBND TP.HCM xây dựng các văn bản triển khai phát triển đô thị. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng TP.HCM cần tập trung vào phát triển các chương trình nhà ở, đặc biệt nhà ở xã hội đang là một trong những vấn đề Chính phủ đặc biệt quan tâm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.