Bác sĩ Hồ Văn Hân, Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM, cho biết trên địa bàn TP.HCM có 3.891 cơ sở thẩm mỹ các loại, nhưng chỉ có 772 cơ sở thẩm mỹ do Sở Y tế TP.HCM và Bộ Y tế cấp phép. Số cơ sở thẩm mỹ còn lại như spa, chăm sóc da (phi y tế) do quận, huyện, Sở KH-ĐT cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không thuộc đối tượng quản lý của ngành y tế. Trong đó, một số cơ sở lấn sân sang lĩnh vực y tế (phẫu thuật thẩm mỹ, tiêm filler, botox…).
Trong 8 tháng năm 2024, Sở Y tế đã ban hành hơn 280 quyết định xử phạt các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về khám chữa bệnh với tổng số tiền hơn 13,4 tỉ đồng.
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, trên thế giới có 3 nhóm giải pháp quản lý thẩm mỹ. Thứ nhất, bổ sung thêm quy định và siết chặt các quy định liên quan đến thẩm mỹ (cấp phép, giấy phép hành nghề, phòng khám). Thứ hai, minh bạch hóa cho người dân biết về cơ sở, công khai cơ sở vi phạm. Thứ ba, đẩy mạnh quản lý chặt thuốc, vật tư, trang thiết bị liên quan đến thẩm mỹ, không phải ai mua cũng được.
"Sở Y tế TP.HCM đang thực hiện và kiến nghị thực hiện 3 điểm trên, và bổ sung thêm hai nhóm. Đó là Sở khẩn trương chuẩn hóa quy trình kỹ thuật (phác đồ), từ chỉ định đến kỹ thuật thẩm mỹ một cách thống nhất. Cuối cùng, Sở bắt buộc các bệnh viện, phòng khám làm nghiêm hồ sơ bệnh án về thẩm mỹ. Để thuận lợi, Sở sẽ số hóa hồ sơ bệnh án về thẩm mỹ. Mọi dữ liệu bệnh án thẩm mỹ do cơ sở thực hiện sẽ chạy về Sở Y tế để quản lý. TP.HCM sẽ thí điểm làm vấn đề này", ông Tăng Chí Thượng thông tin.
Bình luận (0)