Sở Y tế TP.HCM nói gì về việc tồn kho thuốc đặc trị Covid-19 ?

14/07/2022 19:22 GMT+7

Đại diện Sở Y tế TP.HCM thông tin về hiện tượng tồn kho thuốc đặc trị Covid-19 và vật tư y tế phòng, chống Covid-19.

Ngày 14.7, tại buổi buổi họp báo cung cấp thông tin về dịch Covid-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, thông tin về hiện tượng tồn kho thuốc đặc trị Covid-19vật tư y tế phòng, chống Covid-19.

Phát thuốc cho F0 cách ly tại nhà ở Q.Tân Bình (TP.HCM)

DUY TÍNH

Bà Như cho hay, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM có được từ 2 nguồn.

Thứ nhất, nguồn từ tài trợ, viện trợ được phân bổ từ Bộ Y tế như thuốc Remdessivir, Molnupiravir… là các thuốc đặc trị trong điều trị cho người bệnh mắc Covid-19. Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, rất ít trường hợp chuyển nặng nên các thuốc này vẫn còn đang tồn. Sở Y tế TP.HCM đã thống kê và xin ý kiến chỉ đạo từ Bộ Y tế.

Thứ hai, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 do các bệnh viện mua sắm trong phòng, chống dịch Covid-19. Nếu không sử dụng không hết, các bệnh viện thương lượng để các nhà cung cấp nhận lại và cung ứng cho các đơn vị khác. Bộ Y tế cũng hướng dẫn cho phép chuyển mục đích sử dụng hoặc điều chuyển cho các bệnh viện khác sử dụng nhằm tránh lãng phí.

Về các trang thiết bị, vật tư y tế, bà Như cũng cho biết, sau khi dịch Covid-19 tại TP.HCM tạm thời được kiểm soát, Sở Y tế đã tham mưu UBND TP.HCM giải thể các bệnh viện dã chiến. Tái cấu trúc các bệnh viện vừa khám chữa bệnh thông thường vừa thành lập các khoa Covid-19.

Ngày 14.7: Cả nước 932 ca Covid-19, 8.545 ca khỏi

Để tránh lãng phí, Sở Y tế TP.HCM đã thống kê, điều chuyển các trang thiết bị phục vụ phòng, chống Covid-19 trước đây về lại các bệnh viện để phục vụ công tác khám chữa bệnh và phòng, chống dịch Covid-19.

Ngoài việc giải quyết vấn đề tồn kho thuốc đặc trị Covid-19, đại diện Sở Y tế TP.HCM cũng khuyến cáo người dân biến chủng Omicron có thể gây tái nhiễm ở những trường hợp bệnh nhân từng nhiễm chủng Detal, kể cả người tiêm vắc xin Covid-19 khi kháng thể đã giảm thấp sau một thời gian (thông thường là 6 tháng). Do đó, Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo người dân nên tiêm mũi nhắc lại để duy trì nồng độ kháng thể trung hòa ở mức cao nhằm ngăn chặn trường hợp nhiễm đột phá của các biến thể mới, trong đó có biến thể BA.4, BA.5.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.